.

Ăn xin biến tướng

.
Nhiều năm qua, người dân cũng như du khách khi đến Đà Nẵng khá hài lòng khi không bị bu bám bởi người ăn xin. Tuy nhiên, vấn nạn này đang có dấu hiệu quay trở lại với nhiều biến tướng tinh vi và quái chiêu hơn.
 
Vừa bán hàng vừa xin

Một anh bạn của tôi, vốn là dân nhậu “chuyên nghiệp”, đã không ít lần phàn nàn rằng: Bây giờ ngồi nhậu ở đâu cũng bị các em nhỏ bán kẹo chewing-gum làm phiền. Ban đầu chưa biết, thấy tội tội nên hay mua. Nhưng rồi đi quán nào cũng gặp. Mua thì không sao, nếu lỡ từ chối, các em sẽ đứng lỳ ra đó, có em còn mạnh bạo nói “không mua thì cho em ít tiền để em đi”. “Các em lại mời chào bán hàng mình không nói gì, chỉ có điều nhiều em “bám” dữ quá, đi nhậu nội chuyện “xử lý” với mấy em nhỏ này cũng đủ... mệt rồi”, anh bạn tôi ngán ngẩm nói.
Mô tả ảnh.
Khách đi nhậu, uống cà-phê sợ nhất sự đeo bám của nhiều em bé bán kẹo chewing-gum thế này.
Không riêng gì anh, nhiều người khi được hỏi đã tỏ thái độ bất bình khi bản thân không ít lần cũng là nạn nhân của hình thức “vừa bán vừa xin” kiểu này. Anh Nguyễn Ngọc Dũng ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ kể: “Có lần mình ngồi nhậu ở quán Quang, đang vui vẻ thì một em nhỏ chừng 6 tuổi đến mời mua chewing-gum. Mình từ chối thì bất ngờ cô bé nhảy tót lên đùi mình ngồi rồi bảo “Mua đi chú, mặt đẹp vậy mà kiết”. Ngượng quá mình đành rút tiền ra mua 1 vỉ, ai ngờ cô bé được thể làm nư, bắt mua gấp đôi mới chịu. Hôm đó vừa giận vừa tức cười nhưng cũng đành “chiều” theo nó”. Qua trò chuyện, phần lớn mọi người đều cùng quan điểm, không thích mua hàng bán dạo kiểu này vì đã không ít lần mua phải hàng giả. Nhiều lúc mua xong tặng lại cho người bán họ không thèm lấy. Nhưng với sự đeo bám và bạo dạn đến khó ngờ của những người bán hàng kiểu này khiến nhiều người “tiến thoái lưỡng nan”. 

Tuy nhiên, không chỉ những em nhỏ đi bán chewing-gum mới có hành vi “vừa bán vừa xin”. Mới tháng trước, trong một lần đi uống cà-phê với nhóm bạn tại quán Thư viện ở đường Bạch Đằng, bản thân người viết đã chứng kiến sự biến tướng tinh vi của một số người đi ăn xin. Hôm đó, giữa quán đông người, một người đàn ông khoảng chừng hơn 50 tuổi, trong bộ quần áo bạc màu đã thu hút sự chú ý của nhiều người khi biểu diễn kỹ thuật xếp hình con vật từ lá dừa. Để ý mới thấy, người đàn ông chỉ xếp mỗi con châu chấu, rồi đi mời quanh với giá 5.000 đồng/con. Không ai mua thì ngửa tay xin… tiền. Khi đến bàn chúng tôi, ông ta không cần rao hàng mà chỉ xin… tiền, rồi bỏ đi. 

Xin không được thì “cắn”

Ở những nơi công cộng, nhiều người qua lại đã thế, không ít bạn trẻ khi vào công viên hay đến những nơi có chút riêng tư còn gặp những tình huống dở khóc dở cười. Cậu bạn Đinh Huy Hoàng, SV năm 3 Trường Đại học Duy Tân đã từng có kỷ niệm “nhớ đời” với mấy em nhỏ bán hàng dạo trong một lần chở người yêu vào tâm sự tại Công viên 29-3. Hoàng kể lại: “Tụi em đang ngồi chơi thì hai em bé, một trai một gái chạy lại mời mua bánh. Vì đã mua sẵn nên em từ chối, ai ngờ cô bé tiến sát lại nhéo vào tay người yêu em khiến cô ấy thét lên, em cố gỡ tay nó ra thì cậu bé kéo em lại và bảo “Mua hàng đi rồi em thả chị ấy”.
 
Cực chẳng đã, em phải đưa cho nó 5 ngàn đồng mới chịu tha cho tụi em. Giờ nghĩ lại vẫn thấy hú hồn”. Bị nhéo tay vẫn còn nhẹ so với câu chuyện dưới đây của một đồng nghiệp tôi. Đến bây giờ cô ấy vẫn còn bức xúc khi nhớ lại lần mình ngồi uống cà-phê cóc ở đường Trần Bình Trọng, quận Hải Châu thì có một em gái chừng 13, 14 tuổi lại xin tiền. Khi cô bạn tôi rút xấp tiền trong túi ra và đang lúi húi lấy tiền để cho thì cô bé kia đột nhiên giật cả xấp tiền trên tay cô bạn tôi. Khi bạn tôi nhanh trí giữ chặt lại thì bất ngờ bị cô bé ấy cấu vào tay đến bật cả máu. Cô bạn tôi bảo hôm ấy may nhờ mọi người xung quanh đến can thiệp, không thì vừa mất tiền vừa mang họa vào thân.

Mặc dù những hiện tượng trên không diễn ra tràn lan trên địa bàn thành phố nhưng một phần nào đó đã gây bức xúc, khó chịu đối với nhiều người dân. Hơn thế, nhiều em nhỏ mới chỉ 4, 5 tuổi đã bị một số người lớn lợi dụng biến thành những người bán hàng với sự bạo dạn, tinh quái vượt quá lứa tuổi của các em. 

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.