Cùng với việc chị Lê Thị Thu Hà được điều động và bố trí vào chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc thì trên địa bàn huyện Hòa Vang, đã có 6 học viên trong tổng số 14 học viên của Đề án 89 được đảm nhận các chức vụ trong Đảng và chính quyền ở các xã; trong đó, có 1 Phó Bí thư Đảng ủy, 2 Phó Chủ tịch UBND và 3 Đảng ủy viên phụ trách văn phòng.
Nhiều học viên Đề án 89 đã trưởng thành và được đề bạt. Ảnh: SƠN TRUNG |
Đây cũng là địa phương có số lượng và tỷ lệ học viên Đề án 89 được bố trí chức vụ cao nhất trên địa bàn thành phố (42,86%). Lý giải về vấn đề này, ông Lê Trung Thắng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang cho biết: “Không chỉ tốt nghiệp đại học hệ chính quy, mà các học viên của Đề án 89 đã được đào tạo những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác lãnh đạo, quản lý cả về lý thuyết và kinh nghiệm, nên chúng tôi nghĩ rằng, cần phải tạo điều kiện cụ thể để họ phấn đấu và cống hiến một cách tốt nhất. Với lực lượng trẻ được đào tạo cơ bản như thế, chúng tôi cũng có điều kiện để thực hiện yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã”!
“Không chỉ là kỳ vọng thể hiện trong sự phân công công tác của lãnh đạo, mà điều quan trọng là có cả sự quan tâm, theo dõi của cán bộ và nhân dân địa phương đối với bản thân nơi mình công tác. Nói cách khác, là có nhiều người đang dõi theo mình trên cương vị là học viên của Đề án 89” - Anh Trương Tấn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên nhìn nhận như vậy. Không như chị Lê Thị Thu Hà, anh Trương Tấn Mạnh có thuận lợi là đã công tác trên địa bàn xã - cũng là quê hương của mình được 2 năm trước khi địa phương cử đi đào tạo theo Đề án 89. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, anh được bố trí làm cán bộ tổng hợp Văn phòng UBND xã rồi sau đó được Đại hội Đảng bộ xã bầu vào Đảng ủy, đến tháng 7 thì được HĐND xã bầu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND xã.
“Chính thời gian làm cán bộ tổng hợp ở văn phòng đã giúp cho tôi tiếp cận, làm quen với nhiều đầu việc mà sau này khi đảm nhận nhiệm vụ mới, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người đi trước, tôi bớt đi nhiều bỡ ngỡ. Từ thực tế của mình, tôi nghĩ rằng, học viên của Đề án 89 sau đào tạo không phải là ngồi vào “ghế” ngay mà cần phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm và dần ứng dụng những điều mình được học hỏi vào thực tiễn. Trong đó, lãnh đạo nên quan tâm bố trí vào các chức danh tổng hợp ở văn phòng cấp ủy hoặc chính quyền, trực tiếp tham mưu cho Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND xã, phường để họ nhanh chóng hình dung, làm quen với công việc hơn; bởi có nhiều điều trong thực tiễn chưa bao giờ được đúc kết một cách đầy đủ và hoàn thiện trong lý thuyết mà họ được đào tạo” - Anh Trương Tấn Mạnh chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Đây cũng chính là điều mà lãnh đạo huyện Hòa Vang nhìn nhận và triển khai thực hiện trong thời gian qua đối với hầu hết học viên Đề án 89 được phân công về công tác tại địa bàn. Theo ông Lê Trung Thắng, chỉ riêng anh Nguyễn Hữu Trung được bố trí làm cán bộ phụ trách đất đai-quy hoạch-dân chủ cơ sở và giáo dục của UBND xã Hòa Ninh, còn những người khác đều là cán bộ văn phòng Đảng ủy hoặc UBND xã, trong đó có 3 Đảng ủy viên.
Không chỉ với lãnh đạo huyện Hòa Vang, mà hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố đều có sự quan tâm trong việc sử dụng, bố trí công tác hợp lý cho các học viên Đề án 89. Trong đó, nhiều người đã có thời gian thể hiện khả năng và nhận được sự tín nhiệm của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn công tác. Theo báo cáo mới nhất từ Ban Tổ chức Thành ủy, đến nay, đã có 2 học viên được điều động nhận nhiệm vụ ở cấp quận là anh Trương Thu (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hải Châu) và anh Nguyễn Văn Minh (Quận ủy viên, Bí thư Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn); 16 học viên được bầu vào chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND hoặc Đảng ủy viên cấp xã, phường. Tuy nhiên, cũng đã có 2 học viên sau một thời gian công tác đã xin thôi nhiệm vụ, đều với lý do là mức thu nhập không bảo đảm được cuộc sống...
Chia tay với Phó Chủ tịch vừa tròn 30 tuổi của UBND xã Hòa Liên trong cơn mưa một buổi trưa cuối thu. Dưới cơn mưa, những chồi non chừng như đang e ấp tách vỏ trên hàng cây ven đường. Chợt nghĩ, những chồi non ấy có vươn mình qua mùa đông để nảy lộc trong nắng xuân ấm áp, cũng nhờ vào dòng nhựa nóng đang chảy tràn trong những thân cây mạnh mẽ mà lặng lẽ bên đường...
(Tiếp theo và hết)
Ghi chép của Nguyễn Thành