.
Nhà ở công nhân: Khi nào?

Bài 1: Chen chúc nơi phòng trọ

.

Nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động ngày càng tăng và việc xây nhà ở cho các đối tượng này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng không hiểu vì lý do gì mà nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa mặn mà… để rồi hàng nghìn công nhân, lao động vẫn phải tạm trú ở những khu nhà trọ “ổ chuột” như hiện nay.

Mô tả ảnh.
Nhiều khu nhà trọ cho công nhân chẳng khác gì khu “ổ chuột”.

Phòng trọ hay “ổ chuột”?

Hiện có hơn 50 nghìn công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, do vậy, chỗ ở luôn là nỗi lo hàng đầu của những người lao động xa quê. Trong vai người đi tìm phòng trọ, chúng tôi đến tổ 11, phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu). Len lỏi đi vào cả chục dãy phòng trọ hỏi thuê phòng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Hết phòng”. Có lẽ động lòng vì thấy chúng tôi vào hết nhà này đến nhà khác mà chưa thuê được phòng, Nguyễn Đức Phương (Quảng Nam) - một công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh ở trọ tại khu vực này - mách lối: “Ở khu này không còn phòng trọ đâu. Nếu mấy anh không ngại, vô đây ở chung với em.

Em ở trọ có một mình, giá tiền phòng là 350 nghìn đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước). Nếu hai anh ở chung thì hằng tháng chia đều tiền phòng”. Vào dãy phòng trọ mà Phương thuê, chúng tôi thấy các phòng ở đây có diện tích rất hẹp. Căn phòng Phương đang ở rộng chưa đầy 8m2, trần nhà thì thấp và không có lỗ thông gió, nên căn phòng rất ngột ngạt và lúc nào cũng tối đen, bởi hầu hết khu nhà trọ 3 mặt đều bị bít kín và lối đi vào khu nhà trọ này chỉ rộng chưa đầy 1 mét. Ngồi chuyện trò, Phương nói: “Nếu mấy anh có thu nhập cao nên tìm khu khác thuê, chứ ở đây khó chịu lắm.

Sống ở đây vào mùa này còn đỡ, chứ vào mùa hè thì chẳng khác gì “lò bát quái”. Chị Lê Thị Mỹ là công nhân ở cùng dãy trọ với Phương, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe đạp dựng trước cửa phòng nói với sang: “Phòng ở chật chội thì cũng chấp nhận được, nhưng nhà vệ sinh thì ghê quá, lúc nào cũng bốc mùi”. Chị Mỹ cho biết, khu nhà trọ này không có nhà vệ sinh riêng cho mỗi phòng, mà chỉ có một nhà vệ sinh chung cho cả dãy trọ hơn 10 phòng. Do sử dụng chung và ít có ai chịu dọn rửa nên khu nhà vệ sinh này thường xuyên bị... mất vệ sinh. Cũng vì nhớp quá nên ở đây muỗi nhiều lắm. Vừa rồi đứa bạn ở cùng phòng phải nhập viện gần 10 ngày vì bị sốt xuất huyết.

Theo một cán bộ thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng, điều kiện tối thiểu đối với một phòng ở cho thuê phải có diện tích 9m2, diện tích sử dụng cho mỗi người thuê không nhỏ hơn 3m2, phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ bảo đảm thông gió và ánh sáng tự nhiên. Ngoài ra, còn phải bảo đảm cho mỗi người thuê ở có giường để ngủ. Điều kiện cần và đủ đối với một phòng trọ cho thuê là như vậy, tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi tại các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu), có rất nhiều khu nhà trọ diện tích chưa tới 6m2/phòng và hầu hết đều không có giường, người thuê chủ yếu nằm dưới nền nhà. Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hàng nghìn dãy nhà trọ được xây dựng trên địa bàn quận Liên Chiểu, có không ít dãy nhà xây dựng trên đất nông nghiệp, đất thuộc diện quy hoạch giải tỏa. Đối với các loại đất này, chủ hộ không được cấp phép xây dựng, do đó các phòng trọ này không được đầu tư đúng tiêu chuẩn theo quy định.

Giật mình với tiền nước, tiền điện

Chị Lê Thị Hà, quê ở Huế, mới vào làm công nhân cho một công ty dệt tại KCN Hòa Khánh than thở: “Tụi em mới vào công ty làm nên mức lương còn thấp, nếu tích cực làm tăng ca thì một tháng cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó đến cuối tháng phải đóng đủ thứ tiền, nào tiền nhà, tiền điện, tiền nước, vệ sinh… chiếm gần 30% lương rồi. Điều đáng nói là giá điện, giá nước bị chủ nhà tính theo kiểu trời ơi. Nhiều tháng thấy chủ nhà gửi thông báo tiền nước, tiền điện mà tụi em lo sốt vó”. Nhìn căn phòng trọ mà chị Hà thuê rộng chưa đầy 6m2, hơn nữa lại nằm sâu tít trong một con hẻm nhỏ ở tổ 40 Đa Phước 2, phường Hòa Khánh Bắc, chúng tôi hỏi: “Tại sao chị không thuê căn phòng rộng thêm một chút và có nhà vệ sinh khép kín cho tiện sinh hoạt?”, chị Hà nói: “Lương ba cọc ba đồng, nếu thuê phòng “xịn” lấy tiền đâu bù đắp”.

Nhà trọ cho công nhân thuê ở trên địa bàn quận Liên Chiểu thường tập trung ở những con đường nhỏ dẫn vào KCN Hòa Khánh, bởi gần chỗ làm việc, rất thuận tiện, nhưng cũng vì thế giá phòng rất cao. Nhiều dãy nhà trọ nhìn bên ngoài nước ve tường còn mới, nhưng vào bên trong căn phòng chỉ rộng chưa đầy 6 mét, ẩm thấp và chẳng khác gì “ổ chuột”. Căn  phòng trọ mà các chị Hương, Hải, Hồng thuê ở gần KCN Hòa Khánh chưa tới 8m2 nhưng cả ba chị phải ở chung để giảm chi phí tiền nhà. Chị Hải kể: “Những ngày đầu vào Đà Nẵng kiếm việc, việc đi tìm nhà trọ còn mệt gấp nhiều lần so với đi xin việc, bởi đi đâu cũng gặp người tìm nhà trọ”.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Là địa bàn tập trung nhiều KCN, trường đại học nên cứ vào đầu năm học mới thì vấn đề nhà trọ cho công nhân, sinh viên luôn căng thẳng. Chỉ tính riêng lượng công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh đã lên tới hơn 30 nghìn người. Việc người dân xây nhà để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho công nhân và sinh viên là điều cần thiết, tuy nhiên số lượng nhà trọ mọc lên ngày càng nhiều cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Ngoài việc các chủ nhà trọ không thu đúng giá điện, nước theo quy định, còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác như tệ nạn cờ bạc, uống rượu say đánh nhau gây mất trật tự... Vừa qua, UBND quận đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền pháp luật cho công nhân, lao động ở trọ trên địa bàn; đồng thời yêu cầu rà soát toàn bộ các hộ dân có nhà cho thuê để quản lý cũng như thu thuế thuê nhà đối với dịch vụ này.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.