Từ tháng 9 đến nay, tại hầu hết các bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận điều trị không ít bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) trong tình trạng không kiểm soát mạch, huyết áp, tiểu cầu giảm liên tục, kèm theo sốc, xuất huyết niêm mạc, dạ dày. Do vậy, nguy cơ tử vong từ căn bệnh này đang ngày càng lớn, không thể xem thường.
Hơn 10% là bệnh nặng
Điều trị bệnh nhân mắc SXH tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng. |
Bác sĩ Hàm cho biết thêm: Cách đây chưa đến một tuần, khoa chúng tôi tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.Đ (33 tuổi), nhập viện ngày thứ 3 trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Điều đáng lo nhất ở bệnh nhân này là lượng tiểu cầu trong máu giảm nhanh và bất thường. Có thời điểm chỉ còn trên 10.000/mm3 (với người khỏe mạnh chỉ số tiểu cầu trong máu thường từ 150.000 đến 300.000/mm3).. Do vậy, các bác sĩ đã phải truyền 4 đơn vị tiểu cầu máu để nâng sức khỏe người bệnh. Hiện tại, Khoa Y học nhiệt đới đang đều trị cho gần 10 bệnh nhân SXH độ 3 với các biểu hiện chảy máu mũi, răng và âm đạo. Những trường hợp như bệnh nhân Đ. do đưa vào điều trị muộn và ngay từ đầu chúng tôi xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm mạnh.
Theo các bác sĩ, những trường hợp dễ dẫn đến tử vong do bệnh SXH phần lớn là người bệnh có thêm bệnh lý đi kèm như tim mạch, hen suyễn, huyết áp cao… Trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh SXH tại thành phố Đà Nẵng là nữ bệnh nhân mắc SXH kèm theo tiền sử bệnh hiểm nghèo, trọng lượng cơ thể nhẹ so với bình thường.
Một số BV tuyến dưới khi đưa bệnh nhân vào Khoa Y học nhiệt đới vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là không có máy tách tiểu cầu để truyền cho người bệnh. Hơn nữa, điều kiện cơ sở vật chất, máy trợ hô hấp tại các BV tuyến quận, huyện còn ít. Do vậy, bệnh nhân SXH chuyển tuyến trên điều trị ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 đến 7 bệnh nhân nặng đưa vào Khoa Y học nhiệt đới điều trị. Đó là chưa kể số bệnh nhân nhi mắc SXH chuyển viện điều trị cũng khá lớn.
Mắc SXH lần thứ hai rất dễ tử vong
Các bác sĩ điều trị bệnh SXH tại BV Đà Nẵng cảnh báo, hiện nay nhiều người dân vẫn rất chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe, bởi nhiều ca bệnh khi đưa vào BV đã trở nặng. Việc điều trị rất khó khăn trong tình trạng bệnh nhân quá tải nghiêm trọng. Điều nguy hiểm, theo các chuyên gia dịch tễ cảnh báo là vi-rút gây bệnh SXH đã có biến thể mới. Bởi trên thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân điều trị từ 9 đến 11 ngày bệnh vẫn không bớt, thay vì từ 5 đến 7 ngày, theo phác đồ điều trị bệnh trong những năm trước đây.
Hiện tại nước ta đang lưu hành cả 4 týp vi-rút gây SXH là D1, D2, D3 và D4. Từ năm 1995 trở về trước, týp D1, D2 chiếm ưu thế, sau đó là D3, D4. Số ca sốc, sốt nặng do SXH và tái sốt nhiều hơn so với các năm, tỷ lệ trẻ em giảm xuống còn 47%, so với tỷ lệ chung là 70 - 75%. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc SXH ở lần thứ 2, bệnh cảnh thường nặng và dễ gây tử vong hơn lần một. Bởi lần mắc đầu, bệnh nhân thường mắc týp D1 là týp cổ điển, biểu hiện lâm sàng nhẹ như mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, xuất huyết ít, nhanh khỏi. Sau lần mắc này, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể với D1, nhưng bệnh nhân vẫn có thể mắc SXH do týp khác. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song giữa 2 loại kháng thể, và có thể xảy ra sự xung đột giữa 2 kháng thể, nên gây phản ứng tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch...
Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế cho biết, xét nghiệm trên bệnh nhân SXH, các nhà dịch tễ học của Việt Nam đã phân lập được 15 trường hợp sốt do vi-rút Chikungunya. Trên thế giới, chủng vi-rút này đã gây tử vong nhiều người và là tác nhân gây ra dịch ở các nước Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG