(ĐNĐT) - Nước lũ dâng cao tại tỉnh Quảng Nam, nhiều nơi bị cô lập, nhiều tuyến đường bị sạt lở, trong khi cầu Gò Nổi bị sụt hai nhịp.
Mưa lớn kéo dài mấy ngày qua đã gây ngập và cô lập nhiều xã của hai huyện Nông Sơn, Nam Trà My,… của tỉnh Quảng Nam. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương sơ tán dân khỏi vùng ngập, chuẩn bị sẵn sàng lương thực cũng như các nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo cho người dân sống trong những ngày mưa lũ chia cắt.
Nhiều khu vực tại Quảng Nam ngập trong lũ. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Tại miền núi Nam Trà My, hiện giao thông đến các xã vùng sâu vùng xa của huyện Nam Trà My hoặc bị chia cắt hoặc lầy lội trầm trọng. Các xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don, Trà Cang,…bị chia cắt do các tuyến giao thông liên huyện bị lầy lội và sạt lở. Mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất đá vào nhà 2 hộ dân ở thôn 1, xã Trà Mai.
Ông Nguyễn Văn Hoành, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Nam Trà My, cho biết huyện Nam Trà My đã bố trí 40 tấn gạo dự trữ tại các điểm xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Doong và Trà Vân để phục vụ cho 10 xã của huyện. Tại kho của huyện hiện cũng đang dự trữ 50 tấn gạo dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho người dân khi họ không còn nguồn lương thực dự phòng.
Mưa lũ cũng làm tuyến đường Nam Quảng Nam - Trà My - Trà Bồng đoạn qua địa bàn huyện Nam Trà My bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn Km118+308 - Km118+474 (gói thầu R2-4) sạt lở ta-luy dương với khối lượng khoảng 2.000m3; đoạn Km121+200 - Km123+650 (gói thầu R2-5) sạt lở ta-luy dương 5 vị trí với khối lượng khoảng 12.000 m3; đoạn Km122+900 - Km123+000 (gói thầu R2-5) sạt lở ta-luy âm, đất đổ xuống đoạn đường đầu cầu Trà Nam thuộc tuyến đường liên xã Trà Don - Trà Nam. Nước lũ đã làm xói lở ta-luy âm đoạn tuyến đường này. Tại Km125+000 (gói thầu R3-1) sạt lở ta-luy dương với khối lượng khoảng 10.000 m3; đoạn Km139+000 – Km139+450 (gói thầu R5-1) sạt lở ta-luy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 9.000m3.
Trong khi đó, huyện miền núi Nông Sơn đã bị ngập lụt nặng, giao thông nối QL1A đến trung tâm huyện cũng như từ trung tâm huyện đến các xã bị nước lũ chia cắt. Tuyến đường ĐT 611 Quế Lộc đi Quế Trung nước ngập sâu từ 1- 1,5m, giao thông bị ách tắc hoàn toàn; tuyến đường ĐT 610 huyện Duy Xuyên đi Quế Trung nước ngập sâu từ 2,5- 3m tại cầu Khe Le. Các tuyến đường liên xã và đường nội bộ xã cũng bị ngập sâu, như: Đoạn đường từ UBND huyện đi Quế Lâm bị ngập sâu từ 1,5 đến 2m, chia cắt tại cầu Khe Rinh xã Phước Ninh và cầu Khe Sé xã Quế Lâm bị ngập 3,5 đến 4m...
Tại huyện Đại Lộc, từ sáng 16-11, nước lũ đổ về nhấn chìm nhiều địa phương của huyện này. Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc kiêm Trưởng Ban PCLB huyện Đại Lộc, cho biết: Từ sáng 16-11, lũ từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về khiến nước lũ dâng nhanh, ngấp nghé báo động 3 khiến các xã vùng B Đại Lộc như Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Thắng và xã Đại Hồng của vùng A bị ngập sâu trong lũ. Giao thông nối các xã này với trung tâm huyện bị chia cắt toàn bộ. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các địa phương tiến hành sơ tán 3.000 dân vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Đến cuối ngày 16-11, toàn huyện đã sơ tán được hơn 3.000 dân vùng trũng thấp, trong đó chủ yếu là người già, trẻ em và phụ nữ.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Nam đã bố trí lực lượng trực 24/24, huy động lực lượng thường trực tại các điểm có nguy cơ cao để sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tại các tuyến giao thông huyết mạch sẽ bố trí ghe lớn để chuyên chở người dân qua lại một cách an toàn.
Tính đến chiều ngày 16-11, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 3 người chết (2 ngoời tại huyện Tiên Phước, 1 người tại huyện Đại Lộc).
Cầu Gò Nổi bị sụt hai nhịp
Nước lũ dâng nhanh cộng với dòng chảy mạnh khiến cầu Gò Nổi bị sụt nhịp và có nguy cơ đổ xuống sông. Ảnh: Thanh Tuyền |
Sáng 16-11, cầu Gò Nổi (người địa phương gọi là cầu Đen) nằm trên tuyến đường ĐT 610B thuộc địa phận xã Duy An (huyện Duy Xuyên) nối QL1A với 3 xã Gò Nổi gồm Điện Quang, Điện Phong và Điện Trung, huyện Điện Bàn bị sụt hai nhịp tại trụ số 5 và số 6 khiến giao thông trên tuyến bị ách tắc.
Do sụt lún nhịp cầu khá lớn khiến mặt cầu bị nứt toác, cây cầu cong vênh và có nguy cơ đổ xuống sông. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng đã bố trí lực lượng cấm người và phương tiện lưu thông qua lại để đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân dẫn đến sự cố trên là do nước lũ dâng cao, dòng chảy lớn nên làm xói lở trụ cầu.
Thanh Tuyền
Lũ khẩn cấp trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi Trong hai ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lãnh tăng cường và hoạt động mạnh của đới gió đông trên cao, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Tính đến 13 giờ ngày 16, lượng mưa đo được phổ biến từ 200 – 400mm, vùng Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi 400-600mm, một số nơi lớn hơn như Tà Lương (T.T. Huế): 605mm, Trà My (Quảng Nam): 681mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi): 859mm. Lũ trên các sông ở Quảng Nam đang lên; các sông ở Thừa Thiên Huế đang dao động ở mức cao; các sông ở Quảng Ngãi lên lại. Mực nước lúc 16 giờ ngày 16-11 trên các sông như sau: Sông Bồ tại Phú Ốc: 4,25m, dưới BĐ3: 0,25m; Sông Hương tại Kim Long: 3,26m, dưới BĐ3: 0,24m; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,76m, dưới BĐ3: 0,24m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,29m, trên BĐ2: 0,29m; tại Hội An: 1,54m, trên BĐ2: 0,04m; Sông Trà Bồng tại Châu Ổ: 5,12m, trên BĐ3: 0,62m; Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 6,04m, dưới BĐ3: 0,46m; Sông Vệ tại cầu Sông Vệ: 4,02m, dưới BĐ3: 0,48m. Dự báo lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục lên và ở mức cao. Đêm nay, sáng sớm mai (17-11), mực nước các sông có khả năng như sau: Sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,5m (BĐ3); Sông Hương tại Kim Long lên mức 3,5m (BĐ3); Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,5m, trên BĐ3: 0,5m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 4,3m, trên BĐ3: 0,3m; Sông Trà Bồng tại Châu Ổ lên mức 5,7m; trên BĐ3: 1,2m; Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc lên mức 7,0m, trên BĐ3: 0,5m; Sông Vệ tại cầu Sông Vệ lên mức 5,5m, trên BĐ3: 1,0m. Đêm nay lũ các sông ở Bình Định có khả năng lên. TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG |