Trần mình giữa cái nắng như thiêu như đốt hoặc phải dầm mưa chịu gió cả mấy tiếng đồng hồ hì hục đào huyệt chôn người chết, bốc từng nắm xương trong lòng đất… Công việc của những người làm nghề thợ mộ mang những nỗi niềm khó tả hết.
Phải có sức khỏe tốt, người làm nghề thợ mộ mới chống chọi được với nắng mưa hằng ngày. |
Hầu hết những người thợ làm mộ ở một số nghĩa trang chúng tôi gặp từng trải qua khá nhiều nghề vất vả như đào vàng, tìm trầm hương, săn thú rừng quý. Giờ đây, cuộc sống của họ không còn long đong nay đây mai đó vì đã chọn được một cái nghề mà không phải ai cũng có gan làm. Anh Nguyễn Thanh Sơn ở xã Hòa Sơn (Hòa Vang), có thâm niên hơn 5 năm trong nghề nhớ lại: Trước đây, khi chưa trở thành chủ nhận thầu các công trình san, lấp mặt bằng, đào hố, di dời mộ chí cho các gia chủ, anh từng làm tất cả các công việc phục vụ cho người chết.
Anh kể: “Có bữa qua phường Hòa Hải bốc mộ, gặp trúng cái mộ cũ cả trăm năm có cái gối nặn bằng đất sét còn y nguyên kê dưới cái sọ người. Thoáng giật mình nhưng rồi nhanh chóng bình tâm trở lại, riết rồi thành quen. Khó khăn nhất là buổi đầu đào huyệt sát với những cái mộ vừa chôn, mùi hôi bốc lên, âm khí nặng, khiến mặt mày xây xẩm, tới bữa chẳng muốn ăn cơm, nhiều lúc ám ảnh cả trong giấc ngủ. Song, đã chấp nhận làm nghề này rồi, người ta thuê, ai nỡ từ chối”.
Thợ trong nghề cho biết, đây là một công việc đặc thù nên tiền công cao hơn so với người làm thợ xây thông thường. Trung bình một ngày công 120 ngàn đồng/người cho việc đào huyệt. Với mộ di dời chỉ đào cạn chừng 40cm, dài 1,6m, thợ được trả 30.000 đồng/huyệt; với huyệt mới, vất vả hơn do phải đào sâu tới 1,2m, do đó tiền công cao hơn (khoảng 400 - 500 ngàn đồng/huyệt).
Ông Phan Văn Danh và Trần Đoàn (ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn) chuyên đi đào huyệt, nói rằng: “Làm nghề này ngại nhất là khi trời đang nắng đổ mưa, nếu chạy không kịp là coi như đau cả tuần không gượng dậy nổi. Công việc theo yêu cầu của gia chủ, phục vụ người chết nên người ta rất tin vào tâm linh như coi tuổi, chọn giờ, chọn hướng, nên có khi 3 - 4 giờ sáng đã phải hì hục đi đào huyệt, bốc xác. Người trong nghề coi chuyện ăn cơm trong mộ, hay cuốc, xẻng băm trúng chân là chuyện bình thường.
Nhìn những đôi tay thô ráp, những ngón chân bạc thếch, vàng khè mới thấy sự vất vả, cực nhọc của những thợ đào mộ ở các nghĩa trang. Vẫn biết, sợ nhất là có mưa giông, âm khí bốc lên rất độc hại nhưng vì mưu sinh cộng với cái tâm của người làm nghề, nhiều thợ chấp nhận “làm ráng thêm một chút” cho kịp thời gian yêu cầu của gia chủ. Trường hợp như ông Ba (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương), cả hai cha con đều theo nghề với hai bàn chân nước ăn lở loét mà vẫn phải ráng dầm mình dưới huyệt cả ngày khi trúng phải địa điểm có nhiều đá núi. Nhiều hôm, hai cha con ông Ba phải dùng đến rượu để làm át đi cái không gian lạnh lẽo của nghĩa trang.
Đà Nẵng đang trong quá trình chỉnh trang đô thị, việc di dời những ngôi mộ trong các khu dân cư đến nơi đã quy hoạch tạo ra nhiều việc làm cho những người làm nghề này. Hiện tại Nghĩa trang Hòa Sơn có khoảng 20 nhóm nhận thầu các công việc để “mồ yên mả đẹp” với hàng chục nhân công. Ngoài ra, có hơn 40 lao động thuộc các hộ diện giải tỏa ở khu vực gần Nghĩa trang Hòa Sơn được Ban Quản lý nghĩa trang tạo điều kiện làm nghề nói trên.
Ở những khu vực khác như nghĩa trang Sơn Gà (Gò Cà - xã Hòa Khương), hàng chục hộ dân lân cận tham gia vào việc bốc mộ, đào mộ, xem đây như là nghề thu nhập chính nuôi sống cả gia đình. Đâu đó cũng có người này người khác làm việc này việc nọ, ảnh hưởng đến uy tín chung của giới phu mộ, nhưng phần đông họ đều thể hiện cái tâm khi nhận làm “nhà” cho người chết. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà họ vòi vĩnh lấy thêm tiền của gia chủ, bởi theo họ “như vậy là thất đức”, ai rồi cũng đến lúc trở về với trời đất mà thôi.
Bài và ảnh: Duyên Anh