.

Muôn nẻo đời thường: Lướt web làm nông

.
Gần một năm nay, vào lúc nông nhàn, hàng trăm nông dân tại hai xã Hòa Tiến và Hòa Liên, huyện Hòa Vang lại lên mạng lướt web miễn phí để tìm kiếm thông tin phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Mô tả ảnh.
Nông dân xã Hòa Tiến đang tìm kiếm thông tin phục vụ sản xuất.
Tháng 11 năm 2009, chương trình “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông thôn, nông dân” do Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với Hội Nông dân thành phố thực hiện đã được triển khai. 12 bộ máy tính để bàn với tổng giá trị 70 triệu đồng được lắp đặt tại 2 xã Hòa Tiến và Hòa Liên. “Khách” đến thường xuyên là những nông dân chân lấm tay bùn. Ban đầu nhiều người còn bỡ ngỡ vì lạ lẫm, nhưng lâu dần thì rất thích thú vì được lên mạng miễn phí lại tìm được nhiều thông tin bổ ích phục vụ sản xuất.

Căn nhà của anh Phạm Thôi, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, nơi để 6 bộ máy vi tính phục vụ nông dân lên mạng luôn tấp nập người ra vào. Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn, lại có một số kiến thức về Internet, anh Thôi trở thành người “thầy” hướng dẫn từ những điều cơ bản nhất cho hàng trăm nông dân khi tìm tới đây. Những nông dân chân chất, đôi tay thô ráp, chai sần nhưng lại lướt web một cách rất thành thạo. “Dù lạ lẫm nhưng bà con tiếp thu rất nhanh nên chỉ cần hướng dẫn một vài thao tác và những địa chỉ quen thuộc là họ nắm bắt ngay”, anh Thôi cho biết. Không quy định giờ giấc, cũng không hẹn nhau, hễ rảnh rỗi là nhiều người lại tìm đến đây.
 
“Cuộc đời tôi gắn với ruộng vườn đã gần 40 năm, giờ mới biết đến Internet, quả là rất bổ ích”, bác Nguyễn Văn Hoa, 56 tuổi, thôn La Bông, xã Hòa Tiến cho biết. Theo lý giải của bác Hoa, muốn làm nông đạt hiệu quả cao thì kinh nghiệm phải đi liền với khoa học kỹ thuật. Những thông tin được phản ánh kịp thời qua Internet không chỉ giúp bà con nhận ra nhiều phương pháp làm ăn mới, hiệu quả mà còn chủ động trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi. Những trang web quen thuộc như google.com.vn, caylua.vn, nghenong.com… và nhiều trang báo điện tử khác đều là những địa chỉ “ruột” để bà con giải đáp thắc mắc và nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Đi đầu trong phong trào truy cập Internet miễn phí là những Chi hội trưởng Chi hội Nông dân các thôn. Hiện nay trên địa bàn 2 xã Hòa Tiến và Hòa Liên đang hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới như trồng rau sạch, nuôi cá trê lai, nuôi heo, trồng hoa cúc… Cứ đến thời vụ gì, các Chi hội trưởng lại tìm đến điểm truy cập Internet miễn phí, cặm cụi tìm kiếm, ghi chép cẩn thận, sau đó về phổ biến rộng rãi cho bà con trong thôn. “Bà con đang lo lắng vì thời tiết năm nay không được thuận lợi cho việc trồng hoa cúc Tết nên giục tôi đi xuống đây để giải đáp thắc mắc qua mạng”, anh Trần Đình Thiên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yến Nê 1 cho biết. Nói rồi anh lật cuốn sổ tay ra cặm cụi nghiền ngẫm với hàng chục câu hỏi mà bà con đã gửi gắm. Theo anh Thiên, chút kinh nghiệm còn ít ỏi trong nghề trồng hoa chưa thể đem lại hiệu quả kinh tế cao được, đặc biệt là khi thời tiết thất thường như hiện nay. Việc tìm kiếm thông tin, giải đáp các thắc mắc qua Internet không chỉ khách quan, hiệu quả mà còn phù hợp với từng thời điểm cụ thể nên rất được bà con ưa chuộng.

Dù là điểm truy cập hoàn toàn miễn phí nhưng chỉ được ưu tiên cho những ai có nhu cầu tìm kiếm thông tin phục vụ sản xuất, học tập. “Những thanh niên có ý định truy cập Internet để xem phim, nghe nhạc, chơi game đều bị từ chối”, anh Thôi khẳng định. Ngoài ra, nhiều con em là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cũng được ưu tiên để phục vụ cho việc học tập, tra cứu tài liệu…

Có hôm đông quá nên mọi người phải chờ nhau, người cuối cùng rời mắt khỏi màn hình máy tính khi chủ nhà đã ngủ từ lâu.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.