.

Khi những chàng trai tự “mổ xẻ” chính mình

.

Lần đầu tiên những người cha, người chồng trong tương lai có cơ hội ngồi lại với nhau để chia sẻ và nhìn nhận một cách thẳng thắn vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ).

Từ những kỷ niệm không ngọt ngào...

Mô tả ảnh.

Những chàng trai này đã thẳng thắn chỉ ra trách nhiệm của nam giới trong việc phòng, chống nạn BLGĐ. TRONG ẢNH: Một buổi sinh hoạt của CLB “Bạn và tôi”, trường Đại học TDTT Đà Nẵng.

Hơn một tháng nay, cậu bạn Hồ Đắc Ân, SV năm 4 khoa Điền kinh, Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng thấy mình trở nên đằm tính hơn với mọi người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ khi có bạn nữ nhờ vả. Sự tiến bộ đó bắt đầu từ khi Ân tham gia sinh hoạt trong CLB “Bạn và tôi”. CLB có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn các nam thanh niên hiểu và hành động để phòng, chống BLGĐ. Ân kể, cậu sinh ra trong một gia đình khá hạnh phúc, nhưng từ khi anh trai lấy vợ, Ân bị ám ảnh bởi những trận cãi vã, đánh nhau giữa anh trai và chị dâu mỗi khi anh trai Ân uống rượu say. Không ít lần chính Ân đã phải chở chị dâu vào viện vì bị anh trai đánh ngất xỉu. Nỗi buồn khắc sâu trong lòng Ân khi kể về điều này. Ân bảo: “Em không hiểu vì sao bình thường anh trai em rất dễ thương và khá chiều vợ, nhưng khi uống rượu vào anh ấy lại hung dữ như vậy. Mỗi lần anh trai đánh chị dâu, em vừa giận vừa xấu hổ với hàng xóm”. Câu hỏi: Vì sao anh trai hay đánh vợ đã ám ảnh Ân suốt một thời gian dài.

Khác với vẻ hoạt bát của các thành viên trong CLB, bạn Nguyễn Ngọc Anh khá trầm lặng. Tuần trước khi Ngọc Anh lần đầu tiên tự tin, dũng cảm chia sẻ câu chuyện về gia đình không hạnh phúc của mình đã khiến mọi người xúc động. Cậu đã rơi nước mắt khi nhớ lại khoảng thời gian cha mẹ thường xuyên cãi vã và đánh nhau. Những lần như vậy, Ngọc Anh và em gái không thể học bài, chỉ biết ngồi canh ở cầu thang để nếu cha mẹ có đánh nhau thì kịp thời có mặt. “Cha đánh rất mạnh. Mỗi lần thấy mẹ bị cha đánh đến thâm tím cả người, em đau khổ lắm”, Ngọc Anh nghẹn ngào nhớ lại.

Từ những câu chuyện của bản thân, những đoạn kịch ngắn được các thành viên CLB dàn dựng, các bạn đã cùng nhau phân tích, mổ xẻ và nhận ra rằng, nam giới là nhân tố chính trong việc để xảy ra BLGĐ. Và cũng hiểu chính những ký ức không hạnh phúc trong gia đình sẽ luôn bám sâu vào tâm trí của người con sau này.  

 Mình là đàn ông…

Nhờ tham gia vào CLB, nhiều nam sinh đã lần đầu tiên làm quen, hiểu được khái niệm về giới, bình đẳng giới, BLGĐ, cách phòng chống BLGĐ, học cách kìm nén sự tức giận. Chỉ qua 5 tuần sinh hoạt cùng CLB “Bình đẳng giới và Phòng chống BLGĐ”, em Võ Tấn Sĩ, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đã có nhận xét một cách sâu sắc rằng, nam giới là nguyên nhân chính của BLGĐ, vì vậy họ phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc giải quyết vấn nạn này. Những lời nói, hành động giận dữ, thiếu thân thiện với bạn bè xung quanh cũng chính là mầm mống của thói quen BLGĐ sau này. Tuy nhiên, nhiều bạn cũng chia sẻ rằng, họ sợ nhất là những áp lực về sự thành công, giỏi giang, thông minh mà mọi người hay áp đặt cho nam giới. Trong mắt các bạn, quan niệm một người đàn ông tốt cần nhất 3 yếu tố: có trách nhiệm, yêu thương gia đình và tâm lý với con cái.  

Việc đưa vào hoạt động các CLB phòng chống BLGĐ như thế này, không chỉ giúp nam sinh sớm nhận thức được nạn BLGĐ mà còn góp phần định hướng cho các em lối cư xử văn hóa, hòa nhã, hạn chế phần nào nạn bạo lực học đường. Anh Phan Thành Nam, Chủ nhiệm CLB “Bạn và tôi” Trường Đại học TDTT Đà Nẵng nói: “Việc thành lập CLB là cần thiết. Với môi trường sinh hoạt thân thiện, cởi mở đã giúp các bạn nam sinh tự tin chia sẻ, giao tiếp, bày tỏ chính kiến của mình. Quan trọng hơn, các em tập thói quen giải tỏa những bức xúc trong lòng nhằm hạn chế việc cảm xúc bị ức chế dễ dẫn đến những sự bộc phát giận dữ có hại. CLB của chúng tôi sinh hoạt vào thứ ba hằng tuần và rất xem trọng nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối bí mật của từng cá nhân khi họ chia sẻ nên số lượng thành viên tham gia ngày càng nhiều”. 

Bài và ảnh: Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.