.

Hẻm, kiệt Đà thành: Những góc khuất - Bài 2: Ở - đi đâu dễ?

.
Nhiều người dân Đà Nẵng khi được hỏi đều khẳng định, họ rất thích có nhà ở nội thành, đi làm gần và cũng thuận cho việc gửi con vào học trong các trường điểm. Tuy nhiên, có ở lâu dài trong các kiệt, hẻm mới thấm hết nỗi khổ của “dân trong kiệt”.

Mô tả ảnh.
Vì mưu sinh, nhiều người đành chấp nhận ở trong những hẻm chật chội như thế này.
 
Phận nhà thành phố

Nếu không rành đường, khi vào sâu trong các kiệt, hẻm, người đi đường sẽ khó tìm lối ra. Một kiệt không chỉ chạy thẳng mà tỏa ra nhiều hướng bao quanh, chật chội, vòng vèo. Sự chật chội đó còn xuất hiện trong những căn nhà ít có ánh nắng mặt trời. Cô Hương, nhà trong kiệt 241 Lê Duẩn nói: “Tôi biết, ở thành phố mà phơi đồ (quần áo -PV) ra đường đi là mất mỹ quan, nhưng nhà tới chục người không có chỗ phơi đồ, giặt xong để miết chẳng khô nên đành phải làm liều mang ra đường phơi. Ông tổ trưởng nhắc hoài nhưng đâu ai hiểu hoàn cảnh của tôi…”.
 
Mặc dù ở khu vực nội thành, nhưng nhiều kiệt, hẻm vẫn chưa có hệ thống điện chiếu sáng, chuyện ban đêm dựng xe ngoài đường bị mất như cơm bữa. Anh T.M.T (nhà ở Huế), có 2 con học ĐH ở Đà Nẵng cho biết: Gặp người bạn môi giới, vợ chồng anh tìm được một căn nhà nhỏ trên 40m2 trong một con hẻm trên đường Lê Duẩn thông với đường Hùng Vương, với giá tương đối rẻ so với một nhà ở trung tâm thành phố. Tuy vậy, anh không khỏi lo lắng: “Mua được nhà là tốt rồi nhưng hẻm vào nhà nhỏ và tối quá. Đi làm về là tôi phải dắt xe vào nhà ngay tức khắc, chứ không là mất liền”.
 
Với nhiều lý do khiến người dân quyết bám trụ ở trong các kiệt siêu nhỏ là vì đối với bộ phận người lao động nghèo làm nghề xe ôm, buôn bán lặt vặt ở những khu vực đông người, họ không có đủ số tiền lớn để mua nhà rộng rãi. Là người bán hàng rong lâu năm ở chợ Cồn, chị Thương (chồng làm nghề xe ôm trước bãi giữ xe đường Ông Ích Khiêm) thừa nhận: “Nghèo thì cũng nghèo rồi nên không dám mơ ở nhà lớn. Hai vợ chồng với 4 đứa con tôi giờ chỉ biết ở vậy, chứ ban ngày cả nhà đi hết, tối mới về kiếm chỗ ngả lưng thì sao cũng được. Thôi kệ, miễn sao ở trung tâm con cái đi học gần”.

Phía sau những con đường lớn Lê Duẩn, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Diệu… với những dãy nhà cao tầng khang trang, phố xá sầm uất, là những căn hộ chật hẹp, những con hẻm ngoằn ngoèo, nhếch nhác. Những gia đình có nhiều thế hệ ở lâu đời trong các kiệt, hẻm cam chịu chung sống đời đời trong đó và mong chờ sự thay đổi nào đó trong quá trình chỉnh trang đô thị. Song, người có điều kiện tìm cách thoát khỏi những con hẻm bằng những cuộc mua bán thay tên đổi chủ cũng chưa chắc dễ. Anh Dũng, một công chức sống độc thân ở Đà Nẵng.
 
Vừa qua, anh được gia đình hỗ trợ, mua được căn nhà ở trên đường Hải Phòng. Nhà 2 mê hẳn hoi nhưng tổng diện tích chưa tới 40m2, bề ngang căn nhà chưa được 2,5m, sân lại chung với 5 nhà khác. Anh quyết định bán để mua lại căn khác. Được các “cò nhà” thổi phồng giá trị của căn nhà: trung tâm thành phố, gần trường học, bệnh viện… với giá bán 380 triệu đồng. Anh Dũng than thở, phải mất hơn một tháng đưa tin, rất nhiều người đến xem, cuối cùng mới bán được. Trước đây sống độc thân, nhà nhỏ một chút cũng không sao, giờ có gia đình rồi mà sống kiểu này chắc ngộp thở mất”.

Phải thừa nhận, nhà trong hẻm, kiệt hiện nay không dễ bán nếu không nhờ bàn tay “phù phép” của các  “cò” nhà. Thoạt mới nghe, nhà ở trung tâm thành phố, gần trường học, bệnh viện, diện tích dưới 70m2, giá khoảng chừng 500 – 700 triệu, ai cũng hăm hở muốn mua vì giá hợp lý. Thế nhưng khi đến tận mắt chứng kiến những ngôi nhà được quảng cáo ấy mới hiểu: Nhà ở trung tâm thành phố mà giá đó thì chỉ có chất lượng như vậy. Anh Chí, người thường xuyên “dạo nhà”, “dạo đất” cho biết: Quảng cáo kiệt 4m nhưng thực tế chỉ  khoảng 2,5m hoặc giới thiệu nhà ở kiệt, nhưng phải qua thêm vài con hẻm. Quảng cáo nhà cấp 4, mới xây, tiện nghi đầy đủ thì chỉ là những ngôi nhà vừa mới được sơn sửa tân trang lại. Quảng cáo diện tích 50m2 cũng đừng vội mừng vì có khi diện tích đất chỉ có một nửa…

Giải tỏa kiệt, hẻm: Chuyện tính dần dần

Trước thực trạng địa bàn phường có nhiều kiệt hẻm, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho rằng: Ở đô thị, chuyện hẻm, kiệt chật hẹp là bình thường, nhưng để giải được bài toán chỗ ở cho dân, nới rộng kiệt hẻm không phải là chuyện một sớm một chiều. Cho dù Nhà nước và nhân dân cùng làm thì cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi những căn nhà vốn đã nhỏ hẹp, lại đông nhân khẩu, nếu muốn mở rộng kiệt thì phải thu hẹp diện tích nhà, phải bố trí cho dân đến nơi ở mới. Nếu giải tỏa dân thì ai đi, ai ở cũng gây ra nhiều bức xúc bởi các gia đình ở đây sống qua nhiều thế hệ rồi.
 
Cho nên, trước mắt, phường cùng với các tổ dân phố chỉ có thể phối hợp làm tốt công tác trật tự đô thị, bảo đảm cuộc sống của người dân trên địa bàn. Không chỉ kiệt, hẻm nội thành phức tạp, ở khu vực xa thành phố, những “đường luồng” trong khu dân cư cũng gây ra nhiều bức xúc. Mang tiếng là khối phố, nhưng các kiệt, hẻm thuộc Chơn Tâm 2 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) do không được đầu tư hệ thống thoát nước nên từ chục năm nay, tình trạng ngập cục bộ diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho sinh hoạt người dân. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải giải quyết nhanh chóng những phản ánh chính đáng của dân.

Qua các kỳ họp HĐND thành phố, cử tri đã nêu lên nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có việc giải quyết tình trạng kiệt, hẻm quá nhỏ, thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng… Với tình trạng “phố không đèn” ở một số tuyến đường kiệt, hẻm nội thành, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng cho hay: Đơn vị đang triển khai lắp thử nghiệm bóng đèn LED công nghệ Nano vừa tiết kiệm điện, vừa đáp ứng được nhu cầu trong sinh hoạt của người dân. Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, cùng với kế hoạch chỉnh trang dần dần, lãnh đạo thành phố tính tới việc giao các ban, ngành lập bản quy hoạch sơ đồ, mạng lưới khu dân cư. Khó khăn trước mắt khó có thể nói hết, song ai cũng hiểu, đó là chuyện lâu dài chứ không thể giải quyết một sớm một chiều nếu chưa có nguồn kinh phí để đầu tư.

 Bài và ảnh: Duyên Anh– Hoàng Hằng
;
.
.
.
.
.