.

Cánh cửa mới cho con nhà nghèo

.

Ngày 7-12, khóa dạy nghề 2010-2011 cho những thanh-thiếu niên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đã được khai giảng tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, mở ra cánh cửa mới cho nhiều em trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận khi không có điều kiện tới trường như bao bạn bè đồng trang lứa.

Mô tả ảnh.

Lớp học nghề tại Làng trẻ em SOS.

Khóa học kéo dài 12 tháng và được chia thành 4 lớp, các em được học các nghề cơ bản gồm điện, nước, mộc và cơ khí. Đây là dự án do Tổ chức SOS Quốc tế tài trợ với kinh phí 300 triệu đồng/năm, lần đầu tiên được triển khai tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. 20 học viên khóa đào tạo đầu tiên đến từ Đà Nẵng và các vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Nam được ăn ở, sinh hoạt và học tập miễn phí. Sau khóa học, các em sẽ được cấp chứng chỉ nghề, giới thiệu và bố trí việc làm.


Theo ông Huỳnh Bá Trúc, Giám đốc dự án Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, mục tiêu của dự án này là đào tạo những người thợ giỏi và chất lượng nên rất hạn chế về số lượng. “Mô hình “1 thầy 5 trò” hy vọng sẽ giúp các em dễ dàng học và hành có hiệu quả, đồng thời giải tỏa được những vướng mắc trong quá trình học tập”, ông Trúc cho biết. Mỗi thầy giáo như một người anh cả, ngoài giờ truyền đạt kiến thức, hướng dẫn thực hành trên lớp, các thầy còn có trách nhiệm vụ quản lý giờ giấc sinh hoạt của các em. “Các em đều đã nghỉ học từ lâu, lại quen với cuộc sống tự do nên bước đầu sẽ còn khó khăn.

Nhưng với cách quản lý này, hy vọng sẽ rèn luyện cho các em được nền nếp, tính kỷ luật từ những điều nhỏ nhất”, thầy giáo dạy bộ môn Nước dân dụng Trần Dũng Sĩ nói. Theo ông Huỳnh Bá Trúc, việc tuyển những người thợ giỏi về làm giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn vì trung tâm không đáp ứng được mức lương cho họ. Chỉ những người đồng cảm, sẻ chia và hiểu rõ được giá trị của dự án mới dám nhận lời.

Không được tiếp tục con đường đến trường vì điều kiện gia đình khó khăn, nay được bước vào ngôi trường mới, được chu cấp mọi chi phí sinh hoạt, học nghề và chắc chắn về một công việc trong tương lai nên nhiều em đã không giấu được niềm xúc động. “Em chỉ mong sớm học thành nghề để có thể ra trường đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ”, Phan Tưởng Quốc Đạt, 16 tuổi, ở Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam tâm sự. Trước khi đến đây, Đạt đã lang thang khắp Đà Nẵng gần 2 năm ròng để bán vé số kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh viêm khớp và thận cho người mẹ đau yếu đang ở quê.

“Nhằm thực hiện một cách hiệu quả dự án đã triển khai, chúng tôi đang có kế hoạch tăng cường mua sắm các trang thiết bị, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, không ngừng bổ sung kỹ năng ứng xử, giúp các em sau này vững vàng hơn trong cuộc sống, an toàn, hiệu quả trong lao động sản xuất”, ông Trúc cho hay. Trước đó, xưởng dạy nghề tại Làng SOS đã tổ chức nhiều lớp học điện, gỗ dân dụng, cơ khí… cho các em của làng này vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.


Bài và ảnh: Phan Chung

;
.
.
.
.
.