.

Cầu vượt cho người đi bộ: Tại sao không?

.
Cầu vượt qua đường dành cho người đi bộ là cách tổ chức giao thông rất phổ biến ở những nước phát triển, vì có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng đến tốc độ các phương tiện trên đường và bảo đảm an toàn cho người đi qua đường. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... thực hiện rất thành công. Đây là mô hình mà Đà Nẵng dư sức thực hiện.
Mô tả ảnh.

Nếu có cầu vượt, người đi bộ qua đường sẽ an toàn hơn.

 
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố những năm gần đây, số vụ TNGT với người đi bộ khi băng qua đường có xu hướng tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt 11 tháng của năm 2010, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 vụ TNGT do các phương tiện lưu thông trên đường va vào người đi bộ băng qua đường. Trong số này có đến 20 vụ TNGT do mô-tô gây ra, làm chết 13 người và bị thương 12 người; 2 trường hợp do ô-tô tông chết.
 
Điều đáng lưu ý là các trục đường lớn có dải phân cách lại thường xảy ra TNGT khi người đi bộ băng qua đường. Điển hình như đường Điện Biên Phủ từ đầu năm đến nay đã xảy ra 3 vụ TNGT, làm chết 1 người, bị thương 3 người; đường Tôn Đức Thắng 2 vụ, làm chết 2 người; quốc lộ 14B 2 vụ, 1 người chết, 1 người bị thương; đường 2 Tháng 9 xảy ra 2 vụ TNGT, 2 người chết và 2 người bị thương… Ngoài ra, những tuyến đường trung tâm thành phố, nơi có mật độ lưu thông cao như Hùng Vương, Đống Đa… cũng xảy ra TNGT cho người đi bộ băng qua đường.

Qua phân tích các vụ TNGT trên đều chung nguyên nhân là người đi bộ khi băng qua đường không quan sát, trong khi người điều khiển phương tiện đi với tốc độ quá nhanh, khi có sự cố thì không xử lý kịp.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố, đã nhiều lần đến các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia và mới đây là Trung Quốc để tìm hiểu về tổ chức giao thông, tỏ ra rất tâm đắc với ý tưởng Đà Nẵng nên xây dựng các cầu vượt dành cho người đi bộ. Theo ông Cường, ở các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Trung Quốc, các trục đường có mật độ giao thông cao, tất cả đều có cầu vượt dành cho người đi bộ. Thậm chí ở khu vực trung tâm, buôn bán sầm uất thì cứ khoảng vài trăm mét lại có một cầu vượt dành cho người đi bộ. Chính vì vậy, dù mật độ các phương tiện lưu thông trên đường rất cao, người đi bộ trên các vỉa hè rất đông, thế nhưng không có chuyện ùn tắc giao thông do người đi bộ “cắt” đường, đặc biệt là gần như không có TNGT khi người đi bộ qua đường.
Mô tả ảnh.

Cầu vượt qua đường dành cho người đi bộ tại thủ đô Bắc Kinh -Trung Quốc. (Ảnh do ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cung cấp).


Về mặt kỹ thuật, việc xây dựng các cầu vượt cũng khá đơn giản, ít kinh phí và nhất là không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh các hộ ở mặt tiền các con phố. Với kết cấu bằng thép, có chiều cao so với mặt đường khoảng 4,5 mét, chiều rộng từ 1,5 - 2 mét, ở hai đầu dẫn lên cầu vượt được chia thành nhánh chữ T (một nhánh dành cho người đi lên cầu, một nhánh dành cho người đi xuống vỉa hè), rất thuận lợi cho người đi đường.

Theo chúng tôi, Đà Nẵng nên mạnh dạn thí điểm xây dựng cầu vượt ở một số vị trí thường xảy ra TNGT như đường Điện Biên Phủ, điểm trước Siêu thị Co.op Mart; đường Nguyễn Lương Bằng, điểm trước Trường Đại học Bách khoa. Đây là những nơi người đi bộ qua đường hay bị TNGT và là những nơi có lượng người đi qua lại hai bên đường rất cao. Đặc biệt, tại những vị trí này, vỉa hè tương đối rộng, việc xây dựng đường dẫn lên cầu vượt không ảnh hưởng lớn đến phần vỉa hè dành cho người đi bộ hoặc buôn bán.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.