Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904, tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã qua đời ngày 10-12 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 107 tuổi. Linh cữu của mẹ đã được đưa về nhà riêng tại Quảng Nam. Lễ viếng được tổ chức từ 19 giờ cùng ngày. Lễ truy điệu mẹ Thứ sẽ được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lúc 8 giờ ngày 14-12, di quan lúc 9 giờ cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền trong một lần thăm mẹ Thứ. Ảnh: THÀNH LỘC |
Cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh. Nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng là người thực hiện công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ, được khởi công từ ngày 27-7-2009 tại Núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Nhà điêu khắc, họa sĩ Đinh Gia Thắng - tác giả quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (lấy nguyên mẫu chân dung Mẹ Nguyễn Thị Thứ), người thường xuyên ân cần, gắn bó cùng mẹ Thứ từ nhiều năm nay cho hay, bệnh tình mẹ chuyển biến nặng từ khoảng một tuần trước đó, và được gia đình đưa vào Bệnh viện C (Đà Nẵng) để theo dõi chăm sóc. Nhiều người thân hy vọng mẹ có thể qua khỏi lần này. Tuy nhiên, đến lúc 1 giờ 40 ngày 10-12 thì mẹ đã qua đời. Mặc dù vẫn biết ngày này rồi sẽ đến, bởi tuổi mẹ đã quá cao, nhưng họa sĩ Đinh Gia Thắng vẫn hết sức xúc động, bồi hồi. Anh nói: “Những lúc mẹ còn khỏe, mỗi lần nghe tin tôi vào, mẹ thường tự chống tay ngồi dậy trò chuyện rất vui vẻ. Tôi nhớ nhất, bài hát mẹ vẫn luôn hát có tên là “Cầu Thủy Tú”, mang âm điệu dân ca Quảng Nam rất xa xưa mà hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Mẹ cũng hay kể về những câu chuyện đi cày, đi cấy trên những cánh đồng thanh bình như chuyện vừa mới hôm qua. Mẹ thích ăn trầu cau và các loại đồ ngọt như những người lớn tuổi bình thường khác...”.
* Không khí đau thương bao trùm lên từng con đường, ngõ nhỏ ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung từ đêm Mẹ Thứ mất. UBND huyện Điện Bàn và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tang lễ cho Mẹ tại tư gia vào ngày 11-12. Ban lễ tang do đồng chí Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm Trưởng ban đã nhận vòng hoa và lời chia buồn sâu sắc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc... và nhiều bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.
Đồng chí Võ Duy Khương đã ân cần chia buồn cùng người thân Mẹ Thứ, động viên gia đình cố gắng vượt qua những đau thương, mất mát, đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng.
|
Nhắc về hồi ức những ngày thực hiện phác thảo tượng đài Bà mẹ VNAH qua nguyên mẫu chân dung mẹ Thứ, anh Thắng kể lại: “Tôi thường xuyên gặp mẹ, vừa do tình cảm yêu mến mẹ, vừa để xây dựng hình tượng mẹ trong tác phẩm của mình. Từ khi phác thảo tượng đài đến khi khởi công, hầu như ít khi nào mẹ hỏi chuyện chi về tượng đài, nhưng tôi nhớ có nhiều lần, khi mẹ cầm tay tôi, trong ánh mắt hiền từ của mẹ, tôi cảm nhận mẹ gởi gắm nơi tôi niềm tin, rằng hình ảnh mẹ sẽ còn lưu giữ mãi đến ngàn đời mai sau...”.
Ngay từ sáng sớm ngày 10-12, nhà thơ, Đại tá Lê Anh Dũng, tác giả trường ca về mẹ Thứ đã nhanh chóng huy động một xe 16 chỗ ngồi tổ chức đưa anh em báo chí về thôn Thanh Quýt 2, Điện Thắng Trung, Điện Bàn - nơi chuẩn bị tang lễ mẹ Thứ để kịp thời đưa tin. Tại đây, lãnh đạo chính quyền địa phương và con cháu của mẹ, và kể cả nhiều người dân từ nhiều nơi đã tề tựu đông đủ. Lúc này, bên cạnh mẹ, ở căn phòng nhỏ, vẫn mô hình quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bức tranh lụa chân dung mẹ của họa sĩ Dư Dư cùng các bằng Tổ quốc ghi công... giống thường khi. Mẹ nằm thanh thản như đang chìm trong giấc ngủ bình yên.
Vào buổi xế chiều cùng ngày, rất tình cờ, trong một buổi gặp mặt với thân hữu tại nhà riêng của anh Phan Đức Nhạn, nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, hiện là Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, ngoài tôi và anh Nhạn còn có nhà báo Hồ Duy Lệ, nhà báo Hồ Trung Tú, nhà văn Thái Bá Lợi, PGS.TS Trần Văn Nam (Giám đốc Đại học Đà Nẵng), Phan Thanh An (Bí thư Huyện ủy Thăng Bình)... thay vì trò chuyện, thăm hỏi những câu chuyện khác, tất cả ai nấy đều tập trung về đề tài Mẹ Thứ.
Theo anh Nhạn: “Đã có rất nhiều người nói về công lao, cống hiến của mẹ Thứ. Nói bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng theo tôi, điều tôn vinh lớn nhất là hơn ai hết mẹ đã thực hiện nghĩa vụ công dân vô cùng cao cả, nên mới có thể chịu đựng nổi hy sinh bao nhiêu người con hiến dâng Tổ quốc...”.
Còn anh Hồ Duy Lệ, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, hiểu rất thấu đáo về những lúng túng, khó khăn khi ở địa phương phải ứng xử trước một tang lễ quá lớn, vượt ngoài những nghi thức khuôn khổ. Do đó, sau khi nhà thơ Lê Anh Dũng vừa từ nơi tổ chức tang lễ mẹ Thứ trở về, thì những lo lắng này dần dần có được những nguồn thông tin tháo gỡ tích cực hơn.
Một ai đó nôn nóng nói rằng, việc trách nhiệm của địa phương với tang lễ mẹ Thứ thì đã quá rõ rồi, sao ta không thử hỏi thăm ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (ông từng là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) ở Trung ương quan tâm ra sao? Ông Phúc nhận được một cuộc điện thoại từ nhà thơ Lê Anh Dũng và ông trả lời ngay:
- Bảo anh em mở VTV 1 xem đi đã!
Quả nhiên, trên đài VTV1 lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đang phát biểu bày tỏ cảm xúc về sự ra đi của mẹ Thứ. Ông nêu rõ, mẹ Thứ là biểu tượng của sự hy sinh cao cả của những người Việt Nam kiên trung, yêu nước, là biểu tượng của Bà mẹ VNAH, một biểu tượng chung của cả nước...
Sau mấy phút giờ phát của VTV1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc lại gọi điện nói thêm với chúng tôi, khẳng định tang lễ của mẹ Thứ sẽ được tổ chức theo nghi thức đặc biệt, do UBND tỉnh Quảng Nam đảm trách với sự có mặt của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương...
Được biết, theo đề nghị của chính quyền địa phương, anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ tổ chức một chương trình Tưởng nhớ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ với chủ đề “Mẹ của ngàn đời”. Chương trình sẽ diễn ra vào đêm nay (13-12-2010).
TRẦN TRUNG SÁNG