.

Nhà ở công nhân: Khi nào? - Bài 2: Công nhân vẫn phải chờ...

.
Chính phủ hiện có các chính sách ưu đãi đối với các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho công nhân như miễn tiền thuế sử dụng đất, được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi... Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, nhiều nhà đầu tư lại không mặn mà trong lĩnh vực này.
 
Mô tả ảnh.
Sau 8 tháng khởi công, giai đoạn 1 của dự án nhà chung cư cho công nhân do Công ty Hưng Phú làm chủ đầu tư vẫn chưa xong phần thô.
 
Ì ạch một dự án

Việc xây nhà ở cho công nhân được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Chính phủ, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện của các Bộ, ngành, của UBND thành phố, nhưng tình hình xây nhà ở cho công nhân trên địa bàn Đà Nẵng vẫn tiến triển khá chậm. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất (BQL các KCN&KCX) Đà Nẵng, do quỹ đất phát triển KCN hạn hẹp nên chung cư cho công nhân chỉ có thể xây dựng ở các vùng ven KCN & KCX, và phải có sự kết hợp của các doanh nghiệp (DN) để cùng xây dựng. Đến nay, thành phố đã có quy hoạch xây dựng các khu chung cư cho công nhân ở các KCN. Thế nhưng hiện có rất ít nhà đầu tư “nhảy” vào lĩnh vực này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước năm 2008, UBND thành phố giao cho Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng các KCN Đà Nẵng làm chủ đầu tư xây dựng khu chung cư cho công nhân tại KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh, thế nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được triển khai. Về vấn đề này, ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng các KCN Đà Nẵng giải thích: Sau khi được UBND thành phố giao cho công ty làm chủ đầu tư xây dựng dự án khu chung cư cho công nhân tại KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh với quy mô 6 héc-ta, mặc dù đơn vị đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, song vì thiếu kinh phí nên dự án chưa được triển khai. Để xã hội hóa trong công tác xây nhà ở cho công nhân, năm 2008, thành phố đã có chủ trương thu hồi dự án này để bàn giao cho đơn vị khác thực hiện.

Tiếp đó vào năm 2009, UBND thành phố đã phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân KCN Hòa Khánh, với tổng diện tích gần 58.000m2 tại khu đô thị KCN Hòa Khánh, do Công ty Hưng Phú làm chủ đầu tư xây dựng. Vào tháng 3-2010, khi chủ đầu tư dự án này làm lễ khởi công đã mang lại một tin vui đối với hàng nghìn công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh, Thanh Vinh, bởi tại lễ khởi công, chủ đầu tư đã công bố dự án được triển khai xây dựng thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 3 khu chung cư cao tầng với 183 căn hộ, giai đoạn 2 sẽ xây dựng 5.000 chỗ ở cho công nhân. Những căn hộ này có diện tích từ 38m2 đến 84m2 với đầy đủ công trình vệ sinh, phòng bếp, phòng khách, phòng ngủ... Ngoài ra, khu chung cư này sẽ có hệ thống dịch vụ khép kín đầy đủ tiện nghi đáp ứng cuộc sống cho công nhân như hệ thống nhà trẻ, siêu thị mini, nhà giữ xe, khu vui chơi giải trí... Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty Hưng Phú cũng khẳng định: Giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 8-2010, sau đó sẽ hoàn tất giai đoạn 2 vào năm 2011. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, đã 8 tháng trôi qua, giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa hoàn thành phần thô.

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Hiện nhiều địa phương trên cả nước, việc quy hoạch phát triển các KCN thường chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển; chưa chú trọng gắn việc xây dựng quy hoạch chi tiết từng KCN với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong KCN, đặc biệt là đối với người lao động nhập cư. Mặc dù ở Đà Nẵng, song song việc xây dựng và phát triển KCN là các dự án phát triển nhà nhằm tạo điều kiện cho công nhân yên tâm làm việc, gắn bó với DN lâu dài, thế nhưng, việc đầu tư xây nhà cho công nhân dường như rất ít DN quan tâm.

Tình trạng hàng chục nghìn công nhân nhập cư làm việc trong các KCN  phải thuê nhà ở đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp không chỉ cho bản thân họ, mà cả các địa phương nơi có KCN. Theo một cán bộ thuộc BQL các KCN & KCX Đà Nẵng, hiện các KCN trên địa bàn thành phố thu hút được hơn 50 nghìn công nhân, trong đó số lao động nhập cư chiếm khoảng 60%. Ở hầu hết các KCN, người lao động nhập cư có điều kiện sống rất khó khăn. Ông Trịnh Quốc Tín, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm cho rằng: Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân đòi hỏi DN phải có vốn đầu tư lớn, trong khi đó hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này không cao, thu hồi vốn chậm nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
 
Cũng theo ông Tín, hiện KCN Hòa Cầm có 36 DN đang hoạt động, thu hút hơn 9.000 công nhân, lao động. Vấn đề nhà ở cho công nhân cũng đang là nỗi lo của các DN sử dụng lao động và chủ đầu tư KCN Hòa Cầm. “Sau khi tiếp nhận KCN Hòa Cầm, chúng tôi đã có ý tưởng và kế hoạch xây nhà ở cho công nhân. Và chúng tôi đã chọn địa điểm xây dựng nhà ở cho công nhân với tổng diện tích 8 ha gần KCN Hòa Cầm. Hiện đơn vị đang chờ thành phố giao đất để tiến hành triển khai dự án này. Và để dự án thực hiện có hiệu quả, chúng tôi đã khảo sát nhu cầu nhà ở của công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Cầm, theo đó có khoảng 3.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở trong năm 2011. Vì vậy, khi thành phố giao đất, chúng tôi sẽ phân kỳ đầu tư theo nhu cầu về nhà ở của công nhân, đồng thời kêu gọi các DN trong KCN cùng góp vốn đầu tư dự án này”, ông Tín nói.

Các DN đều nhận thức rõ về thực trạng nhà ở cho công nhân các KCN cũng như tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đến hiệu quả phát triển sản xuất theo hướng bền vững của DN và nếu họ thực sự quan tâm như Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm, chắc chắn sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho công nhân trong những năm tới.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.