.

Cảnh giác nạn trộm cắp cuối năm

.

Trước tình trạng nạn trộm cắp tài sản tại các khu dân cư, nhà trọ đang diễn biến khá phức tạp, gây lo lắng, bất an cho nhân dân, đòi hỏi ngành Công an phải vào cuộc quyết liệt.

Mô tả ảnh.
Thời gian gần đây, các khu nhà dân, nhà trọ sinh viên thường xuyên bị trộm “ghé thăm”.

“Đạo chích” hoành hành…

Cuối năm 2010, chúng tôi có dịp đi thực tế tại các khu dân cư, nhà trọ và nghe rất nhiều người dân phàn nàn về trình tạng trộm cắp hiện nay. Bà Nguyễn Thị V. (trú tổ 25, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, thời gian gần đây, trộm cắp diễn ra khá mạnh; bọn tội phạm hết sức liều lĩnh, khi bị phát hiện thì lên xe phóng bạt mạng, gây nguy hiểm cho người khác. Bà V. cho biết, cách đây khoảng một tuần, một phụ nữ dựng xe trước cửa nhà bà đã bị hai thanh niên bẻ khóa dắt đi.

Bị bà phát hiện tri hô, bọn chúng bỏ chạy. Bà Trần Th. cũng như nhiều người dân trú đường An Thượng 12 (phường Mỹ An) cho biết, tình hình an ninh khu vực này rất phức tạp, nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên. Người dân chỉ sơ hở là mất của như chơi. Điều đáng lo lắng là trong khu vực, một số thanh niên ăn chơi, đua đòi, trộm cắp, chích hút nhưng tính tình rất hung dữ nên không ai dám  hé răng báo cáo chính quyền…   

Nguyễn Thị Hồng Loan (sinh viên Trường ĐH Kinh tế) thuê trọ tại đường Phước Mỹ 3, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà gặp chúng tôi  than thở: Em thuê trọ trong nhà dân, bà chủ cho ở tầng 3 tưởng đâu được an toàn. Vậy mà cách đây không lâu, trộm leo lên từ cửa ban công, đột nhập vào phòng lấy đi máy tính xách tay, điện thoại di động và cả tiền nộp học phí. Sợ quá nên bọn em chuyển về phường Mỹ An, nhưng ngày nào cũng lo ngay ngáy nạn trộm cắp. Có chiếc xe máy bố mẹ mua cho để làm phương tiện đi lại nên lúc nào, làm gì cũng phải để mắt tới, sơ hở là mất khi nào không hay.

Một số sinh viên Trường ĐHSP trú tại một kiệt nhỏ trên đường Phạm Như Xương (Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết họ cũng thường xuyên bị trộm cắp. Có nhiều em mỗi tháng bị mất 2 đến 3 lần. Hay vợ chồng anh Bùi Ngọc Phi, tạm trú khu vực phía sau Trường ĐHBK (quận Liên Chiểu) ban đêm bị kẻ trộm cạy cửa lẻn vào lấy dàn máy vi tính cùng 2 chiếc điện thoại di động và tiền bạc. Vợ chồng anh Lê Thanh Trường, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu chỉ trong một thời gian ngắn cũng bị trộm đột nhập 2 lần lên tầng 3 lấy máy tính xách tay, điện thoại di động, trị giá hơn 40 triệu đồng…

Không chỉ có những địa bàn kể trên mà đa số các khu dân cư, nhà trọ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bọn trộm hoạt động hết sức phức tạp và liều lĩnh. Chúng thường đi theo nhóm để cảnh giác cho nhau. Mỗi khi bị phát hiện, chúng dễ dàng hỗ trợ để cùng tẩu thoát.

Cần cảnh giác!

Theo số liệu thống kê của Công an thành phố Đà Nẵng, năm 2010, toàn thành phố xảy ra 364 vụ trộm cắp tài sản (tăng 58 vụ so với cùng kỳ); địa bàn bị trộm nhiều nhất là các khu dân cư, nhà trọ. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức cảnh giác của người dân trong việc bảo vệ tài sản chưa tốt. Bên cạnh đó, nhiều dãy nhà trọ sinh viên cửa ngõ rất sơ sài, tạo điều kiện cho bọn trộm cắp hoành hành.

Trước vấn nạn này, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn các khu dân cư, kiểm soát, nắm chắc các đối tượng hình sự nổi, thanh - thiếu niên hư, tù tha về để có biện pháp xử lý; tổ chức lực lượng điều tra, khám phá các vụ trộm xảy ra ở địa bàn khu dân cư. Các lực lượng Công an xã, phường phối hợp với các lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở tổ chức tuần tra, mật phục, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn và khu dân cư phức tạp. Các đơn vị Cảnh sát 113, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát chống cướp giật và các loại tội phạm khác tăng cường tuần tra, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Đình Chính, điều cốt lõi để giảm tình trạng trộm cắp tài sản là người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của chính mình. Đồng thời phải có thái độ tấn công tội phạm quyết liệt, không ngần ngại. Làm được như vậy, tình hình tội phạm sẽ giảm đáng kể, góp phần ổn định, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, nhân dân yên tâm lao động sản xuất.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.