.

Quảng Nam ngập lũ

.

(ĐNĐT) - Sau khi đạt đỉnh và bắt đầu xuống chậm từ chiều tối nay (17-11), mưa lũ đã gây ngập lụt, cô lập nhiều nơi, nhấn chìm nhiều tuyến đường giao thông ở tỉnh Quảng Nam.

Theo ghi nhận của phóng viên Đà Nẵng Điện tử tại Quảng Nam, từ sáng đến trưa 17-11, nước lũ tiếp tục dâng lên gây ngập sâu tại các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc. Tuyến QL1A đoạn qua địa bàn huyện Điện Bàn, Duy Xuyên nhiều đoạn ngập sâu trong lũ. Tuyến đường ĐT 616 lên huyện Nam Trà My bị cô lập. Đường ĐT 609 đi Đại Lộc, ĐT 608 đi Hội An nhiều nơi bị ngập chưa đi lại được.

Mô tả ảnh.

Hàng ngàn nhà dân hạ lưu sông Vu Gia, sông Thu Bồn (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước (Ảnh: Đ.Mạnh)

Mô tả ảnh.

Trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Điện Bàn) bị ngập sâu gần 1 mét

1ADuyxuyen.jpg

Nước lũ tràn qua quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Duy Xuyên (Ảnh: T.Tuyền)

ngap nghe cau Cau Lau.jpg

Nước lũ ngấp nghé cầu Câu Lâu, Quảng Nam (Ảnh: T.Tuyền)

Người dân các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc…đi lại chủ yếu bằng ghe và xuồng máy. Đặc biệt, 3 xã Gò Nổi (huyện Điện Bàn) gồm: Điện Trung, Điện Phong và Điện Quang bị cô lập do lũ nhấn chìm tuyến đường giao thông và làm sụt gãy nhịp cầu Gò Nổi (hay còn gọi là cầu Đen).

Khoảng 350 ha lúa gieo và trên 500 ha rau màu ở các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, TP Tam Kỳ bị ngập úng và hư hỏng.

Theo báo cáo nhanh của BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, đến sáng ngày 17-11, các địa phương của tỉnh đã tổ chức sơ tán 1.582 hộ với khoảng 6.500 nhân khẩu, tập trung ở các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Điện Bàn...., hình thức chủ yếu là sơ tán xen ghép tại chỗ.

Hồ chứa Phú Ninh đã xả lũ với lưu lượng khoảng 750m3/giây. Mực nước của Thủy điện A Vương lúc 7 giờ ngày 17-11 là 336m, hiện chưa xả lũ vì theo quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Tranh, Đăck Mi 4, chỉ được phép xả lũ khi mực nước đạt 376m. 

 

Người dân chủ yếu di chuyển bằng thuyền

Người dân chủ yếu di chuyển bằng thuyền (Ảnh: Đ.Mạnh-T.Tuyền)

Lở núi, 3 người chết và bị thương

Vào lúc 17 giờ ngày 16-11, tại xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) xảy ra vụ sạt núi làm 1 người chết, 2 người bị thương. Theo thông tin ban đầu, do mưa lớn đã gây sạt núi làm sập nhà bếp, 2 phòng ở của Công ty Dong Fang, Trung Quốc (đơn vị đang thi công Thủy điện Đăk Mi 4) khiến ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1953) là tài xế chết tại chỗ, bà Hoàng Thị Chúc (sinh năm 1959) - phụ bếp và ông Zhuang Guang Zhong (sinh năm 1969, quốc tịch Trung Quốc) - phụ trách hậu cần thuộc công ty bị thương nặng.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua huyện Phước Sơn cũng bị sạt lở nhiều điểm, trong đó, tại Km 1354+400 bị sạt lở làm ách tắc giao thông từ 15 giờ ngày 16-11, Hạt quản lý đường bộ Phước Sơn đã tiến hành khắc phục đến 19 giờ cùng ngày thì thông tuyến. Riêng tuyến đường đi 5 xã vùng cao gồm Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) bị sạt lở nhiều đoạn. Ngầm nước Mỹ, Nước Chè bị trôi một số rọ đá, nước ngập sâu hiện nay xe thồ và ô tô không đi được.

Huyện Bắc Trà My đã phối hợp với ban Quản lý thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức khắc phục một số nơi bị sạt lở trên tuyến ĐT 616 phục vụ việc đi lại cho nhân dân. BCH Quân sự tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện đi lại tại huyện Đại Lộc, sẵn sàng ứng cứu cho địa phương. Đồng thời cử người canh gác, ngăn chặn các phương tiện đi lại qua vùng nguy hiểm. Cấm các đò ngang, đò dọc đi lại trên những đoạn sông nguy hiểm.

Đắc Mạnh - Thanh Tuyền

;
.
.
.
.
.