.
Nẻo về người khuất bóng -

Bài 3: Đường về An Phước Viên

.

Trên thực tế, dù đất đai của thành phố còn khá rộng, nhưng hiện tại Đà Nẵng mới chỉ có hai nghĩa trang là Sơn Gà và Hòa Sơn (đều thuộc huyện Hòa Vang). Nghĩa trang Sơn Gà (còn gọi là Gò Cà) hình thành lâu đời với diện tích 19,5ha đã trở nên quá tải. Theo dự báo, chỉ khoảng thời gian ngắn nữa, nghĩa trang Sơn Gà sẽ không còn chỗ vì chỉ còn khoảng chừng 300m2 đất (tương đương 60 mộ). Với diện tích như vậy trong chừng mực nào đó, những trường hợp được giải quyết chôn ở đây là do có thân nhân gia tộc từ nhiều đời, còn việc nghĩa trang Sơn Gà sẽ đóng cửa sẽ là chuyện thành phố phải tính tới trong nay mai.

Mô tả ảnh.
An Phước Viên – nẻo về an lành của những người quá cố.

Bài toán “tái định cư” cho người chết cần những tính toán cụ thể, khoa học, mang tính đồng bộ với quy hoạch tổng thể và song hành với sự phát triển của thành phố. Trong tương lai, thành phố có hướng đầu tư các nghĩa trang xây dựng theo dạng Công viên nghĩa trang, có cảnh quan đẹp, yên bình để người qua đời yên nghỉ. Và một công việc không kém phần quan trọng mà lãnh đạo thành phố tính đến là định hướng nhận thức để người dân thay đổi dần tập tục địa táng bằng hỏa táng, góp phần xây dựng nếp sinh hoạt văn minh trong tương lai.

Sau một thời gian, công trình Trung tâm hỏa táng An Phước Viên do Công ty Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư được xây dựng với các hạng mục: 2 nhà hỏa táng, 2 nhà hành lễ, trạm cấp gas, nhà giao cốt, nhà lưu cốt... được đầu tư công nghệ hỏa táng hiện đại, khoa học nhất miền Trung với kinh phí gần 25 tỷ đồng đã hoàn thành. Tại đây, các hạng mục được xây dựng thật công phu, chi tiết và trang trọng. Xung quanh An Phước Viên có nhiều cây xanh và các công trình phụ trợ để tiện việc nhang khói cho người chịu tang hoặc phúng viếng vào các dịp lễ, Tết. An Phước Viên lo việc tổ chức lễ an táng người quá cố với hình thức rất trang nghiêm, không chỉ bảo đảm mỹ quan, tập tục truyền thống mà còn mang nét văn hóa của người miền Trung, trong đó có phòng tổ chức lễ tang cho những người Phật giáo và Công giáo.

Chính sách hỗ trợ của thành phố đối với người hỏa táng
- Hỗ trợ miễn giảm 100% chi phí hỏa táng đối với các đối tượng chính sách: Đảng viên có 40 năm tuổi Đảng trở lên; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ; người có công cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng; cán bộ hưu trí có thời gian tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và các đối tượng chính sách khác theo đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố;
- Hỗ trợ 100% chi phí hỏa táng trong 4 (bốn) năm đầu cho tối đa 300 ca/năm (theo thứ tự) là công dân thành phố Đà Nẵng có hộ khẩu thường trú (không kể các đối tượng chính sách). Từ năm thứ 5 (năm) trở đi thì người dân phải tự thanh toán.
- Hỗ trợ 100% chi phí hỏa táng đối với các hộ thuộc diện xóa đói, giảm nghèo được UBND xã, phường xác nhận và có ý kiến của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận, huyện.
(Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng)

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Chi nhánh Công ty Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng, cho biết: Từ khi đưa vào hoạt động đến thời điểm này, An Phước Viên đã thực hiện 115 ca cải táng (mộ chôn nằm trong dự án Trung tâm hỏa táng An Phước Viên), 66 ca hỏa táng (của người dân thành phố đưa tới). Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, giải tỏa cho những băn khoăn, lo ngại ban đầu về công trình bạc tỷ liệu có thu được mục đích như mong muốn. Song, so với các lò hỏa táng trong cả nước, số ca đưa vào hỏa táng tại đây vẫn còn ít, nhà hỏa táng chưa vận hành hết công suất, vì người dân vẫn còn e ngại với hình thức mới mẻ này. Theo ông Sơn, việc hướng đến an táng theo hình thức hỏa táng sẽ giảm được chi phí cho nhân dân, giảm diện tích cho nghĩa trang trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn hỏa táng, điều này còn liên quan đến truyền thống, tập quán nữa cho nên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhận thức, phân tích cái lợi cái được cho người dân.

Ông Phùng Quýt, Phó Trưởng BQL các nghĩa trang thành phố, cho rằng: “Đã đến lúc cần thay đổi tập tục mai táng và những tập tục không cần thiết, vì như thế chỉ làm tốn kém thời gian và tiền bạc của mọi người. Nhiều trường hợp gia đình có người mất phải cất công ra Bắc vào Nam mời cho được các thầy về Đà Nẵng để chọn địa điểm cất đất, xây mộ rồi rầm rộ từ khâu cúng bái, trừ tà rồi rải giấy, rải tiền, khuếch trương vòng hoa, xe cộ, cờ phướn… tạo nên sự lãng phí tiền của. Tư duy trả ơn trả nghĩa cho người đã khuất khiến đám tang thêm xa hoa. Làm công tác nghĩa trang nhiều năm rồi, tôi thấy người dân nên chuyển từ địa táng sang hình thức hỏa táng là hay nhất”.

Hỏa táng là một hình thức rất văn minh, lại không gây tốn kém diện tích đất, bảo đảm vệ sinh môi trường. Dù còn e ngại bởi quan niệm cũ, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, có khá nhiều người dân sinh sống tại Đà Nẵng, kể cả người già và người trẻ, cũng nhận thấy hình thức hỏa táng là nên làm. Theo Trung tâm hỏa táng An Phước Viên, những tháng gần đây, cứ trung bình một tuần lại có 1 gia đình đến làm thủ tục hỏa táng, điều này chứng tỏ người dân đã có cái nhìn khác về hình thức điện táng. UBND thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng hỏa táng và cho Trung tâm hỏa táng An Phước Viên từ năm 2010.

Bài và ảnh:  Duyên Anh

;
.
.
.
.
.