.

Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng: Sau bức phù điêu

.
Bức phù điêu được đặt trong gian long trọng của bảo tàng, ngay từ sảnh vào, người xem sẽ ngỡ ngàng vì vẻ cổ xưa, kỳ vĩ mà rực rỡ của một công trình nghệ thuật công phu, độc đáo. Ngắm kỹ bức phù điêu, du khách càng không thể quên những trải nghiệm thú vị khi cùng chiêm nghiệm những thông điệp mang nhiều ý nghĩa về quá trình dựng nước và giữ nước từ thuở hồng hoang, về Đà Nẵng thân yêu đang bừng dậy từng ngày...
Mô tả ảnh.
Bản vẽ bức phù điêu.
Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng cho biết, bức phù điêu đậm chất mỹ thuật lấy ý tưởng “Đà Nẵng một thành phố biển đang vươn ra biển lớn” và người có công đầu trong việc kiến thiết nội dung bức phù điêu là ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Bức phù điêu được thiết kế hình vòng cung với 5 cánh buồm, miêu tả khái quát tiến trình lịch sử của đất nước đưa đến hình thành mảnh đất Đà Nẵng ngày nay.

Cụ thể, cánh buồm 1 là bức tranh đưa người xem trở về với cội nguồn đất nước từ truyền thuyết Con Rồng-Cháu Tiên đến thời các Vua Hùng dựng nước. Khắc dấu Trống đồng trên cánh buồm là biểu tượng tiêu biểu của thời kỳ văn hóa Đông Sơn rực rỡ của nền Văn minh Việt cổ. Cánh buồm 2 thể hiện non sông đất nước phương Bắc, tiêu biểu là Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến với hình ảnh Rồng bay đầy kiêu hãnh. Bên cạnh đó là Chùa Một Cột, là Quốc Tử Giám như những chứng tích đáng tự hào, đồng thời cũng là những chứng nhân trung thành trước bao thăng trầm, biến cố của lịch sử.

Cánh buồm 3 là điểm nhấn của bức phù điêu, khắc họa hình ảnh vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh lỗi lạc, đã có công lao to lớn trong hành trình mở cõi về phương Nam. Phù điêu lấy hình ảnh vua Lê Thánh Tông đang đứng trên đỉnh Hải Vân vào một đêm trăng sáng, nhìn vào xứ Đồng Long-Đà Nẵng trong lần thống lĩnh đại binh đi bình định, mở đất phương Nam (1471), đã ứng tác hai câu thơ bất hủ:

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt
Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”.
Nghĩa là:
Đêm khuya trăng rọi Đồng Long
Thuyền buôn Lộ Hạc gió canh thâu”.

Cánh buồm 4 ghi lại truyền thống anh hùng của người dân Đà Nẵng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ gìn non sông bờ cõi mà đỉnh cao là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nổi bật trên nền cánh buồm là hình ảnh tướng Nguyễn Tri Phương hùng dũng chỉ huy ba quân xông lên trong trận đầu đánh Pháp (1858-1860); kế đó là hình ảnh xe tăng tiến vào giải phóng Đà Nẵng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ trong niềm hân hoan, trong cờ hoa rực rỡ của lớp lớp đồng bào.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với cả nước, nhân dân Đà Nẵng bước vào ngày vui kiến thiết non sông, xây dựng thành phố thân yêu ngày thêm giàu đẹp. Hình ảnh thành phố Đà Nẵng thời kỳ đổi mới và phát triển là nội dung người ta có thể đọc được trong cánh buồm thứ 5. Và trung tâm là chiếc cầu quay Sông Hàn, hình ảnh đặc trưng của thành phố, là mốc đánh dấu ngày Đà Nẵng hướng ra biển lớn. Cầu Sông Hàn là thành tựu của ý Đảng, lòng dân trên đường xây dựng quê hương giàu mạnh.

Dưới chân các cánh buồm là hình những ngọn sóng được cách điệu bằng đá trắng, sản phẩm từ làng nghề truyền thống Non Nước-Ngũ Hành Sơn. Bức phù điêu là công trình mang vẻ đẹp vừa hiện đại, đồng thời cũng là kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước, của quê hương, con người Đà  Nẵng.
Bức phù điêu đang được gấp rút hoàn thành, cùng với những gian trưng bày khác, sẽ ra mắt khách tham quan trong dịp đầu năm mới.

Bài và ảnh: Trần Thanh Tân
;
.
.
.
.
.