.

Nhiều vấn đề nhân dân bức xúc

.

LTS: Nhân kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII diễn ra từ ngày 1 đến
3-12, phóng viên Báo Đà Nẵng đã gặp và trao đổi với các đại biểu HĐND thành phố về những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm cùng những kỳ vọng về định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng trong thời gian đến.

* Ông Lê Thanh Minh (Tổ đại biểu quận Sơn Trà):

Mô tả ảnh.

Cẩn trọng khi chuyển giao quyền sử dụng đất

Đến nay, thành phố đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Nhiều người dân cảm thấy tự hào vì sự phát triển ấy và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của thành phố. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri lần này cho thấy, không có nhiều vấn đề bức xúc nổi cộm được nêu ra như những năm trước.

Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang trong quá trình chỉnh trang đô thị nên vẫn còn một số bất cập mà người dân quan tâm. Đó là việc giải tỏa, quy hoạch ở một số khu vực đã gây nên tình trạng thất nghiệp; một số khu đất nằm trong vùng chỉnh trang, quy hoạch còn để trống lâu ngày và trở thành những bãi đổ rác gây ô nhiễm môi trường; tình trạng ngập úng và ô nhiễm ở một số nơi vẫn còn tồn tại do hệ thống thoát nước xây dựng chưa đồng bộ. Mặc dầu trong những năm qua thành phố đã có quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên ở các khu vực giải tỏa nhưng tình trạng thanh niên thất nghiệp vẫn còn nhiều.

Cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ cấp quận, phường, xã sách nhiễu nhân dân như nhận tiền đút lót khi người dân đến làm thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai... Một số cử tri ở quận Sơn Trà cũng quan tâm đến các dự án đầu tư ven biển chậm triển khai. Không ít nhà đầu tư mua đất rồi ngâm dự án làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân, trong khi đó thành phố vẫn chưa có chế tài xử phạt thích đáng, việc xử phạt hành chính vẫn còn quá nhẹ. Do đó, thành phố cần cẩn trọng hơn khi giao đất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là việc chuyển giao quyền sử dụng đất dọc bờ biển...

* Ông Lê Tự Cường (Tổ đại biểu quận Thanh Khê):

Lúng túng chọn cây xanh cho đường phố

Có thể nói rằng, trong thời gian qua, thành phố của chúng ta đã làm được nhiều việc, trong đó nổi bật nhất là việc hoàn thành và duy trì Chương trình “Thành phố 5 không”. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố nhanh và bền vững. 

Sau khi hoàn thành Chương trình “Thành phố 5 không”, thành phố cũng đã nỗ lực thực hiện xóa đói, giảm nghèo cho dân: Từ “không có hộ đói” đến việc phấn đấu “không có hộ đặc biệt nghèo”, từ “không có người mù chữ” thì đến nay “không có học sinh trong độ tuổi bỏ học”. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện chăm lo xóa nhà tạm cho dân, triển khai xây dựng nhà cho các hộ có thu nhập thấp. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” cũng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người mãn hạn tù trở về ổn định cuộc sống như hỗ trợ vốn, sắm xe thồ, xe ba gác...; gặp mặt, giúp đỡ những trường hợp bạo lực gia đình, thanh-thiếu niên hư; thành lập đội phản ứng nhanh để bảo vệ  an ninh trật tự...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại mà cử tri quan tâm. Đó là tình hình an ninh trật tự xã hội ngày càng phức tạp, tai nạn giao thông tăng… Những điểm nóng về môi trường tuy đã được tập trung giải quyết tương đối khá tốt, nhưng vấn đề cây xanh cho thành phố vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng trong khi chúng ta có khả năng làm tốt hơn. Cơ quan tham mưu cho lĩnh vực này còn thiếu cụ thể, chi tiết nên việc triển khai chưa hiệu quả, chẳng hạn như đường phố nên trồng loại cây gì, chăm sóc ra làm sao, bảo vệ cây xanh như thế nào... thì vẫn còn lúng túng. (GIA HUY ghi)

* Ông Nguyễn Quang Nga (Tổ đại biểu huyện Hòa Vang):Không kéo dài dự án treo

Mặc dù chúng ta đang trong tiến trình đô thị hóa nhưng không thể xóa bỏ nông thôn, nông nghiệp. Vì vậy, thành phố cần thay đổi trong chỉ đạo kế hoạch đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 và chương trình hành động của Thành ủy, nhất là vấn đề khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao thông và kênh mương nội đồng, vốn vay ưu đãi cho nông dân và những hộ trong diện di dời, giải tỏa để họ chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đẩm đời sống…

Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 đề cập đến việc chỉ đạo phát triển nông nghiệp-nông thôn nhưng chưa đầy đủ, không có gì mới về cơ cấu đầu tư. Như thế, việc quán triệt và thực hiện chương trình hành động của Thành ủy không có những động thái lớn.

Về việc quy hoạch thu hồi đất, thu hồi thì phải sử dụng, không nên kéo dài các dự án treo trong khi nông dân không có đất sản xuất. Tôi từng kiến nghị rằng, nếu chưa sử dụng đất thu hồi thì cho dân mượn để sản xuất nhưng không dễ liên hệ với các Ban quản lý dự án để mượn được các lô đất này. Một trong những hệ lụy của vấn đề này là rất nhiều nông dân gắn bó bao nhiêu năm với nghề trồng hoa ở những làng hoa truyền thống phải dạt về ngoại thành hoặc các vùng quê ở Quảng Nam để mua đất, thuê đất tiếp tục bám nghề trong tình trạng bấp bênh. Nguyện vọng của nông dân là cần tăng giá đền bù đất nông nghiệp từ năm 2011. Đồng thời, nên khai thác những vùng đất trống để xây dựng các công trình, chứ không nên cái nào dễ thì làm, để tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân. Bên cạnh đó là vấn đề dạy nghề cho nông dân mất đất sản xuất, có kế hoạch giải quyết vốn vay ưu đãi cho ngư dân để đổi mới phương tiện đánh bắt xa bờ, góp phần tham gia vào quá trình bảo vệ vùng biển… Thành phố cũng cần đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở nông thôn.

Mỗi kỳ họp HĐND đều được cử tri kỳ vọng, mong mỏi những tồn tại sẽ được giải quyết triệt để. Lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành cần giải trình với dân về việc thực hiện những lời hứa của các kỳ họp trước, chứ không nên tránh né.  (TÚ PHƯƠNG ghi)

* Bà Bùi Diệu Thanh (Tổ đại biểu quận Thanh Khê): Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách chưa nhiều

Theo tôi, hai vấn đề lớn mà thành phố đã làm được trong nhiệm kỳ này, đó là: Tập trung cao độ cho phát triển hạ tầng đô thị với mục tiêu  phát triển Đà Nẵng thành thành phố du lịch và dịch vụ. Công tác an sinh xã hội có nhiều chính sách linh hoạt, bảo đảm cuộc sống cho người dân như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giữ gìn trật tự xã hội. Những bức xúc về môi trường tồn đọng trong nhiều năm đã được tập trung giải quyết tích cực, chẳng hạn như vấn đề xử lý ô nhiễm ở sông Phú Lộc tuy chưa khắc phục hoàn toàn nhưng đã có nhiều tiến bộ…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề mà cử tri quan tâm. Thứ nhất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố. Một mặt do công tác tuyên truyền, triển khai, phổ biến chính sách của thành phố đến doanh nghiệp chưa được rộng khắp, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách còn hạn chế. Mặt khác có những chính sách chưa sát, chưa phù hợp với doanh nghiệp. Nhiều chủ trương, chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến sản xuất, ứng dụng khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hỗ trợ xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, v.v... chưa đến được với nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp của thành phố phần lớn quy mô nhỏ, có nhiều  khó khăn về  vốn, thiết bị, sản phẩm... do đó cần có những chính sách rất cụ thể và thủ tục đơn giản thì mới có thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thứ hai, HĐND thành phố đã phê duyệt chương trình phát triển du lịch Đà Nẵng và dự kiến sẽ tổng kết vào năm 2011. Môi trường phát triển du lịch của thành phố đã có được sự hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, theo thống kê chưa đầy đủ, thì hiện nay trung bình mỗi du khách chỉ tiêu khoảng 1 triệu đồng và lưu trú chưa quá 2 ngày. Những khu vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ khách du lịch như tham quan về lịch sử, mỹ thuật, làng nghề, những sản phẩm du lịch... vẫn chưa có nhiều, chưa theo kịp với tốc độ và nhu cầu phát triển của thành phố. Do vậy cần triển khai nhanh chương trình tạo sản phẩm lưu niệm mà thành phố đã phê duyệt, mở rộng đầu tư nâng cấp khu Bảo tàng Điêu khắc Chăm, xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật cũng như nâng cấp các khu di tích lịch sử của thành phố... (GIA HUY ghi)

* Ông Lê Vinh Quang (Tổ đại biểu Hòa Vang): Cần có sự phối hợp đồng bộ và giải quyết dứt điểm các điểm nóng về môi trường

Là đại biểu HĐND, qua các lần tiếp xúc cử tri, tôi nhận thấy, một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm nhiều nhất là ô nhiễm môi trường. Điều này thật dễ hiểu, bởi lẽ trên địa bàn thành phố đã và đang diễn ra quá trình đô thị hóa với hàng trăm dự án, công trình đang triển khai, nhiều khu công nghiệp tập trung; việc vận chuyển đất, đá thi công các công trình, các dự án, thêm vào đó là nhiều khu đất mà các nhà đầu tư, các hộ dân đã mua nhưng chưa tiến hành thi công đã trở thành những bãi rác gây nên dịch bệnh, mất mỹ quan đô thị, v.v...

Trong các kỳ họp HĐND thành phố, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được nêu lên trên diễn đàn. Cũng tại các kỳ họp này, một số lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đã hứa, thế nhưng cho đến nay vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thực tế, vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ có cơ quan chủ quản giải quyết được một sớm một chiều, mà phải nhiều cơ quan, nhiều ngành có liên quan cùng có trách nhiệm giải quyết, chẳng hạn như vấn đề nước ngập úng tại các khu dân cư, các tuyến đường, không chỉ có ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố chịu trách nhiệm về ô nhiễm môi trường mà còn liên quan đến các ngành Giao thông, Xây dựng, v.v…, cho nên, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong quá trình giải quyết.

Thực tế hiện nay, trên cùng một tuyến đường ở nội thị có hàng chục cơ quan có các công trình, các hạng mục công trình như viễn thông, bưu điện., điện lực, cấp nước, giao thông, cây xanh, môi trường đô thị, thoát  nước, v.v… Chính vì chưa có sự phối hợp, kết hợp đồng bộ cho nên đơn vị này vừa thi công xong hạng mục của mình, đến đơn vị khác thi công hạng mục khác lại đào đường, vừa tốn kém tiền của của Nhà nước và nhân dân, vừa gây ô nhiễm môi trường. Cá biệt có những công trình chủ đầu tư, nhà thầu đợi đến mùa mưa bão mới bắt đầu thi công, dẫn đến tiến độ kéo dài, gây ngập úng nặng trên các tuyến đường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Cũng chính vì thi công công trình kéo dài, không có các biển hiệu, biển báo, nên đã xảy ra những vụ tai nạn chết người thương tâm, mà chung quy lại là do sự tắc trách của các đơn vị thi công, dẫn đến sự bất bình của nhân dân.

Với trách nhiệm của người đại biểu HĐND, được cử tri gửi gắm, giao trách nhiệm, tôi mong rằng, vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ sớm được các ngành, các cấp có liên quan cùng gắn chung trách nhiệm giải quyết dứt điểm từng điểm nóng mà cử tri đã chất vấn nhằm sớm đưa thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, thành phố đáng sống... (TÂN AN ghi)

* Ông Nguyễn Hoàng Sơn (Tổ đại biểu quận Thanh Khê): Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao

Chính phủ vừa có Quyết định thành lập Khu công nghệ cao của thành phố Đà Nẵng. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết vấn đề công nghiệp Đà Nẵng đang trong tình trạng èo uột và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Như vậy, thành phố cần phải khẩn trương chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho hoạt động Khu công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng ngày càng đầu tư nhiều hơn cho công nghệ cao. Thực tế có doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị công nghệ cao nhưng tuyển người có trình độ phù hợp để vận hành trong sản xuất rất khó khăn. Thành phố cũng cần đánh giá lại chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố xem đã có sản phẩm chủ lực khẳng định được thương hiệu của Đà Nẵng chưa.

Qua đó cần xác định lại mục tiêu phát triển sản phẩm chủ lực gì, chính sách hỗ trợ ra sao. Phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cũng là vấn đề đang đặt ra cho thành phố như định hình và đa dạng sản phẩm du lịch, tính chuyên nghiệp… Hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn vay đầu tư sản xuất. Thành phố cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong diện phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố duy trì và phát triển sản xuất. (S.T ghi) 

;
.
.
.
.
.