.

Hãy rộng mở lòng bao dung

.

Đó không chỉ là khẩu hiệu mà từ nhiều năm nay, nó đã trở thành phương châm hành động của Trường Giáo dưỡng số 3 (Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng). Ở  nơi ấy,  những con người từng một thời lầm lỗi đã thực sự được làm người, được hoàn lương và trở về với cộng đồng.

Mô tả ảnh.

Các học viên tham gia lao động tại trường.

Trường Giáo dưỡng số 3 là nơi tiếp nhận quản lý, giáo dục và nuôi dưỡng các đối tượng vị thành niên làm trái pháp luật như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp, đua xe trái phép, gây án... với độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi, nhưng chưa đến mức phải xử lý theo Bộ luật Hình sự. Ở đây, các em được quản lý nghiêm ngặt từ việc đi lại, ăn ở, lao động và bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Trương Bá Liêm, quê ở Phú Yên, vào Trường Giáo dưỡng được 12 tháng tâm sự: “Trước đây em rất bướng bỉnh, chỉ vì ham chơi game, mà em cãi lời ba mẹ, rồi nghe bạn xấu rủ rê đi trộm cắp để lấy tiền tiêu xài và rồi được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 3 này. Vào đây, với môi trường trong sạch, lao động hợp lý, đặc biệt là sự tận tâm của cán bộ đã giúp em có nghị lực sống, muốn làm lại cuộc đời. Hiện em không còn nghiện game nữa và không còn nghĩ đến nó”. 

Ông Phạm Văn Giới, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 3 cho biết: Hằng năm, trại đều tổ chức cho các em học văn hóa, học nghề như xây dựng, cơ khí, hàn gò, sơn nước, sửa chữa xe máy, điện tử, điện dân dụng, cắt tóc, may mặc... Ngoài thời gian học văn hóa và học nghề, trại còn tổ chức cho các em lao động cải thiện...  Qua đó, dần dần làm cho các em có sự chuyển biến về nhận thức và làm thay đổi hành vi. Đây là hướng mở giúp các em ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng sau này. Hiện trại đang quản lý 700 em, phần lớn là những đối tượng có một quá trình sai phạm nhiều lần, nhiều em bỏ học văn hóa, tái mù chữ, sống buông thả và không nghe lời dạy bảo của cha mẹ.

Cũng theo ông Giới, ở trường các học viên được phân thành nhóm đối tượng để dễ theo dõi quản lý, giáo dục: Nhóm mới vào, nhóm ổn định và nhóm chuẩn bị hết hạn. Các nhóm đối tượng này đều được kết hợp giữa việc học tập và lao động sản xuất, với phương châm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nhằm giúp đối tượng nhìn nhận lại bản thân, thấy được những mặt tích cực trong xã hội để từng bước thay đổi hành vi, lối sống, trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội. Qua sự phân loại đó để đưa ra những phương pháp giúp đỡ, giáo dục phù hợp. Nhờ thế, qua nhiều lần tiếp nhận và giáo dục, phần lớn các em ra trại đã trở lại con đường lương thiện, nhiều em có việc làm ổn định, một số em đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà doanh nghiệp... Gần 48% số em rời trường sử dụng các kiến thức học nghề ở trường để kiếm sống, số ra trường tái phạm  chỉ chiếm 14,2%...

Trường Giáo dưỡng số 3 chính là ngôi nhà chung cho những mảnh đời một thời lầm lỡ tìm lại được cuộc sống của mình. Để những đối tượng này không tái phạm, trở thành những công dân có ích, thì ngay chính trong mỗi gia đình và xã hội hãy rộng mở lòng bao dung, đón nhận các em, giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống ngày một phát triển này.

Bài và ảnh: Kim Oanh

;
.
.
.
.
.