.

Thủ tướng: Không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin

.

(ĐNĐT) - "Những việc làm sai trái của lãnh đạo Vinashin đã gây hậu quả nghiêm trọng... Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ".

>> Toàn văn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định và nhận trách nhiệm như vậy về Vinashin trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 24-11.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 24-11 (Ảnh: TTXVN)

 "Tôi xin nhận trách nhiệm về những yếu kém của Vinashin"

Trong phần trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Vũ Hoàng Hà (Bình Định) sau đó, Thủ tướng cũng đã nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu Chính phủ sau những gì đã xảy ra đối với Vinashin.

"Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm và cũng nói rõ, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng tới các thành viên Chính phủ liên quan đang kiểm điểm. Kết luận cụ thể chúng tôi sẽ công khai", Thủ tướng khẳng định. "Chúng tôi sẽ không làm qua loa, mà làm nghiêm túc, đúng quy trình của Đảng, quy định của Nhà nước".

Đại biểu Vũ Hoàng Hà: Chúng tôi rất mừng khi Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin. Thủ tướng đã nhận trách nhiệm về mình, nhưng các thành viên Chính phủ khác thì không nhận trong các phiên chất vấn vừa qua, vậy thái độ của Thủ tướng đối với trách nhiệm của các thành viên Chính phủ như thế nào. Thủ tướng: Đối với các bộ trưởng, chúng tôi sẽ kiểm điểm nghiêm túc, bộ trưởng nào liên quan tới đâu, trách nhiệm như thế nào sẽ được làm rõ, đúng với thực tế.

Thủ tướng cho biết, những người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước.

Mặt khác, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, việc tiến hành và xử lý sau giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thuộc Chính phủ còn kém hiệu lực hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung sức thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Vinashin, “không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin”.

 

 
Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm và cũng nói rõ, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng tới các thành viên Chính phủ liên quan đang kiểm điểm. Kết luận cụ thể chúng tôi sẽ công khai
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Kết thúc phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Lúc nào tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế để làm tốt nhiệm vụ của mình hơn. Tôi hoan nghênh tiếp thu những ý kiến góp ý của đồng chí, đồng bào, của các vị đại biểu Quốc hội. Tôi mong các vị chia sẻ, giúp đỡ để Chính phủ làm tốt nhiệm vụ của mình". 

Chỉ tiếp tục thực hiện dự án bauxite khi bảo đảm an toàn về môi trường

Về các dự án bauxite, Thủ tướng cho biết, việc thẩm định các dự án đã được các Hội đồng Thẩm định do Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, tiến hành thẩm định nghiêm túc, thận trọng và đã khẳng định các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng.

"Hai dự án này đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản là doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài. Tập đoàn Nhôm Trung Quốc là đơn vị được thuê làm tổng thầu EPC - xây dựng nhà máy theo hình thức chìa khoá trao tay và sẽ bàn giao nhà máy cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sau 2 năm xây dựng", Thủ tướng cho biết. 

Trong quá trình triển khai dự án, việc xử lý bùn đỏ đã được xem xét, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Nhưng ngay sau khi có sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungari và sự quan tâm góp ý của một số đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành cách mạng, nhà khoa học,… Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản rà soát lại các hạng mục công trình của dự án và các giải pháp xây dựng, vận hành hồ bùn đỏ. Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thẩm định lại, trên cơ sở đó hoàn thiện thiết kế hồ bùn đỏ của các dự án; đồng thời, giao Bộ Công thương tổ chức đoàn khảo sát sự cố hồ bùn đỏ ở Hungari. 

“Sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường”, Thủ tướng khẳng định.

Thiếu điện: năng lực của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu yếu kém

Theo giải trình của Thủ tướng, tình trạng thiếu điện trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trước hết là phần lớn các dự án điện đều thiếu vốn. Trong nhiều năm qua, Chính phủ chỉ dành vốn ngân sách phục vụ cấp điện cho các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc. Với khoảng 40 dự án đầu tư xây dựng nguồn điện và hàng chục dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải để đáp ứng nhu cầu hàng năm phải bổ sung thêm khoảng 3.000 MW, tương đương nhu cầu vốn khoảng 6 tỷ USD/năm, Chính phủ cùng ngành điện đã rất nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư cho phát triển điện nhưng đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới .

Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại các công trình nguồn và lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các Bộ, ngành và các địa phương, sự chia sẻ và hợp tác của người dân. 

Giá điện thấp chưa phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất và kinh doanh điện là nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư vào ngành điện và không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả . 

Một nguyên nhân nữa, theo Thủ tướng, là năng lực của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu yếu kém, kể cả một số nhà thầu nước ngoài trong công tác chuẩn bị đầu tư và thi công các công trình. 

Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng trên được Thủ tướng cho biết là  thực hiện cơ cấu lại ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động; thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện. Đồng thời, thực hiện lộ trình từng bước giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm bảo đảm cho các nhà đầu tư thu hồi vốn và có tích lũy hợp lý để tái sản xuất mở rộng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực cho phù hợp với cơ chế thị trường. 

ĐNĐT

;
.
.
.
.
.