.
Người phát ngôn: Anh ở đâu?

Bài 2: Nhận thức quy chế phát ngôn chưa đầy đủ

.
Từ thiếu kỹ năng...

Hiện nay, tại một số đơn vị, người phát ngôn chưa thật sự chủ động trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do chưa được trang bị đầy đủ thông tin về quy chế, tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn cũng như kỹ năng cần thiết. Nếu những hạn chế này không được khắc phục sẽ dễ dẫn đến tình trạng né tránh tiếp xúc với báo chí, làm cho thông tin bị bóp méo, sai sự thật...
 
Mô tả ảnh.
Mọi người đều có quyền thông tin nhưng không nhân danh, không đại diện cho cơ quan nếu không được ủy quyền phát ngôn.
 
Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, “người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải bảo đảm các tiêu chuẩn: Là cán bộ, công chức thuộc biên chế chính thức và đang công tác tại cơ quan hành chính Nhà nước; có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có thái độ trung thực, khách quan; am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và lĩnh vực quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước mà mình đang công tác; có hiểu biết nhất định về lĩnh vực báo chí, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí và có khả năng giao tiếp với báo chí”.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thực tế ở Đà Nẵng hiện nay, những người phát ngôn vẫn chưa đáp ứng đủ những yêu cầu trên. Người phát ngôn vẫn còn thiếu kỹ năng, kiến thức về báo chí, và chưa được đào tạo đúng mức, đặc biệt là quan hệ báo chí, Luật Báo chí... Sở cũng đang kiến nghị cấp trên để tập huấn cho đội ngũ này và đang chờ hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi cũng gặp không ít trường hợp cán bộ phụ trách mảng thông tin báo chí có thái độ mất lịch sự với phóng viên. Phóng viên T.H cho biết, không ít lần chúng tôi đến làm việc với cơ sở, cán bộ phụ trách mảng thông tin báo chí đã gọi điện cho lãnh đạo để xin ý kiến cung cấp thông tin với những ngôn từ thiếu văn hóa. Thậm chí, có những phóng viên được lãnh đạo của đơn vị mời đến đưa tin về cuộc họp, hội nghị, hội thảo... nhưng đơn vị lại không chuẩn bị tài liệu cung cấp thông tin cho báo chí và cũng không nhận được sự đón tiếp lịch thiệp. Khi phóng viên yêu cầu cung cấp tài liệu thì trả lời rằng: “Vào trong hội trường mà lấy”.

Đến nhận thức sai quy chế

Ông Nguyễn Đăng Trường cho biết thêm, một số đơn vị nhận thức quy chế phát ngôn chưa đầy đủ, việc triển khai còn lúng túng, thiếu chủ động tiếp xúc với báo chí làm bạn đọc thiếu thông tin chính thống, đầy đủ về sự kiện diễn ra trên địa bàn. Điều này cho thấy quyền lợi thông tin chưa được bảo đảm; chế độ thông tin tổng hợp, báo cáo chưa thành nền nếp, công tác phối hợp ở các cơ quan chưa thật đồng bộ.

Quy chế nêu rõ, “Các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, không trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí”. Với quy định này, nhiều người nhận thức sai rằng, chỉ có người được giao nhiệm vụ phát ngôn thì mới có quyền phát ngôn. Chính vì vậy, khi phóng viên muốn tìm hiểu thông tin về các vấn đề liên quan đến chuyên môn thì các chuyên viên đều từ chối trả lời và quy hết trách nhiệm cho người phát ngôn. Điều này đã gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của phóng viên.

Theo ông Trường, mọi người đều có quyền thông tin nhưng không nhân danh, không đại diện cho cơ quan nếu không được ủy quyền phát ngôn. Do đó, các nhân viên, chuyên viên, cán bộ, công nhân, viên chức... đều có quyền trả lời cho phóng viên về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn với nhân danh cá nhân nhưng không được nhân danh, đại diện cho cơ quan. Ngược lại, cũng có không ít trường hợp phóng viên chưa nắm rõ quy định này nên đã nêu chức danh của các chuyên viên, cán bộ, công nhân viên không được ủy quyền phát ngôn trong bài viết của mình và làm ảnh hưởng đến người cung cấp thông tin.
 
Cũng chính điều này đã làm cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan hành chính Nhà nước ngại trả lời câu hỏi của phóng viên vì sợ liên lụy đến cá nhân và cơ quan. Từ việc hiểu sai câu chữ trong quy chế đã biến một cơ chế mở trong việc cung cấp thông tin báo chí trở thành một cơ chế khép. Việc phát ngôn không mới nhưng quy chế phát ngôn rất mới, nên khi thực hiện quy chế đã gây ra tình trạng: Người không có quyền phát ngôn thì không phát ngôn, trong khi đó, mọi liên quan đến việc cung cấp thông tin báo chí đều ủy thác hết cho người phát ngôn. Vì vậy, cần hiểu đúng quy chế để việc cung cấp thông tin cho báo chí mới được thông thoáng hơn.

Bài và ảnh: GIA HUY
;
.
.
.
.
.