.

Muôn nẻo đời thường - Băng đĩa lậu: Làm sao xử lý?

.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thay thế các quy định tại Chương II Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6-6-2006 đã có hiệu lực từ ngày 1-9. Trong đó có quy định về việc xử phạt người mua từ 10 băng đĩa không dán nhãn trở lên. Tuy nhiên, cả cơ quan chức năng, người bán lẫn người mua đều thấy quy định này không dễ thực thi.

Mô tả ảnh.
Người mua vẫn có thể tha hồ chọn lựa và mua đĩa lậu với số lượng trên 10 bản không dán tem. (ảnh minh họa)
Cứ mua đi, có ai biết đâu (?!)

Tại nhiều tiệm bán băng đĩa khu vực chợ Hòa Khánh, hầu hết người mua và bán đều không biết đến quy định “không được mua từ 10 băng đĩa không dán nhãn trở lên”. Một người bán trong khu hàng đối diện cổng chợ khẳng định: “Làm chi có chuyện đó. Mua bao nhiêu chẳng được”.

Còn trên các tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, dù biết nhưng các chủ tiệm vẫn trấn an khi tôi tỏ ra lo lắng: “Quy định vậy thôi chứ ai hơi đâu đi kiểm tra. Nhiều người cũng mua quá trời, có sao đâu”, chủ tiệm đĩa I.M (đường Phan Châu Trinh) cho hay. Một cán bộ thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nói thêm, không ít chủ tiệm khi được phổ biến về quy định mới này cũng bảo: “Tôi còn trông cho người ta mua nhiều là đằng khác”. Ở các hàng trải dưới đất các khu chợ và trên tay những người bán dạo, việc mua bán đĩa sao chép lậu còn diễn ra xôm tụ hơn nhiều.

Hiện nay, một đĩa sao chép lậu có giá khá “bèo”, từ 7 đến 15 nghìn đồng, thậm chí chỉ từ 4 đến 5 nghìn đồng. Chủ tiệm T.T (đường Hùng Vương) nhận xét, giá thành một đĩa dán tem (đĩa in sang có phép-PV) luôn vượt quá 20 nghìn đồng, và chủng loại không mấy phong phú, nên đĩa chép lậu vẫn là lựa chọn hàng đầu. Từ trước tới nay, người mua tha hồ mua số lượng lớn với giá cực rẻ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Khó xử lý người mua

Trong tình hình việc sao chép, in sang đĩa lậu diễn ra tràn lan và gần như ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng, ông Lưu Văn Học, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL thành phố Đà Nẵng cho rằng, quy định này là một phương cách hạn chế việc mua đĩa lậu với số lượng nhiều nhằm mục đích tàng trữ, in sang lại, chứ không phải để giải trí. Và 10 đĩa được hiểu là 10 bản đĩa với nội dung hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, ông vẫn thừa nhận, bắt quả tang người mua một lần trên 10 đĩa là quá khó, trừ khi cử cán bộ “nằm vùng” ở một điểm nào đó. Lực lượng thanh tra cũng không đủ để “rải đều” cho hàng trăm cơ sở kinh doanh băng đĩa trên địa bàn thành phố, chưa kể hàng bán dạo. Thậm chí, ông nói, nếu muốn, người mua vẫn có thể “lách” ngon lành bằng cách mua 8, 9 đĩa rồi lúc khác hoặc hôm sau quay lại mua thêm.

Ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cũng cho rằng người mua bị đưa vô thế khó, vì đâu phải ai cũng biết đến quy định mới này. Cách ngăn chặn triệt để nạn đĩa lậu, theo ông, là phải tìm cho ra, bắt tận các đầu nguồn in, sang, chứ không phải nhắm vào người mua. Ông Vương Thế Phong, Quản lý cụm rạp phim Megastar Đà Nẵng phán đoán, có khả năng một nguồn in, sang lớn đang hoạt động ở Đà Nẵng, vì nhân viên cụm rạp này bằng thiết bị chuyên dụng đã 3 lần bắt được người quay lén phim chiếu trong rạp với mục đích in, sang.

Từ ngày 1-9, ngày bắt đầu có hiệu lực của Nghị định 75, dù biết khó, Thanh tra văn hóa vẫn thực hiện nhiều cuộc kiểm tra tại các cửa hàng băng đĩa theo nội dung trên. Song, họ vẫn chưa phát hiện trường hợp người mua nào vi phạm, và Thanh tra cũng chủ yếu xử lý việc kinh doanh đĩa không có tem nhãn hoặc có nội dung xấu.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.