.

Hiến kế phòng, chống bạo lực học đường

.

Tuần qua, cả nước tiếp tục xôn xao với clip nữ sinh bị lột áo, làm nhục ngay tại một góc khuất của trường học. Bức xúc và đau lòng trước nạn bạo lực học đường diễn ra liên tục và ngày càng ngang nhiên, trong buổi tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, nhiều giáo viên trẻ, tiêu biểu của thành phố đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân cũng như đề xuất nhiều giải pháp khá thiết thực nhằm ngăn chặn phần nào nạn bạo lực học đường tại TP. Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Camera được lắp trong tầng hầm giữ xe của Trường THPT Phan Châu Trinh.
Lắp camera, hợp đồng với Công an bảo vệ trường học...

Thạc sĩ Nguyễn Quang Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh đề xuất giải pháp lắp camera ở các góc khuất trong khuôn viên trường học như cầu thang, tầng hầm để xe. Đây được xem là những điểm khá “nhạy cảm” trong trường học, vì chỉ cần một xích mích nhỏ như tranh nhau chỗ để xe, hay dẫm phải nhau khi lên xuống cầu thang cũng đủ để xảy ra mâu thuẫn, xô xát giữa các học sinh với nhau. Cũng từ giải pháp này, thạc sĩ Nguyễn Quang Hưng chỉ rõ, nhà trường, phụ huynh chưa thực sự nắm bắt được diễn biến tâm, sinh lý của các em.

Chúng ta mới chỉ làm được việc dọn lại “bãi chiến trường” mà các em gây ra. Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý học sinh của Trường THPT Thái Phiên: “Gần 2 năm qua, chúng tôi đã hợp đồng với Công an phường Thanh Khê Đông, cử người đóng chốt trước cổng trường vào các giờ cao điểm. Cách làm này đã giúp trường chúng tôi giảm hẳn các vụ học sinh gây gỗ, đánh nhau”. Tuy nhiên, theo cô Tuyết, học sinh bây giờ không “dại” gì đánh nhau gần trường học. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhà trường cũng như gia đình phải “bó tay” khi xảy ra bạo lực giữa học sinh với nhau.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Công, Bí thư Đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp Cẩm Lệ, cho rằng, vai trò của tổ chức Đoàn - Hội trong nhà trường còn quá mờ nhạt, chưa thật sự gần gũi với học sinh. Thầy Công hài hước khi nói: “Trước cổng trường chúng tôi hàng quán mọc lên rất nhiều. Đây chính là cái bầu chứa nhiều mâu thuẫn của học sinh. Ngoài thời gian dạy học, phần lớn thời gian tôi cũng “la cà thực tế” hàng quán như các em”. Chính nhờ đi sâu, đi sát và hòa mình vào cuộc sống của học sinh mà thầy Công đã nhiều lần giải quyết thành công mâu thuẫn của học sinh trong trường. Còn Trường THPT Hòa Vang lại đưa ra giải pháp thành lập website để học sinh có thể gửi thông tin, chia sẻ với thầy cô giáo một cách thoải mái, an toàn.

Cần hiểu rõ khái niệm “Bạo lực học đường”

Trong tham luận của mình, thạc sĩ Ngô Ngọc Hoàng Vương, chuyên viên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho rằng nhiều thầy cô giáo hiểu chưa đúng về khái niệm “bạo lực học đường”. Từ chỗ hiểu sai này dẫn đến đi chệch hướng trong việc tìm ra giải pháp hạn chế nó. Theo thạc sĩ Ngô Ngọc Hoàng Vương, bạo lực học đường không chỉ là học sinh đánh nhau mà còn bao gồm cả những thái độ đối xử không thân thiện của thầy cô giáo đối với học sinh. “Những nhận xét của thầy cô kiểu như “Xinh thế này mà sao học dốt thế”, cũng chính là bạo lực học đường”, anh Vương khẳng định.

Bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng nhiều. Đà Nẵng chưa phải là điểm nóng về vấn đề này. Tuy nhiên, theo chị Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thì: “Không chỉ dạy kiến thức, chúng ta phải giáo dục các em cách hành xử để nó trở thành nếp trong lối sống của học sinh. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa vai trò và tăng thời lượng hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường. Nhìn nhận lại vai trò của bộ môn giáo dục công dân vốn bị xem nhẹ lâu nay. Một trường học thân thiện trước hết đó phải là một trường học an toàn”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.