Chiếc xe chở rác rú ga từ từ hạ cần trục. Ở một góc cách đó chừng 20 mét, một đoàn người phần lớn là phụ nữ chạy ùa ra. Tay cầm cào, tay kéo lê cái sọt trên mặt đất. Có người vội đến mức không kịp mang khẩu trang hay găng tay bảo hộ. Cuộc mưu sinh của những người nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn bắt đầu.
Mỗi ngày tại bãi rác Khánh Sơn có hàng trăm người tìm đến mưu sinh. |
Mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn có hàng chục chiếc xe chở rác lui tới, mang theo hàng trăm tấn rác thải từ thành phố. Trước khi được phun hóa chất và chôn lấp, rất nhiều con người đã tìm được “miếng cơm manh áo” từ đống phế thải này. Tất nhiên, công cuộc mưu sinh cũng vất vả vô cùng, mồ hôi trộn lẫn với mùi xú uế, độc hại. “Làm nghề này ngó rứa chứ cũng sướng, thích làm khi mô thì làm, miễn sao kiếm được càng nhiều phế liệu càng tốt”, bác Nguyễn Thị Minh, 52 tuổi, cho biết. Với suy nghĩ đó nên khi màn đêm đã buông xuống từ lâu, trên bãi rác vẫn còn rất nhiều những dáng người lom khom, tỉ mẩn bên từng “núi” rác. Bác Nguyễn Sơn, 56 tuổi, một người chuyên làm vào ban đêm bộc bạch, làm đêm rất thích vì yên tĩnh lại kiếm được nhiều phế liệu, cũng không phải chịu cảnh tranh giành, cãi cọ nhau.
Nhặt phế liệu tại bãi rác Khánh Sơn được xem là một nghề chính thức của hàng trăm con người tại đây. Nhiều người đã gắn bó với bãi rác hàng chục năm nay. Những túi ni-lon, vỏ chai nhựa, kim loại… nhặt thấy đều được ví như những chiếc “phao cứu sinh” đổi lấy miếng cơm, manh áo và chắp cánh ước mơ cho từng thế hệ. Do cuộc sống khó khăn, họ tìm đến bãi rác như một sự lựa chọn cuối cùng. Thậm chí mải mê đến mức không quan tâm đến những độc hại đang tiềm ẩn quanh mình. Mang vội chiếc khẩu trang đã cũ nát và rách lỗ chỗ, chị Nguyễn Thị Dung, 35 tuổi, cho biết: Ở đây chẳng ai trang bị chi cho kỹ càng hết, nhiều người làm cả mấy chục năm cũng thấy có bị chi đâu! Nhìn đám ruồi đen kịt, bu kín từng đống rác thải với những chiếc găng tay, khẩu trang chắp vá, chẳng hiểu họ không quan tâm đến hay không nhận ra những nguy cơ bệnh tật?
Vất vả là vậy, nhưng nụ cười vẫn thường xuyên nở trên nhiều khuôn mặt chân chất. “Mình tìm kiếm hy vọng của cuộc sống, tương lai cho các con từ những thứ người ta đã vứt đi, mới thấy kiếm đồng tiền thật không dễ chút nào”, chị Huỳnh Thị Năm, 41 tuổi, tâm sự. “Tuổi” nghề của chị được bắt đầu từ khi người con trai lớn học lớp 3 và nay đã là một chàng sinh viên đang theo học năm thứ 2 tại Trường Đại học Duy Tân. Đó là điều khiến chị hạnh phúc nhất, làm động lực để gắn bó với nghề.
Thỉnh thoảng từ trong đống rác, họ còn tìm thấy những chiếc ví da với nhiều giấy tờ quan trọng. Nhiều chủ nhân của nó đã vỡ òa vui sướng khi được nhận lại toàn bộ giấy tờ tùy thân từ những bàn tay chai sần, lấm lem bụi bẩn. Điều đó như thêm một niềm vui nhỏ trong những chuỗi ngày mưu sinh trên bãi rác của nhiều người nơi đây…
Bài và ảnh: Phan Chung