294 thanh-thiếu niên chưa ngoan (TTNCN) được Công an, Thành Đoàn và Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng tổ chức đưa đi “tham quan” tại Trại tạm giam Hòa Sơn và Trường Giáo dưỡng số 3, Bộ Công an vào đầu tháng 9-2010. Chuyến đi ấy cộng với những lời dạy sâu sắc của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khiến đa số các em có những chuyển biến tích cực về thái độ, hành động sau đó, nhiều em đã tìm được việc làm, trở lại lớp học và đi học nghề...
Thanh-thiếu niên chưa ngoan đi tham quan tại Trường Giáo dưỡng số 3, Bộ Công an. |
Chúng em đã tỉnh ngộ...
294 TTNCN ấy đều có điểm chung là lười nhác, thiếu sự quan tâm của gia đình nên sinh ra bỏ học, ham chơi lêu lổng. Trong đó có một số em đã theo bạn bè xấu đi trộm cắp tài sản. Không ít em tái phạm nhiều lần nhưng vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên buộc phải giáo dục tại xã, phường theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Em Nguyễn Đăng Quốc T. (17 tuổi), trú tổ 11 và Huỳnh Văn T. (16 tuổi), trú tổ 4, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ trước đây thường xuyên đi trộm cắp. Công an phường đã nhiều lần xử phạt hành chính, song các em vẫn chứng nào tật nấy. Sau ngày được đi “tham quan” và nghe đồng chí Bí thư Thành ủy răn dạy, Quốc T. đã nhận thấy những lỗi lầm của mình. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nhiệt tình động viên của anh cảnh sát khu vực (CSKV), nay Quốc T. đã xin được công việc rửa xe cho một công ty trên địa bàn phường, có tiền thu nhập phụ giúp gia đình, Quốc T. tự hứa với anh CSKV sẽ tu tính làm ăn, không tái phạm. Còn Huỳnh Văn T. đã xin đi học nghề sửa chữa xe máy. Gặp chúng tôi, T. cho biết dự định của mình: Tạm thời em xin đi học nghề sửa chữa xe máy. Khi lớn lên, có điều kiện em xin đi học nghề lái taxi. Hy vọng sau này mọi người không còn nhìn em bằng con mắt miệt thị...
Em Phạm Ngọc N. (15 tuổi, trú tổ 18, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cũng đã xin làm việc tạm thời tại một nhà hàng ở Hòa Khánh. Trước đây N. thường xuyên đi trộm cắp tài sản của người khác. Sau lần được đi “tham quan”, N. không còn biểu hiện tái phạm. Ngày ngày đi làm về, N. đều có mặt tại nhà cùng mẹ. Một CSKV được phân công phụ trách N. cho biết: Trước đây N. quấy phá, trộm cắp, không bao giờ nghe lời gia đình, bây giờ em đã ngoan hơn hẳn, có những biểu hiện rất đáng khen.
Ngoài những em tìm được việc làm, nhiều em có nguyện vọng đi học lại đã được các cấp, ngành động viên, xin nhà trường cho vào học. Điển hình như em Nguyễn Thanh V. (16 tuổi), trú tổ 12, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. V. có hoàn cảnh đặc biệt, cha mất sớm, gia đình nghèo và không được quan tâm chăm sóc nên V. bỏ nhà đi bụi rồi dẫn đến trộm cắp. Được sự quan tâm của chính quyền và đoàn thể ở cơ sở, V. xin vào học ở Trường THCS Huỳnh Bá Chánh. Với sự thay đổi lớn trong nhận thức, V. dần hòa nhập với các bạn trong lớp và chăm chỉ học tập.
Phải là điểm tựa cho các em
Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ chính quyền các cấp lại quan tâm đặc biệt đến những TTNCN như hiện nay. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho những đối tượng này chuyển biến tích cực về mặt nhận thức cũng như hành động.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng Công an phường Hòa An cho biết: Phường có 6 em trong diện “đặc biệt”. Sau khi các em đi “tham quan” trở về, lãnh đạo Công an phường chỉ đạo CSKV theo dõi sát sao để có kế hoạch giúp đỡ các em. Hằng ngày, CSKV đến từng gia đình để động viên, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chính bản thân các em. Qua đó, nếu em nào có nhu cầu tiếp tục học sẽ đưa các em trở lại trường; em nào có nhu cầu tìm việc làm thì Công an phường sẽ làm việc với các doanh nghiệp để xin việc. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nhận các em làm việc phải cam kết quản lý, theo dõi, nếu phát hiện các em có những biểu hiện tiêu cực phải báo ngay để lực lượng công an kịp thời xử lý. Nhờ đó mà các em đã tiến bộ rõ rệt.
Đại úy Bạch Đình Thông, Phó trưởng Công an phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn tâm sự: Các em vi phạm đều có những hoàn cảnh khác nhau. Có em sống trong cảnh bố mẹ li dị nhau, có em bố hoặc mẹ đã qua đời, cũng có những em gia đình khá giả, song không được quan tâm. Để giáo dục các em tiến bộ, ngoài sự theo dõi của CSKV, Công an phường mời gia đình từng em lên cam kết, không để con em tái phạm. Các hội đoàn thể thường xuyên đến nhà để động viện, tặng quà giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh nghèo, xin việc làm và vận động các em trở lại trường học tập. Vì vậy, đến nay trong số 8 em chưa ngoan thì 7 em đã có những chuyển biến tích cực…
Theo báo cáo của Công an các quận Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, sau ngày các TTNCN đi “tham quan” và được đồng chí Bí thư Thành ủy răn dạy, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và gia đình, đặc biệt là sự quan tâm tận tình của lực lượng CSKV, hầu hết các em đã có sự tiến bộ. Trong đó, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu là những quận có số thanh-thiếu niên tiến bộ nhiều. Một số phường có tỷ lệ tiến bộ gần 100% là Hòa An (Cẩm Lệ), Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Hải, Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn), An Hải Đông (Sơn Trà)…
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc chung tay giáo dục, quản lý TTNCN, hy vọng thời gian tới, tình hình tội phạm sẽ được kìm hãm, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ