.

Nông dân trẻ ly nông: Vui ít, buồn nhiều

.

Những nông dân trẻ (NDT) đi làm ăn xa, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có những người gặp thuận lợi thì khá lên, phần lớn những người còn lại do không được đào tạo nghề, không vốn làm ăn thì nghèo khó, lao đao, bất hạnh. NDT ly nông, cơ hội không dành riêng cho ai và nhiều khó khăn, xui rủi nơi đất khách quê người...

Những NDT ly nông làm ăn thành đạt

Mô tả ảnh.
Làm nấm sò đạt hiệu quả cao.

Anh Phùng Tường lớn lên trên đất lúa Hòa Châu và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã vào TP. Hồ Chí Minh theo nghề cơ khí. Lúc đầu cũng chỉ đi làm công, nhưng với sự thông minh, nhanh nhạy, anh đã tạo được các mối quan hệ trên thương trường, rồi chuyển sang kinh doanh hàng điện, nước. Gom hết vốn liếng, đi buôn đường dài và liên tiếp lãi lớn, anh phất lên khá nhanh. Rồi anh trở về quê, mở cơ sở sản xuất hàng cơ khí và tạo được đầu mối tiêu thụ ở nước bạn Lào, thường xuyên đưa hàng sang bán tại Lào và mua hàng ở đó đem về nước tiêu thụ. Từ một thanh niên nghèo khó chân lấm tay bùn ngày nào, bây giờ anh đã có được một cơ ngơi bề thế, đi lại bằng xe con trong sự ngỡ ngàng của bà con làng xóm.

Cũng ở Hòa Châu, anh Phùng Quan ra Hà Nội làm ăn bằng nghề thợ xây. Tại đất đế đô, tay nghề tinh xảo của anh được trọng vọng và sự lanh lợi của anh cũng đã phát huy tác dụng. Từ một người thợ, anh đã trở thành chủ thầu, rồi về quê thành lập công ty xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động.

Từ quê hương Hòa Tiến vào “xứ người” kiếm kế mưu sinh và nhờ nhanh nhạy, năng nổ, anh Nguyễn Văn Vũ đã trở thành ông chủ cơ sở sản xuất mũ cỡ lớn ở TP. Hồ Chí Minh, giải quyết việc làm cho mấy chục NDT ở quê vào đây kiếm sống. Tại xã trung du Hòa Nhơn, anh Võ Xuân Hưng cũng rời quê đi làm ăn ở các nơi xa, rồi học được nghề hàn điện và trở thành một thợ hàn giỏi, quanh năm làm không hết việc. Có tiền, anh giúp gia đình thuê nhân công làm ruộng và một ngày công của anh có thể thuê được 3-4 người làm ở quê...

Và những người gặp rủi ro, hoạn nạn

Không ít NDT xin được việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp, nhưng rất ít người ký được hợp đồng dài hạn. Họ chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, hết 3 tháng này đến 3 tháng khác và không có bảo hiểm y tế. Khi người lao động bị tai nạn lao động, người sử dụng lao động chỉ giúp một ít tiền khi mới xảy ra tai nạn, sau đó hoàn toàn không biết gì đến số phận của những người bất hạnh ấy.

Khi ly hương, NDT ấp ủ mộng ước tích lũy được nhiều tiền để làm thay đổi cuộc sống gia đình, nhưng rồi không ít người đã gặp phải những điều bất hạnh. Anh Lê Kim Xú (Bàu Cầu, Hòa Châu) lúc vào Nam cũng mang theo bao hy vọng đổi đời, nhưng mới đi làm được một tháng rưỡi thì bị tai nạn do sập giàn tời từ trên tầng 3 công trình Trường Đại học Vĩnh Long. Nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy mấy tuần liền, anh mới tỉnh lại và hơn 3 tháng sau mới được vợ đưa về quê với cơ thể tật nguyền: Gãy cột sống và liệt hai chân vĩnh viễn. Từ ấy đến nay, anh ngồi trên xe lăn, hằng ngày phụ giúp vợ làm các việc lặt vặt và đã được hưởng chế độ bảo trợ xã hội 150.000 đồng/tháng. Tương tự, anh Ngô Tấn Thừa từ vùng lúa Hòa Châu đi làm thợ xây tại một công trình ở nội thành Đà Nẵng, chẳng may bị té ngã gãy xương sống và bao năm qua cũng đành cam “bầu bạn” với chiếc xe lăn và cuộc sống khổ nghèo. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tính phải cáng đáng mọi việc trong nhà ngoài đồng, lại còn phải chạy vạy đi làm thuê để kiếm tiền nuôi chồng và hai con nhỏ.

Anh Đặng Ngọc Đạt ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến vào Nha Trang mở dịch vụ buôn bán, nhưng bị cạnh tranh, chèn ép, thua lỗ liên tiếp và ngày càng thêm chồng chất nợ nần. Cuối cùng, anh phải về quê bán đất, bán nhà để lo trả nợ! NDT Huỳnh Anh rời đồng đất Hòa Tiến ra Quảng Trị làm “nghề” rà phế liệu, bởi nghe đồn nghề này dễ “trúng mánh”, nhưng rà mấy năm trời, cuộc sống cũng chẳng khá hơn và kết cục là “mánh” không trúng mà lại trúng mìn, trở thành người tàn phế. Còn anh Nguyễn Thái Đông (Nam Sơn, Hòa Tiến) cũng ly hương với nghề thợ xây, rồi bị sập giàn giáo, chấn thương sọ não và trở thành gánh nặng cho gia đình đã hơn 5 năm qua...

Ly nông nhưng không ly hương

Đây là một giải pháp tốt để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người nông dân và phát triển sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng. Hiện nay, UBND thành phố đang xúc tiến quy hoạch các vùng chuyên canh rau, hoa, lúa cao sản, thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án sản xuất rau sạch và Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học, với nhiệm vụ trước mắt là tập trung nghiên cứu, phát triển nấm và hoa. Trên cơ sở chủ trương Tam nông của Nhà nước (nông thôn-nông nghiệp-nông dân) và theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Hội Nông dân và ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất và tiêu thụ có hiệu quả cao, các sản phẩm có chất lượng cao, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn.

Hội Nông dân các cấp vừa tăng cường công tác tuyên truyền, vừa tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về phong trào nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hằng năm, Hội Nông dân thành phố luôn chú trọng tổ chức dạy nghề cho nông dân, nhất là hội viên nghèo và hội viên trong diện di dời, giải tỏa. Chỉ từ đầu năm 2010 đến nay, Hội đã tổ chức 24 lớp dạy nghề trồng nấm và trồng hoa-cây cảnh, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, có việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt, Thành Hội đang phấn đấu thực hiện hai Đề án lớn. Một là, chủ trì xây dựng Đề án Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, nhằm tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ, vốn, vật tư, thiết bị máy móc nông nghiệp và tổ chức dạy nghề tại chỗ, ngắn hạn cho nông dân. Hai là, chủ trì phối hợp với Liên minh các HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng thí điểm một số mô hình HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên trên địa bàn thôn, xã…

Đó là những cơ sở để bà con nông dân hy vọng, tin tưởng và dốc sức phấn đấu vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Người nông dân thành phố cần nỗ lực vươn lên ngay trên đồng đất quê hương, ra sức học hỏi, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và tích cực vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất-kinh doanh. Không nên mơ mộng, trông chờ vào sự đổi đời nơi xứ lạ, không nên làm ăn theo kiểu cũ kỹ, lạc hậu, cũng không nên thụ động trông chờ vào những chính sách ưu ái… Hãy nỗ lực vượt lên, mở những mô hình kinh tế mới phù hợp với thực tế, đạt hiệu quả thiết thực và hãy học tập, phấn đấu trở thành người nông dân trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.