.

Khi người lái đò rời bến Đò Xu

.
Ngay sau khi cầu Hòa Xuân bắc qua sông Cẩm Lệ được thông xe (30-4-2010), cũng là lúc những người lái đò trên bến đò ngang Đò Xu chấm dứt nghề cha truyền con nối để bắt đầu một cuộc sống khác. Ngoài những người đã tự tìm cho mình một nghề mới thì vẫn còn không ít người lái đò gặp khó khăn vì thất nghiệp...
 
Bỏ đò, bỏ bến,bỏ dòng sông
 
Mô tả ảnh.
Ông Hồ Văn Thuận ngậm ngùi chỉ cho chúng tôi chiếc đò máy của mình đang phủ đầy đất và bùn.
Bỏ dở công việc chạy xe ôm bằng chiếc xe máy cà tàng, ông Hồ Văn Thuận dẫn chúng tôi đến bến Đò Xu và chỉ chiếc đò máy gắn bó với hai vợ chồng ông từ trước ngày giải phóng đang phủ đầy đất và bùn. Ông Thuận cho biết, sau khi cầu Hòa Xuân thông xe, ông để đò dìm nước tới bây giờ. Hồi trước giải phóng, ông Thuận mua chiếc đò này với giá khoảng từ 15-16 cây vàng thì bây giờ chỉ bán được trên dưới 4 triệu đồng nhưng cũng chẳng ai mua. Nếu sửa chữa, đóng mới để làm thuyền đi biển thì phải mất thêm 100 triệu đồng, nhưng ông không có đủ số vốn lớn như vậy. Ông đành ngậm ngùi bỏ con đò gắn bó cuộc đời mình hàng mấy chục năm nằm phơi mưa, phơi nắng.
 
Cùng hoàn cảnh với ông Thuận, ông Huỳnh Ngọc Thu cũng hành nghề lái đò từ những ngày đầu mới giải phóng. Ông Thu cho biết, lúc chưa có cầu Hòa Xuân, cả gia đình ông đều sống nhờ vào thu nhập từ việc chở khách qua sông. Ngoài thời gian chạy đò từ 5 giờ tới 17 giờ, ông còn cho 2 hộ khác lái phụ vào các thời gian còn lại. Mỗi ngày, ông kiếm được 500 nghìn đồng đủ nuôi sống gia đình và tạo điều kiện công ăn việc làm cho hai hộ khác. Tuy nhiên, bây giờ ông và con trai của ông cũng đang trong tình trạng thất nghiệp.

Ông Ngô Văn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ thì trước khi  xây cầu Hòa Xuân, có 11 hộ hành nghề lái đò qua bến Đò Xu. Có 3 chuyến chạy vào ban ngày và 7 chuyến chèo vào ban đêm để chở người dân ở Trung Lương, Cẩm Chánh... (Hòa Xuân) qua trung tâm thành phố và ngược lại. Các chủ đò thường chạy từ 5 giờ đến 17 giờ và giao lại cho người chạy phụ vào thời gian còn lại.
 
Trung bình mỗi ngày, chủ đò chính kiếm được từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng, thậm chí lên đến 1 triệu đồng vào các ngày lễ, Tết. Số tiền này được chia bớt cho người chạy phụ. Tuy nhiên, sau khi có cầu Hòa Xuân, các hộ hành nghề lái đò đều rơi vào tình trạng thất nghiệp, gia đình gặp khó khăn.
 
Mong có một nghề ổn định
 
Mô tả ảnh.
Ông Huỳnh Ngọc Thu cho chúng tôi xem giấy chứng nhận đăng ký tàu sông của các hộ hành nghề lái đò vào năm 1995 mà họ vẫn còn giữ.
Do trước đây chủ yếu “bán mặt cho sông, bán lưng cho trời” nên bây giờ ngoài việc lái đò, những người này chẳng biết làm nghề gì khác tốt hơn để mưu sinh. Ông Hồ Văn Thuận chia sẻ, hiện nay để nuôi 6 miệng ăn, ông phải hành nghề xe ôm nhưng thu nhập thất thường: Có ngày kiếm được 30-40 nghìn đồng nhưng cũng có ngày chẳng có đồng nào. Ông Thuận mong muốn được thành phố hỗ trợ tiền hoặc vay vốn sắm chiếc xe máy tốt hơn để hành nghề xe ôm. Hoặc được thành phố giúp đỡ, tạo điều kiện cho con em học nghề để chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam xác nhận, trước đây, những người lái đò cũng đã làm tờ trình với UBND phường đề nghị quận Hải Châu hỗ trợ, giúp đỡ chuyển đổi nghề. Phần lớn những người hành nghề lái đò đều già yếu và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hiện nay, phường đang rà soát lại con số cụ thể các hộ hành nghề lái đò trên bến sông này. 
 
Theo ông Hưng, việc giúp đỡ các hộ hành nghề lái đò là chính đáng vì họ đang gặp khó khăn về chuyển đổi nghề. Vì vậy, rất mong chính quyền địa phương có những hỗ trợ thích hợp để t­ạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định.

Bài và ảnh: GIA HUY
;
.
.
.
.
.