Như khi còn sống, con người lúc từ giã cõi đời cũng có nhu cầu được an tựa trong những “ngôi nhà” khang trang của cõi vĩnh hằng. Mối quan hệ tâm linh giữa người đang sống và người đã khuất tồn tại bất biến từ bao đời nay và trở thành sợi dây vô hình gắn kết qua từng thế hệ. Đáp lại sự mong muốn tình cảm đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã thể hiện sự chăm lo nơi yên nghỉ của người đã khuất, được dư luận ngợi khen.
Nhà người sống và mộ người chết kề bên. |
Đã từ rất lâu, nhiều gia đình có người qua đời mà người thân của họ chỉ muốn được chôn cất gần nhà, hoặc khu đất xung quanh vườn tược với hy vọng được gần gũi bên những người ruột thịt như khi còn sống. Tâm niệm đó lý giải tại sao nằm xen giữa những ngôi nhà tuềnh toàng ở quê và ngay cả những căn nhà sang trọng ở thành phố là vô số mồ mả tồn tại qua nhiều đời. Những ngôi mộ đó có thể là mộ của cha ông, người thân và có khi là mộ vô danh do quá khứ chiến tranh để lại.
Dù những ngôi mộ như thế này có từ nhiều đời, qua nhiều thế hệ, song hằng tháng vào các ngày rằm, mồng một, khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, người ta cũng không quên thắp vài nén nhang trên những ngôi mộ quanh nhà, kể cả mộ vô danh, để tỏ lòng tưởng nhớ tới họ và mong nhận được sự sẻ chia cho an lòng. Sống bên những ngôi mộ ấy, người già, trẻ, lớn, bé, ít ai sợ hãi vì đã quá quen. Ông Nguyễn Văn Thành, một bô lão sống tại tổ 7, Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, kể rằng: “Hồi trước đất công tư còn rộng, nhà cửa thưa thớt, những gia đình có người thân qua đời đều không muốn đem chôn ở xa do muốn để gần nhà cho tiện việc khói hương, chăm sóc.
Càng về sau, mồ mả mỗi lúc một dày, cho đến khi dân cư tăng, con cháu đông đàn, nhu cầu cắt đất dựng nhà trở nên bức thiết, dẫn đến việc nhiều nhà cửa nằm sát mộ. Trong khuôn viên chật hẹp như thế mà hằng ngày người ta vẫn ăn, ở và hít thở không khí một cách bình thường, thậm chí có những đứa trẻ còn gối đầu ngủ trưa bên những cái mả tròn mà lớn dần theo năm tháng”.
Khu vực Xuân Thiều có hàng ngàn ngôi mộ đã được di dời. |
Còn nhớ trước đây, trong mắt nhiều người dân là hình ảnh những khu nhà lúp xúp nằm lọt thỏm trong các nghĩa địa dân sinh như khu vực đường Thái Thị Bôi – Siêu thị Đà Nẵng ngày nay, đường Nguyễn Tri Phương, tuyến ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc, các KCN Hòa Khánh, Nam Ô, Liên Chiểu, Hòa Cầm… Hiện nay, ở những khu vực đông dân cư như Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), Hòa Quý, Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Xuân (Cẩm Lệ)… có rất nhiều ngôi mộ. Đi dọc theo các khu nhà nằm cạnh sườn đồi vách núi như Hòa Phước, Đa Phước, Hòa Quý, khoảng cách 2m, 5m, 10m lại có vài cái mộ sát với nhà dân.
Theo số liệu thống kê, những phường có số mộ nhiều như Hòa Xuân có 16.770 mộ nhưng mới di dời được trên 10.000 mộ, Hòa An có trên 1.000 mộ, Hòa Hải có trên 2.000 mộ mới di dời 500 mộ… Tính chung toàn quận Ngũ Hành Sơn, số mộ nằm trong kế hoạch phải di dời nhường đất cho các dự án lên đến hàng ngàn mộ nằm rải rác trong các khu dân cư.Tuy nhiên, do chưa bố trí được đất để di dời những phần mộ còn lại nên nhiều năm qua, cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều lúng túng.
Trước tính bức thiết của quá trình phát triển đô thị từ sau ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, từ năm 1997, lãnh đạo thành phố đã thực hiện việc chỉnh trang, thay đổi diện mạo đô thị. Trong cả ngàn công việc phải làm, thì vấn đề quy hoạch các khu nghĩa trang được thành phố đặc biệt quan tâm, trong đó có việc phục vụ di dời mồ mả trong các khu dân cư về nơi tập trung. Bởi trong thành phố, chỗ nào cũng có nghĩa địa, mồ mả, nhất là chôn cất người qua đời ở vùng nông thôn thời gian qua còn khá tùy tiện, dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan và những hệ lụy khác. Tuy nhiên nói đến vấn đề di dời mồ mả đến vùng quy hoạch lại rất khó bởi đụng chạm đến truyền thống, đến phong tục tập quán từng nơi... Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân đồng ý với chủ trương di dời mồ mả đến một nơi mới vừa bảo đảm tính khoa học vừa không ảnh hưởng đến tín ngưỡng?
Những cán bộ làm dân vận của thành phố nhớ lại những ngày đầu tổ chức công tác tuyên truyền vận động những gia đình có thân nhân chôn tại các khu vực giải tỏa phục vụ các dự án chỉnh trang đô thị mà không khỏi nản lòng, nhất là thời điểm năm 2001, đi tới đâu cũng nghe dân bàn tán chuyện phải di dời mồ mả lên núi, trong lúc đó không ít người đã hiểu sai và phản đối về chủ trương lớn này. Không phủ nhận, bàn đến mảng đời sống tâm linh khó ai lường hết sự phức tạp, nếu thành phố không có cái nhìn xa và những quyết sách phù hợp với lòng dân sẽ không có thành công từ việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang thành phố tại một nơi phong thủy hữu tình như xã Hòa Sơn.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Duyên Anh