.
Những hệ lụy từ rượu, bia

Bài 1: Tràn lan lò nấu rượu không phép

.

Không có giấy phép hoạt động, không giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)... nhưng hiện nay, các loại rượu nấu thủ công vẫn được tiêu thụ trên thị trường với số lượng khá lớn. Vì thế, nguy cơ ngộ độc các loại rượu này luôn tiềm ẩn rất cao đối với người tiêu dùng. 

Rượu: Ai nấu cũng được!

Mô tả ảnh.
Hầu hết các lò nấu rượu gạo thủ công chưa được cấp phép hoạt động. Trong ảnh: Công đoạn trộn men vào cơm để chuẩn bị ủ, rồi chưng cất thành rượu.

Ngày 23-10, chúng tôi có mặt tại nhà bà D. Th. A ở tổ 7, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu để tìm hiểu quy trình chế biến rượu gạo của gia đình bà. Bà A. cho biết, gia đình bà làm nghề nấu rượu gạo từ năm 1996 đến nay, bán cho các quán nhậu. Bình quân mỗi ngày, lượng rượu bán được dao động từ 20-60 lít, với mức giá hiện nay là 10.000 đồng/lít loại bình thường. “Không biết làm gì thì nấu rượu bỏ mối kiếm tiền và nuôi heo, chứ đâu có giấy phép gì đâu. Vả lại, từ ngày gia đình tôi nấu rượu đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan nào đến kiểm tra”, bà A. nói.

Theo bà A: Nấu rượu ngon hay dở, nồng độ cao hay thấp còn tùy vào kỹ thuật của từng lò nấu, bởi nó không theo một công thức nhất định và đó cũng là bí quyết riêng của từng nhà nấu rượu. Chẳng hạn như quy trình nấu rượu của gia đình bà thì sau khi nấu cơm xong đem trộn men rồi để 2-3 ngày. Tiếp đó ủ khoảng một tuần, rồi mới tiến hành chưng cất rượu. “Đây là quy trình nấu rượu truyền thống, chất lượng rượu tốt. Chứ có những nơi, vì hám lợi, người ta dùng cồn công nghiệp và men Trung Quốc trộn với gạo sống để làm rượu, chứ không qua chưng cất. Giá thành mỗi lít rượu pha chế kiểu này chỉ có khoảng 5.000-6.000 đồng. Với loại rượu này, chỉ có dân trong nghề mới dễ nhận ra mà thôi. Những ai không biết, uống vào sẽ hại sức khỏe”, bà A. khẳng định như vậy.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà bà B. ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, người chuyên nấu rượu bỏ sỉ cho các hàng quán, với số lượng mỗi ngày lên đến gần 100 lít. Cũng như bà A., gia đình bà B. hành nghề nấu rượu đã khá lâu, song cũng chưa hề được cơ quan chức năng nào cấp phép hoạt động. Dắt chúng tôi xuống phía góc nhà bếp tối om, có mấy can rượu lớn nằm lẫn lộn với các vật dụng xoong, nồi…, bà B. chỉ vào từng can rồi nói giá: “Rượu loại 1, giá 25.000 đồng/lít, loại 2 giá 12.000 đồng/lít… Em yên tâm, rượu chị nấu chất lượng lắm, không pha chế các chất bậy bạ, bảo đảm uống không nhức đầu”, bà B. trấn an.
Ước tính trên địa bàn thành phố hiện có gần trăm lò nấu rượu thủ công đang hoạt động. Việc chưng cất rượu chỉ dựa trên kinh nghiệm truyền thống trong dân gian. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây do không được cấp phép, không có giấy chứng nhận VSATTP do cơ quan chức năng cấp, nên chất lượng rượu của các lò nấu rượu thủ công bán ra thị trường như thế nào thì chẳng ai biết được.

Rượu tự nấu: Nhiều độc tố

Theo Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7-4-2008 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, nêu rõ: Rượu thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế chỉ được đầu tư, sản xuất, kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) rượu khi có đủ điều kiện và có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế về rượu tự nấu cho thấy, hơn 90% rượu tự nấu không bảo đảm độ an toàn theo tiêu chuẩn quy định. Về tính độc hại, rượu tự nấu cao hơn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần so với rượu nhà máy. Hiện có trên 95% người dân Việt Nam có thói quen sử dụng rượu tự nấu. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng lo ngại đến sức khỏe của người dùng rượu.

Chị Hoa, bán quán nhậu bình dân ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu cho biết, trung bình mỗi ngày quán chị bán được gần 10 lít rượu gạo cho các “thượng đế”, đối tượng khách chủ yếu là sinh viên và công nhân trong khu công nghiệp. Còn theo chủ các quán nhậu bình dân trong khu vực cho biết thêm, hầu hết khách đến quán đều uống rượu gạo, chứ có ít người uống bia. Vì rượu gạo giá rẻ, hợp túi tiền những đối tượng là sinh viên, công nhân… nên số lượng rượu gạo tiêu thụ hằng ngày ở những quán này rất lớn. Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ quán nhậu ở đây kể thêm, cách đây vài hôm, có một phụ nữ mang can rượu gạo 5 lít đến quán anh giới thiệu để bỏ sỉ với giá rẻ 5.000 đồng/lít. Người phụ nữ này giới thiệu, đây là loại rượu nấu từ cồn công nghiệp và men Trung Quốc. “Nghe vậy, tôi sợ khách hàng có hề hần gì thì mang họa vào thân nên từ chối không dám mua”, anh Hùng nói.

Ông Phạm Trung, cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc, thành viên tổ VSATTP của phường cho biết: Hiện trên địa bàn phường có 3 lò nấu rượu thủ công. Tuy nhiên, không thể kiểm soát quy trình sản xuất và chất lượng rượu của họ được. Thi thoảng, tổ VSATTP của phường tổ chức kiểm tra ở các hàng quán, nhắc nhở tiểu thương không được bán các loại rượu kém chất lượng cho khách hàng mà thôi. Đặt vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm của các lò sản xuất rượu gạo, một cán bộ lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, cơ quan này không quản lý hoạt động của các lò nấu rượu thủ công. Trách nhiệm quản lý do chính quyền địa phương.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo, các loại rượu gạo nấu thủ công thường có hàm lượng tạp chất, độc tố rất cao. Vì thế, uống nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí xảy ra ngộ độc rượu có khả năng dẫn đến tử vong. Bác sĩ Nguyễn Đức Lư, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết thêm, đã có không ít trường hợp đến khoa điều trị do ngộ độc rượu, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nhiều ca tai nạn giao thông do uống rượu quá say đưa vào bệnh viện thường bị tổn thương não nghiêm trọng, diễn tiến bệnh rất nặng. Công việc điều trị đối với những bệnh nhân này rất khó khăn.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.