(ĐNĐT) - "Đến hẹn lại lên", hàng chục năm qua, cứ vào mùa mưa lũ, giao thông tại các tỉnh miền Trung lại bị lũ làm sạt lở, tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam bị cắt đứt, miền núi bị cô lập với miền xuôi…
Phập phồng giao thông Bắc - Nam
Từ nhiều năm qua, giao thông Bắc - Nam đoạn qua địa bàn miền Trung rơi vào “điệp khúc chia cắt” trong mùa mưa lũ. Gần đây nhất, liên tiếp trong tháng 10 và 11-2010, giao thông Bắc – Nam cả đường sắt và đường bộ đều bị cắt đứt hoàn toàn tại các tỉnh miền Trung trong nhiều lần do mưa lũ.
Giao thông đường sắt Bắc - Nam đoạn qua miền Trung thường bị cắt đứt trong mùa lũ lụt |
Nửa cuối tháng 10, tuyến đường sắt Bắc – Nam bị cắt đứt hoàn toàn do lũ cuốn trôi hơn 300 mét đường sắt tại km 350+725, đoạn qua địa bàn xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Cách đó chừng vài km về phía Nam, một đoạn đường sắt nằm giữa ga Đức Lạc và ga Yên Duệ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) cũng bị sạt lở đoạn dài 110 mét.
Ngành đường sắt Việt Nam đã phải bỏ tra gần 200 tỷ đồngvà huy động hơn 1.000 công nhân cùng nhiều máy móc, thiết bị thi công 24/24 nhưng phải mất hơn 10 ngày, đường sắt Bắc – Nam mới thông suốt trở lại.
Vừa thông suốt trở lại được vài hôm, đến đầu tháng 11-2010, tuyến đường sắt Bắc – Nam lại bị chia cắt do lũ lớn gây ngập, sạt lở tại Khánh Hòa, Ninh Thuận và tuyến đường sắt đoạn qua đèo Cả (giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) đoạn khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh lại bị ách tắc do nhiều tảng đá sạt lở nằm chắn mặt đường sắt. Và Công ty quản lý đường sắt Phú Khánh phải huy động nhân lực, vật lực để khắc phục sạt lở ở cung đường sắt phía Nam Nha Trang nhưng phải mất nhiều ngày, tuyến giao thông Bắc – Nam mới lưu thông trở lại.
Cùng chung “số phận” với tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường bộ huyết mạch Bắc – Nam, quốc lộ L1A cũng liên tục bị chia cắt do lũ ngập và sạt lở. Đợt lũ lịch sử vào đầu và giữa tháng 10 vừa qua tại các tỉnh Bắc miền Trung, gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An khiến tuyến quốc lộ 1A bị ngập sâu ở hàng chục điểm, nặng nhất là đoạn cầu Rong, xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Đến đầu tháng 11 này, một lần nữa tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ Ninh Thuận đi Khánh Hòa bị chia cắt do ngập sâu trong lũ.
Tại hầu hết các tỉnh miền Trung, mỗi khi tỉnh nào xuất hiện lũ lụt thì tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam lại bị chia cắt, ách tắc. Chính vì thế, tuyến giao thông Bắc – Nam đoạn qua miền Trung cứ phập phù theo con lũ nơi đây.
Đường tránh lũ cũng... đứt
Chính phủ đã cho xây dựng đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa– tuyến giao thông được xem là “tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam thứ hai” đoạn qua các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Thế nhưng, vào mùa mưa lũ, khi tuyến quốc lộ 1A bị lũ cắt đứt thì đường Hồ Chí Minh đồng thời cũng bị chia cắt bởi nạn sạt lở.
Sạt lở đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam, Kon Tum - bài toán chưa có lời giải |
Nếu như tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Tĩnh – Quảng Bình có thể đáp ứng được vấn đề giải quyết giao thông mùa lũ thay cho quốc lộ 1A thì đoạn từ A Tép (Tây Giang, Quảng Nam) đến Đắk Tô (KonTum) lại bị “tê liệt” đồng thời với quốc lộ 1A. Đường Hồ Chí Minh đoạn A Tép (Quảng Nam) đến Đắk Tô (KonTum) dài 192km là tuyến giao thông huyết mạch của các huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Nam và KonTum. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này có đến gần 120 điểm sạt lở lớn nhỏ do mùa mưa bão năm 2009 để lại. Từ cuối mùa mưa năm trước đến nay, các đơn vị thi công đã khẩn trương hoàn thành một số điểm xung yếu để đảm bảo giao thông.
Nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đoạn từ A Tép (Tây Giang) đến cầu Thạnh Mỹ (Nam Giang) dài 105km nhưng có đến 107 điểm sạt lở nặng cả hai bờ ta-luy âm và dương khiến giao thông trên tuyến ách tắc thường xuyên mỗi khi mưa xuống.
Theo thống kê của Khu quản lý đường bộ V, tính bình quân, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam và KonTum thì cứ 1,5km lại có một điểm sạt lở gây ách tắc.
Đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến đường chiến lược chia sẻ áp lực giao thông với QL1A vào mùa mưa bão mà còn đóng một vai trò rất quan trọng đối với các huyện miền núi, biên giới của Quảng Nam và KonTum. Đường Hồ Chí Minh được ví như "xương sống” nối các huyện miền núi, biên giới như: Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn (Quảng Nam), Đắk Glei, Ngọc Hồi (KomTum) với đồng bằng.
Hàng chục năm qua, mặc dù ngành giao thông đã chú trọng trong công tác nâng cấp tuyến giao thông Bắc – Nam cũng như tìm kiếm các giải pháp nhưng đến nay giao thông Bắc – Nam vẫn bị “tắc” đoạn qua miền Trung. Cứ vào mùa mưa lũ, hàng hóa lại gập ghềnh qua miền Trung, hành khách Bắc – Nam vừa đi vừa run bởi nạn ngập lũ, nhất là sau sự kiện xe khách cao cấp 48K-5868 bị lũ cuốn trôi khiến 20 người chết và mất tích tại Hà Tĩnh hồi tháng 10 vừa qua. Và, giải pháp hữu hiệu cho giao thông Bắc – Nam đoạn qua miền Trung vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Bài và ảnh: Thanh Tuyền