.
Muôn nẻo đời thường:

Ra phố mưu sinh

.

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Những phụ nữ từ các vùng quê nghèo quyết ra chốn thị thành tìm cho mình một cuộc sống khá hơn...Lên các thành phố lớn tìm kiếm việc làm là lựa chọn của nhiều phụ nữ thôn quê, dù xa nhà dăm bữa, hay biền biệt mấy năm trời.

Mô tả ảnh.
Bán hàng rong là công việc hằng ngày của các chị ở quê ra thành phố.

Hằng ngày, trên mọi nẻo đường, lẩn khuất trong những con phố, thường xuất hiện bóng dáng của những chị, những em gái nhỏ hay những cụ già từ những vùng quê nghèo khác nhau như Quảng Nam, Quảng Ngãi… chọn thành phố Đà Nẵng làm nơi mưu sinh cho mình. Chỉ cần chiếc xe đạp hay đôi quang gánh, họ có thể rong ruổi khắp phố, mặc cho trời nắng hay mưa.

Chị Nguyễn Thị Lý, quê ở huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi ra Đà Nẵng làm nghề bán vé số cho biết: Chị đi bán thế này được 8 năm rồi. Khi mùa màng đã thu hoạch xong chị lại ra đây đi bán vé số. Chị tâm sự: “Mỗi tháng đi bán cũng kiếm được 2 triệu đồng, đó là mùa nắng, mùa mưa thì bán ít hơn. Nhưng chừng đó cũng là một khoản thu nhập kha khá đối với chị để gửi về quê lo cho hai đứa con ăn học. Chứ chỉ dựa vào mấy sào ruộng thì không cách nào đủ…”.

Phụ bán hàng, bán báo dạo, mua ve chai, giúp việc nhà hay làm công việc cực nhọc hơn như khuân vác, phụ hồ… là những công việc mà đa số họ chọn làm, bởi những công việc đó không đòi hỏi tay nghề cao hay trình độ học vấn.

Người đi trước mách bảo người đi sau, vào lúc nông nhàn, những người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là chị em phụ nữ lại vắng bóng nơi làng quê. Với gánh trái cây nặng trĩu trên vai, chị Trần Thị Hoa (45 tuổi, quê Duy Xuyên, Quảng Nam) vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi mệt nhọc, vừa nói: “Nhà được 3 sào ruộng nhưng lại có tới 5 miệng ăn, đứa nào cũng đang tuổi ăn học, không bám phố thì lấy chi ăn”. Được biết năm nay đứa con đầu của chị đang học năm thứ hai tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Khi con vào trường nhập học cũng là lúc chị rời quê theo con ra phố làm. Giờ chị phải cố gắng kiếm tiền để cho con nộp học phí cho học kỳ này.

Công việc của chị khá thất thường, lúc phụ rửa chén bát nhà hàng, khi thì bốc xếp ở các khu chợ, chạy “sô” giúp việc cho các gia đình… Nói chung, công việc chỉ dùng đến chân tay và sức lực. “Xin vào công ty nào họ cũng đòi hỏi bằng cấp, trình độ, mà như tui thì học hành chi” - chị tâm sự.

Không chỉ những người trong độ tuổi như các chị tìm về các thành phố lớn mưu sinh, còn có các cụ, các em đáng ra phải được ăn học hay nghỉ ngơi dưỡng già cũng phải bươn chải ra phố để kiếm sống.

Cụ Nguyễn Thị Lý, 76 tuổi, quê ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng đi bán vé số cho biết: Ngày nào cụ đi nhiều thì cũng lãi được 50.000-60.000 đồng, như vậy đủ sống rồi. Khi được hỏi sao không ở nhà để con cháu lo, cụ tâm sự: “Con cháu cụ cũng không khá giả gì, làm không đủ ăn, nói gì đến nuôi mình, cụ không muốn làm khổ con cháu, đi thế này bán được chừng nào hay chừng đấy, khi nào mệt thì về quê nghỉ vài hôm”.

Tuy kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng chị em phụ nữ luôn sống trong điều kiện ăn ở thiếu thốn, mất vệ sinh tại các khu nhà trọ rẻ tiền. Chị Hoa cho biết: Sáng đi tối về, phòng trọ chỉ là nơi ngả lưng sau ngày làm việc mệt mỏi, nên đa số bọn chị đều chọn cách sống tập thể cho rẻ, dù biết là mất vệ sinh và không bảo đảm các điều kiện về an ninh.

Hiện nay, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn luôn là vấn đề nan giải và bức xúc, nhất là đối với các vùng quê nghèo, dân số đông, nơi có tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao, không có nghề nghiệp phụ, đặc biệt là đất nông nghiệp ngày càng hoang hóa, thu hẹp. Trong khi chờ đợi các giải pháp từ các cấp chính quyền, các ngành để giải quyết vấn đề việc làm tại địa phương, đa số lao động nữ đã tự chọn cho mình một chuyến hành trình ra phố mưu sinh với nhiều bất trắc, bởi không còn lựa chọn nào tốt hơn!

Bài và ảnh: KIM OANH

;
.
.
.
.
.