.

Kết nối để yêu thương

.
Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, không phân biệt màu da, quốc tịch hay ngôn ngữ, chỉ bằng trái tim nhiệt tình của tuổi trẻ, họ đã đến để cảm nhận và chia sẻ trước mất mát, thiệt thòi của những mảnh đời bất hạnh tại các trung tâm từ thiện, nuôi dạy trẻ mồ côi… thành phố Đà Nẵng.
 
Đi, đến và cảm nhận
 
Mô tả ảnh.
Carthyn đã khóc khi chứng kiến những em nhỏ như thế này bị bỏ rơi.
 
Bốn tháng nay, chàng sinh viên Max Hazel Time (20 tuổi, Mỹ) đã quen với công việc của một thầy giáo dạy vẽ tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Đà Nẵng (283 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn). Mặc dù 7 giờ lớp học mới bắt đầu, nhưng từ 6 giờ Max cùng hai bạn tình nguyện viên khác đến từ New Zealand đã có mặt để cùng nhân viên trung tâm giúp các em ăn sáng, dọn phòng và chuẩn bị trang phục đến lớp. Hằng ngày, trong căn phòng nhỏ của lớp học, Max tận tụy hướng dẫn gần 10 em nhỏ học vẽ, đọc, viết và hát tiếng Anh. Học trò của anh có đến hơn 2/3 em bị khuyết tật vận động, động kinh, chậm phát triển về trí tuệ...
 
Nhưng chính bằng sự kiên nhẫn của mình, Max đã giúp các em dần cảm nhận được những gì anh đang dạy. Max nói: “Tôi đã từng nhìn thấy nhiều em nhỏ trên thế giới phải sống trong nghèo khổ và gánh chịu những nỗi đau mất mát từ tâm hồn đến thể xác. Tôi bị ám ảnh bởi những điều đó và muốn được chia sẻ phần nào với nỗi đau của các em, giúp các em hòa nhập với xã hội”. Được biết, Max đã từng đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam rất nhiều lần và mãi đến tháng 7-2010, ước nguyện này của anh mới trở thành hiện thực.
 
Đến Đà Nẵng, lần đầu tiên được đứng trên bục giảng với vai trò của một người thầy, trong mắt Max, học trò của anh rất hồn nhiên và đặc biệt khéo tay. Một điều khá thú vị về Max đó là bạn gái của anh cũng là người Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà ngoài giờ học, Max cho biết anh rất thích học tiếng Việt.
Không như Max, đến với Đà Nẵng từ khát khao chia sẻ và bởi sợi dây gắn bó vô hình nào đó, cô bạn Carthyn (21 tuổi, đến từ Australia) lại háo hức thực hiện hành trình của mình khi được bạn bè đi trước kể về những trải nghiệm thú vị trên đất nước Việt Nam. Carthyn hiện là tình nguyện viên tại Trung tâm Nuôi dưỡng cô nhi của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng (đường Quang Trung). Cô chia sẻ: “Những ngày đầu mới đến Đà Nẵng, tôi dành thời gian cho việc đi tham quan thành phố, nhưng khi được dẫn đến đây, tôi chỉ muốn ở lại để chăm sóc các em nhỏ”.
 
Nhân viên trong trung tâm kể lại rằng, Carthyn đã bật khóc khi nhìn thấy các em bé bị bỏ rơi khi chưa đến một tuổi. Hơn 2 tuần nay, ngày nào cô cũng đến giúp cho các em nhỏ này bú bình, thay tã và ru ngủ. Thời gian rảnh, Carthyn còn tham gia dạy tiếng Anh cho các em là nạn nhân chất độc da cam ở đây. 
 
Chúng tôi tình nguyện
 
Mô tả ảnh.
Max luôn yêu thích công việc của một người “thầy” tại Trung tâm hướng nghiệp từ thiện thành phố Đà Nẵng.
 
Để tham gia vào các chuyến đi tình nguyện thế này, các tình nguyện viên như Max, Carthyn phải chịu tất cả mọi khoản chi phí (khoảng 650-700 USD) với thời gian từ 1-2 tháng. Khi đến Đà Nẵng, họ sẽ được điều phối về làm việc tình nguyện tại các trung tâm từ thiện, bảo trợ xã hội của thành phố. Được biết, nhiều bạn tình nguyện viên sau khi về nước đã kêu gọi bạn bè và người thân quyên góp ủng hộ nhằm góp phần giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh tại các trung tâm, cơ sở từ thiện.
 
Anh Phạm Văn Tuấn, điều phối viên của Tổ chức Tình nguyện viên toàn cầu tại Đà Nẵng cho biết, ngày càng có nhiều bạn trẻ ở nước ngoài đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Trung bình một tháng, trung tâm tại Đà Nẵng tiếp nhận từ 7-10 tình nguyện viên như thế này. Ngoài thời gian làm việc tại các điểm được điều phối, các bạn có hai ngày nghỉ vào thứ bảy và chủ nhật. Đây chính là thời gian họ dành để đi tham quan, tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng nhận xét: “Trung tâm chúng tôi là nơi thường xuyên đón nhận các bạn tình nguyện viên nước ngoài đến làm việc. Họ rất kỷ luật, không từ chối bất cứ công việc nào nếu làm được. Sự có mặt của những bạn trẻ này đã đem lại không khí vui vẻ và thân thiện cho các em nhỏ ở trung tâm”.
 
Chỉ với tinh thần tình nguyện, những bạn trẻ như Max, Carthyn và nhiều người khác đã và đang dùng chính tình yêu thương và sự gần gũi để kết nối hàng triệu trái tim với nhau, dù có những khác biệt về màu da, sắc tộc và ngôn ngữ.
 
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
;
.
.
.
.
.