.
Nẻo về người khuất bóng

Bài 2: “Công viên vĩnh hằng” cho người đã khuất

.
Để người dân yên tâm và thỏa mãn với việc di dời mồ mả mang đậm nét tâm linh này, tháng 4-2001, nghĩa trang Hòa Sơn được xây dựng nhằm phục vụ cho việc di dời mồ mả từ các khu vực dân cư nội và ngoại thành thành phố. Với tổng diện tích quy hoạch ban đầu 133,62ha, trong đó đất chôn cất chiếm 60%, phần còn lại dành cho hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cây xanh cách ly, kênh mương... Đến nay, đất dành cho quy hoạch nghĩa trang lên tới 202,32ha.

Mô tả ảnh.
Khu nghĩa trang rộng hơn 4ha dành cho người qua đời thuộc giáo xứ Cồn Dầu.
Dẫn chúng tôi đi thăm nghĩa trang Hòa Sơn, ông Phùng Quýt, Phó trưởng BQL các nghĩa trang thành phố nói trong tự hào: “Mọi người nhìn xem, ít có nơi nào như Đà Nẵng, chính quyền cấp đất cho người dân khi có người thân qua đời an táng tại đây mà không thu bất kỳ khoản lệ phí nào, kể cả những người ở nơi khác đến chết không có người nhận hoặc đó là người nước ngoài. Vào đây không hề có khái niệm người giàu hay nghèo, bởi vì mồ mả nơi đây đều phải xây dựng theo quy cách chung”.
 
Chỉ riêng điều đó thôi đã thấy nghĩa trang Hòa Sơn khác biệt với hàng loạt các nghĩa trang, nghĩa địa khác ở một số địa phương trong cả nước. Giới thiệu về từng phân khu, ông Quýt nói thêm: “Từ chỗ tập tục mộ táng mỗi nơi một kiểu, mỗi chỗ một cái, thì việc quy tập mồ mả giải tỏa dành đất cho các dự án về đây đều quy hoạch theo các chi phái các dòng họ, cũng là cách giáo dục cho con cháu biết về gia phả dòng tộc của mình. Có những dòng họ con cháu đông đàn, đi làm ăn xa, lâu lâu mới có dịp trở về thì khu vực nghĩa trang gia tộc chính là nơi để thế hệ sau biết đến tổ tiên, tiền hiền”. Nhìn các khu đất dành cho từng tộc họ được xây dựng vững chắc, trang trí đẹp mắt và khoa học mới thấy hết sự nỗ lực của các cấp, các ngành thành phố để dành cho người đã khuất nơi yên nghỉ thật trang trọng. Tại đây đã có nhiều khu an táng dành cho các tộc họ như họ Nguyễn (Xuân Thiều), Mai Đăng, Phan tộc (Hòa Hải), Phạm Sĩ… với  số lượng vài ngàn mộ chí.

Mô tả ảnh.
Một góc nghĩa trang Hòa Sơn phong thủy hữu tình.
Nghĩa trang Hòa Sơn như một thung lũng được bao bọc bởi núi đồi xanh thẳm xung quanh, trong đó có cả  những đoạn sông vắt ngang qua từng phân khu, trông thật hữu tình. Nghĩa trang Hòa Sơn được phân thành nhiều phân khu, trong 3 giai đoạn đầu đã hình thành các Khu A1 đến A19, B1 đến B18, C1 đến C22, gồm có đường 6m, 8m, 12m và những đường nội bộ dẫn vào nghĩa trang y hệt như khu dân cư của người sống.

Theo Phòng Kế hoạch (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng), từ năm 2001 đến nay, thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nghĩa trang (như san ủi mặt bằng, làm đường sá, kênh mương thoát nước…). Kinh phí cho từng giai đoạn qua mỗi năm một lớn, đáp ứng tối đa cho việc tiếp nhận mộ hung táng (mộ mới) và mộ cải táng. Ban Quản lý các nghĩa trang thành phố cho biết, giải quyết được vấn đề cho người đã khuất cũng không kém phần khó khăn khi áp lực quỹ đất trong tương lai cần phải tính toán lại. Nghĩa trang Hòa Sơn lúc xây dựng xong (4-2001) mới chỉ tiếp nhận gần 7.000 ngôi mộ thì đến cuối tháng 9-2010 đã có 67.895 mộ (trong đó có 2.849 mộ mới và 65.045 mộ cải táng).

Nghĩa trang Hòa Sơn được hình thành bởi 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, 2 (1997-2001) có 133,62ha đất dành cho việc di dời mồ mả phải giải tỏa nằm trong các dự án xây dựng đô thị của thành phố.
- Giai đoạn 3 (2008-2009) có 22,5ha phục vụ cho công tác giải tỏa Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đã bố trí ổn định cho cư dân giáo xứ Cồn Dầu và phường Hòa Xuân.
- Giai đoạn 4 có 9,26ha đang trong giai đoạn thi công để giải quyết di dời mộ thuộc các dự án nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.
- Giai đoạn 5 (vừa mới công bố quy hoạch) có diện tích 36,92ha dành cho khu mộ theo yêu cầu của người dân.
(Nguồn : BQL các nghĩa trang thành phố)
Với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với người có công với nước, thành phố có hướng đầu tư hơn 500 ngôi mộ (huyệt kim tĩnh) tại nghĩa trang Hòa Sơn để dành an táng các bậc lão thành cách mạng. Ngoài ra, việc xây dựng Công viên nghĩa trang đang được thành phố tính đến nhằm tạo ra sự hài hòa, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người dân. Không chỉ vậy, với nhiều dự án đặc biệt có lợi cho người dân như Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, thành phố đã dành một khu nghĩa trang rộng hơn 4ha để di dời mồ mả của người dân giáo xứ Cồn Dầu.
 
Và với sự vận động thấu tình đạt lý  của các ban, ngành thành phố, các tộc họ Nguyễn, Dương, Hồ, Trần ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) đã nhận đất để di dời hơn 1.400 ngôi mộ lên. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này cũng là lúc UBND thành phố vừa ký văn bản đồng ý với đề xuất của giáo xứ Cồn Dầu là làm trước khoảng 600 huyệt kim tĩnh tại nghĩa trang Hòa Sơn trước thời điểm tháng 1-2011 tới.
Tất cả những việc làm trên đây của thành phố đều với mong muốn đem lại lợi ích cho người dân, cho xã hội.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Duyên Anh
;
.
.
.
.
.