.

Về vùng “rốn” lũ Hương Khê

.

Trong chuyến phối hợp với các đơn vị về cứu trợ đồng bào vùng “rốn” lũ Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi quặn thắt lòng với những gì chứng kiến sau khi lũ rút và ấm lòng với sự sẻ chia của cả nước với đồng bào vùng lũ, nói như ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Làm 10 năm trôi một ngày. Cố gắng lắm cũng phải mất nhiều năm sau mới tạm khắc phục được. Sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước là một phần cực kỳ quan trọng giúp đồng bào vùng lũ sớm ổn định cuộc sống”.

Mô tả ảnh.
Người dân xã Phú Phong nhận quà cứu trợ.

Chúng tôi về vùng “rốn” lũ Hương Khê đúng ngày mưa và giá rét do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Trên đoạn đường hơn 50km từ huyện Thạch Hà qua Khe Giao đến Hương Khê, dù người dân đã nỗ lực dọn dẹp, dội rửa, nhưng dấu tích của hai đợt lũ lịch sử in hằn rõ nét trên từng vách nhà, trên lưng chừng hàng cây ven đường… cùng với những gương mặt khắc khổ và dáng hình lam lũ của người dân nơi đây.

Về với vùng “rốn” lũ Hương Khê, những gì chúng tôi chứng kiến và nghe kể lại đều ngoài sức tưởng tượng. Anh Phan Đình Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Linh không ngờ nhà mình lại bị ngập đến mái mà chỉ mỗi vợ anh ở nhà lo khuân vác đồ đạc lên trần nhà, và anh cũng không ngờ khi anh phải trải qua đến 5 ngày lênh đênh trên con thuyền phòng chống lũ lụt của xã để đưa 310 suất cơm và hàng ngàn gói mỳ ăn liền mỗi ngày đến từng điểm nhà dân để cứu đói.

Chị Phạm Thị Lợi, thôn Bình Thọ, xã Lộc Yên không ngờ nổi căn nhà mới dựng lại tại nơi cao ráo do xã cấp đất sau khi nhà cũ của chị bị trận lũ lịch sử năm 2007 cuốn trôi, cũng ngập đến sát trần. Dưới nền nhà, 5 bao lúa không chuyển lên trần kịp bị cuốn trôi còn sót lại ít hạt giờ đã lên mạ non. Sau trận lũ đầu tiên, chị cẩn thận bỏ đậu giống vào 2 chum, bịt kín miệng, kê lên cao, nhưng trận lũ sau đã cuốn trôi hết đậu, chỉ còn mỗi 2 cái chum trống hoác. Con gái của chị, em Võ Thị Loan, học sinh lớp 9, dù đã ôm hết sách vở cất trên trần nhà nhưng chỉ một chút không cẩn thận, sách vở đã rớt xuống nước lũ đục ngầu, mấy hôm nay cũng chỉ viết bài trên 3 quyển vở do một đoàn cứu trợ tặng.

Cô giáo Phạm Thị Hiệu, Hiệu trưởng Trường mầm non Hà Linh, từ sau lũ đến nay đôn đáo chạy khắp nơi để “hỏi xin”, giúp đỡ cho 4 điểm trường (cấp 4) với 12 nhóm lớp bị ngập sâu trong lũ, hầu hết bàn ghế và đồ dùng dạy học bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng, không có gì để dạy và trẻ cũng không có gì để học, đành phải trải chiếu cho 278 cháu (từ 3-5 tuổi) ngồi dưới nền xi-măng giá lạnh vừa được các cô giáo dọn bùn, chùi sạch và dạy chay. Cô cũng “hỏi xin” cho 26 giáo viên mầm non không biên chế mỗi người ít ký gạo, tấm chăn, cái màn tuyn và cả quần áo vì nhà cô nào cũng nghèo, lại bị ngập sâu, mọi tài sản trôi theo lũ.

Về vùng lũ Hương Khê, nhiều xe cứu trợ mang những tấm băng-rôn với dòng chữ “Chung tay vì đồng bào miền Trung ruột thịt”, “Cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung”… nườm nượp, hối hả vào ra, lòng chúng tôi ấm lại với tấm lòng sẻ chia của hàng triệu đồng bào cả nước chung tay, góp sức giúp đồng bào vùng lũ. Theo Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê, trận lũ sau chồng lên trận lũ trước gây tổn thất nặng nề cho nhân dân của 22 xã, thị trấn, làm chết 7 người, bị thương 72 người, tổng thiệt hại vật chất ước tính gần 800 tỷ đồng. Đã có hàng trăm đoàn cứu trợ của đồng bào cả nước về với vùng “rốn” lũ Hương Khê, nhưng sự khó khăn, thiếu thốn của người dân vẫn còn lớn lắm… Xã Hà Linh, huyện Hương Khê có 20 xóm với 1.550 hộ, 6.600 nhân khẩu, thì có tới 16 xóm với 1.100 ngôi nhà, 5.000 nhân khẩu bị ngập, trong đó có đến 950 nhà bị ngập sâu trên 2 mét; toàn xã có 1 người chết, 10 người bị thương, 39 con trâu, bò bị chết; 7 căn nhà bị sập hoàn toàn, 136 nhà hư hỏng nặng, 261 nhà bị hư hỏng từ 20-30%…

Ông Đặng Đức Minh – Chủ tịch UBND xã nói không nên lời: “Là xã nghèo, người dân chủ yếu sống nhờ cây lúa, ngô, lạc, đậu, nhưng trận lũ làm hư hỏng 8ha lúa, 5ha khoai, 5ha rau, 10ha sắn và cuốn trôi toàn bộ mọi thu hoạch vụ mùa, lương thực, thực phẩm dự trữ. Thời gian sau lũ và 3 tháng sắp đến, người dân các vùng bị ngập nặng cần trợ cấp gạo để cứu đói (xã Hà Linh cần trợ cấp ít nhất 200 tấn gạo nếu tính theo mức 15kg/người/tháng và trong số đó người dân tự lo tại chỗ 40% - PV), nhưng đến thời điểm này, Nhà nước mới hỗ trợ 30 tấn gạo (6kg/người), rất nhiều đoàn cứu trợ về tặng quà cho nhân dân xã, nhưng chỉ mới cứu trợ tổng cộng 3 tấn gạo.

Quần áo, sách vở cho 1.260 học sinh còn thiếu thốn nhiều.” Những ngày qua, ở xã Phương Mỹ đã có nhiều chuyến hàng cứu trợ từ khắp nơi đổ về nhưng chừng đó vẫn chỉ là “muối bỏ biển” so với những mất mát của bà con nơi đây. “Toàn xã có 476 nhà bị ngập nặng. Lương thực, gia súc, gia cầm hầu hết bị cuốn trôi. Xã có 30-40% hộ nghèo nhưng sau đợt lũ này chắc con số đó phải lên đến 70%” - ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết như vậy. Xã Phú Phong nằm sát trung tâm huyện lỵ và bên đường Hồ Chí Minh nhưng cũng có đến 675 nhà bị ngập, trong đó có 222 nhà bị ngập sâu hơn 2 mét và lương thực dự trữ bị cuốn trôi, hư hỏng gần như toàn bộ.

Ở vùng lũ Hương Khê, mỗi chúng tôi thấy ấm lòng khi nhìn những gương mặt âu lo, khắc khổ sau lũ của 100 hộ dân ở thôn 5 và thôn 6, xã Phú Phong rạng rỡ niềm vui khi mỗi hộ được nhận 10kg gạo, 10 gói mỳ ăn liền, 1 chai nước mắm, 4 hộp sữa, 1 chiếc chăn, với tổng trị giá 25 triệu đồng và 100 gói quần áo, do CLB Bạn Thương nhau thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp TP. Đà Nẵng quyên góp được từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè ủng hộ. Theo lời của lãnh đạo xã Phú Phong, với người dân ở đây có 200 ngàn đồng là to lắm, lại được nhận quà trị giá đến 250 ngàn đồng/suất.

Dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Đà Nẵng cũng tặng cho 21 hộ bị thiệt hại nặng nhất 400 ngàn đồng/hộ. 110 em học sinh, 13 giáo viên ở Trường tiểu học Tùng Sơn, xã Phương Mỹ và 134 em học sinh Trường tiểu học Hương Thu, xã Hà Linh cũng nhận được 450 chiếc bút, 1.500 quyển vở và 39 sổ, giáo án do Công ty TNHH Lê Phước, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng, Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến miền Trung và bạn đọc Báo Đà Nẵng ủng hộ.

Hương Khê những ngày này bông lau trắng bắt đầu nở trên các triền núi. Người dân vùng lũ nhìn lên và reo mừng: “Vậy là năm nay hết bão rồi!”. Chúng tôi thầm mong mùa bão lũ sớm qua, thôi đe dọa, tàn phá đất này… Trên đường trở về, nhiều xe cứu trợ hối hả chạy ngược chiều, tiếp tục mang tấm lòng của đồng bào cả nước về với đồng bào vùng “rốn” lũ.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.