Đại diện của Công ty CP Đầu tư Bắc Âu đã nói: Đây là dự án của Chính phủ, không được công khai rộng rãi. Điều đó, khiến cho sự việc chung quanh “Dự án cho vay hỗ trợ trồng rừng” càng thêm nhiều nghi vấn.
Giấy tờ biên nhận sổ đỏ và các biểu mẫu đăng ký diện tích đất rừng giao cho các công ty thu gom sổ. |
Gian nan đòi sổ đỏ
20 ha diện tích đất rừng gia đình chị Đỗ Thị Phúc (ĐTP) sở hữu hiện tại liên quan đến một dự án quy hoạch của thành phố, vì vậy, đang rất cần có sổ đỏ để làm thủ tục đền bù. Chị Phúc và một số người đã giao sổ đỏ đất rừng cho Công ty CP Đầu tư Bắc Âu rất muốn lấy lại sổ mà không cần đến khoản tiền hỗ trợ cho vay kia nhưng không dễ gì thực hiện được. Một số đầu mối biết chị Phúc đang cố lấy lại sổ nên đã đưa danh sách biểu mẫu thống kê đất nhờ chị nếu ra Hà Nội thì hỏi giúp. Trong đó, có ông Trần Anh Đức, giao 9 sổ đỏ cho Công ty TNHH Xuân Hương do bà Nguyễn Thị Hương làm Giám đốc với diện tích 47,22 ha đất rừng; ông Đỗ Nguyện giao 10 sổ đỏ với hơn 32 ha. Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, chị Phúc đã gọi điện cho bà Nguyễn Thị Hương (NTH), hiện tại là đại diện Công ty Bắc Âu, người trực tiếp nhận giấy tờ sổ đỏ của chị Phúc và những người khác. Chúng tôi đã ghi âm lại cuộc nói chuyện này và thấy trong nội dung câu chuyện thể hiện nhiều “nghi vấn”.
ĐTP: Tình hình sao rồi chị Hương, có hy vọng gì không? Bao giờ mới có khoản tiền đó chị?
NTH: Có chứ sao không có em, đang làm cả ngày cả đêm cho nó ra tiền đây, cả nước gọi chứ có phải mình em đâu, mệt lắm. Báo cho mọi người biết tin mừng là cực kỳ tốt đẹp, sắp ra tiền rồi.
ĐTP: Khoảng trong tháng này hay chừng mô mới có chị?
NTH: Không biết có kịp không, đang cố gắng đây.
ĐTP: Hiện sổ em nằm trong dự án, em có thể ra mượn sổ về được không chị?
NTH: Trời ơi, bất khả động rồi, hồ sơ đó niêm phong toàn bộ bất khả động rồi.
ĐTP: Giấy sổ đỏ chừ chưa có tiền thì mấy chị giữ mà? Em mượn đỡ về rồi đem ra thôi!
NTH: Bìa đỏ Ban dự án niêm phong lại, gửi ngân hàng chứ bọn chị làm chi có quyền giữ, chị mà giữ thì làm sao ra tiền, diện tích của cả nước họ niêm phong bất khả động để ra tiền chứ.
ĐTP: Mình gửi ngân hàng làm chi rứa chị?
NTH: Không gửi ngân hàng thì ai có quyền giữ sổ đỏ trong pháp luật, việc đó là việc của Ban dự án Chính phủ làm chứ có phải mình làm đâu, những người tay sai họ sai thế nào thì làm như vậy chứ.
ĐTP: Em không hiểu Ban dự án Chính phủ là gì chị?
NTH: Em không hiểu thì đừng hỏi, chị không được phép nói, chị lỡ mồm nói vậy chứ chị có được phép nói gì đâu. Bọn chị là những người giúp việc cho Ban dự án, những việc đó là quyết định của Ban dự án, toàn bộ hồ sơ sổ đỏ của cả nước đưa đến tập trung để mà hỗ trợ tiền trồng rừng này là họ phải gửi lại ngân hàng, chỉ có ngân hàng mới có quyền giữ sổ đỏ, họ gửi ngân hàng họ quản lý và giải ngân cho dân. Trong lúc này họ đã gói chặt, niêm phong rồi để “bình yên” cho ra tiền chứ không được ai đụng vô đó nữa.
ĐTP: Nhưng đất em nằm trong dự án hết không biết phải làm sao?
NTH: Nguồn tiền này là nguồn tiền của một tổ chức phi chính phủ đưa về dưới sự lãnh đạo của Chính phủ cho nên có được công khai rộng rãi đâu, nếu công khai thì nguy hiểm lắm.
ĐTP: Tổ chức phi chính phủ ở xã em họ công khai được mà sao tổ chức mình không công khai được chị?
NTH: Cái đó ra Thủ tướng hỏi chứ chị chịu rồi, chị không nói được rồi.
Qua cuộc nói chuyện này, có thể thấy, quy mô của việc gom sổ đỏ theo “dự án cho vay hỗ trợ trồng rừng của tổ chức phi chính phủ” lan tỏa khắp cả nước. Theo như lời chị Phúc giải thích thì họ gom khoảng 100 nghìn ha làm một gói mới giải ngân một lần, do vậy, các đầu mối thu gom càng nhiều càng tốt. Một người bạn đi cùng chị Phúc trong chuyến đầu tiên ra Hà Nội đã nhờ đến một luật sư quen biết ở Đà Nẵng để đòi lại sổ đỏ từ phía Công ty Bắc Âu. “Công ty đó thay đổi địa chỉ nên anh luật sư này phải tìm mấy ngày mới ra, rồi lại khó khăn lắm mới gặp được bà Hằng. Sau đó, ảnh lấy lại sổ đỏ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phải ghi lại là mượn sổ về giải quyết công việc riêng”, chị Phúc kể. Như vậy, cái sự “bất khả động” theo lời của bà Hương cần phải xem lại.
Bao giờ sổ đỏ về với dân?
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang: Theo tôi, đây rõ ràng là dự án ma và không có trên thực tế. UBND huyện Hòa Vang đã giao UBND các xã có rừng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ số hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) lâm nghiệp, lập danh sách cụ thể những hộ dân đã giao nộp giấy CNQSDĐ rừng cho các cá nhân đại diện cho một số doanh nghiệp để gửi ra Hà Nội xin vốn hỗ trợ trồng rừng. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân biết để nâng cao tinh thần cảnh giác khi làm việc với các đối tác có liên quan đến việc hỗ trợ vốn trồng rừng; kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tổ chức và nhân dân trên địa bàn xã và báo cáo kịp thời về UBND huyện để được chỉ đạo giải quyết. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú thừa nhận, xã có nghe thông tin về việc dân đổi sổ đỏ để được vay tiền hỗ trợ trồng rừng nhưng việc công chứng sổ đỏ nhiều khi không thông qua xã nên không thể nắm được số lượng bao nhiêu. Hiện tại, xã có hơn 2.500 ha đất rừng, ngoài dân địa phương còn có những người từ nơi khác đến mua nên số lượng sở hữu thật sự không chính xác. Về câu chuyện này, ông Vân nói thêm: “Khi nghe tới dự án này tôi đã không tin vì một chủ trương cho vay lớn như thế của Chính phủ làm sao không thông qua chính quyền địa phương, không có chỉ đạo gì từ thành phố, huyện. Tôi nghĩ đây là việc làm không đúng và có vấn đề gì đó.
Thấy không hợp lý nên có lúc dân họ đề nghị tôi ký giấy tờ liên quan tôi không ký”. Cũng theo ông Vân, hiện tại, người dân không có sổ đỏ không đồng nghĩa với việc ai đó có thể lợi dụng lấy đất rừng của họ. Nhưng đáng e ngại là trong trường hợp doanh nghiệp kia cấu kết với phía ngân hàng sử dụng sổ đỏ vào mục đích phi pháp. “Nếu ngân hàng muốn cho vay, họ phải xác minh kỹ lưỡng lắm mới cho vay được tiền, chứ đâu ở ngoài Hà Nội mà cho dân Đà Nẵng vay dễ vậy, không cần tới tận nơi để đo đạc, kiểm tra xem đất rừng như thế nào”, ông Vân lý giải. Trong trường hợp không có sổ đỏ, ông Vân cho rằng, người dân sẽ gặp khó khăn khi muốn mua bán, cầm cố, thừa kế. Hiện nay, một số gia đình hạn hẹp về tài chính, muốn cho con cái hoặc bán bớt đi thì không có sổ đỏ để hoàn tất thủ tục. Đây mới thật sự là điều mà người dân đang lo ngại.
Được biết, câu chuyện này đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó, điển hình như ở Thanh Hóa, người dân cũng đã giao sổ cho các công ty thu gom, trong đó có Công ty Bắc Âu nhưng không nhận được tiền. Chính quyền và Công an địa phương đã vào cuộc để thu hồi lại hàng chục nghìn bản gốc sổ đỏ về cho dân. Địa phương này cũng đã nêu danh tính một số công ty chuyên thu gom sổ đỏ để bà con cảnh giác, đầu bảng là Công ty CP Đầu tư Bắc Âu. Trước đó, báo Công an Đà Nẵng đã phản ánh và kêu gọi các cơ quan chính quyền điều tra, xem xét thực hư câu chuyện này.
Thiết nghĩ, rút kinh nghiệm từ Thanh Hóa, chính quyền thành phố Đà Nẵng và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ ngọn ngành xem có dấu hiệu phạm tội trong việc này hay không. Đồng thời, cần phối hợp với các ngành chức năng để tìm hiểu mục đích chính của việc thu gom sổ đỏ đất rừng này là gì. Trong trường hợp có vấn đề khuất tất đằng sau “dự án” này thì cần có biện pháp mạnh nhằm lấy lại sổ đỏ cho người dân, tuyên truyền không để sự việc tái diễn và nghiêm trị những hành vi sai phạm nếu có.
Bài và ảnh: Hà An