Mô tả ảnh. |
Tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố khóa VII ngày 1-12, ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư trình bày Tờ trình của UBND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng 5 năm 2011-2015:
Căn cứ Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng kính trình HĐND thành phố xem xét, phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với những nội dung chủ yếu sau:
Về phương hướng, mục tiêu phát triển: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển; đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước, tạo nền tảng để xây dựng thành phố trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong 5 năm đến (2011-2015):
1- Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, có khả năng hội nhập cao: Phát triển kinh tế hài hòa, bền vững; vừa mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của thành phố; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư thỏa đáng cho nguồn vốn trí tuệ để phát triển kinh tế tri thức. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp.
Phát triển dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước; tập trung vào các nhóm ngành chính như sau: du lịch; thương mại; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - tín dụng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn; khoa học và công nghệ; y tế và giáo dục - đào tạo chất lượng cao... Xây dựng thành phố trở thành đầu mối trung chuyển quá cảnh và giao lưu hàng hóa, dịch vụ của miền Trung; làm tốt chức năng cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; nhanh chóng xây dựng hình thành các Trung tâm thương mại, khu mua sắm lớn. Tổ chức lại mạng lưới bán lẻ, đầu tư xây dựng lại các chợ theo quy hoạch. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20 - 21%/năm.
Nhanh chóng hình thành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp phần mềm, công nghiệp phục vụ kinh tế biển và những ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn, đạt yêu cầu về hiệu quả - chất lượng - sạch, theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch, khu công nghiệp và gắn với các ngành nghề khác, góp phần bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả chương trình “Tam nông”; bố trí lại lao động ở nông thôn, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn.
Phát triển lâm nghiệp toàn diện, bền vững; chú trọng bảo vệ rừng; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phá rừng, cháy rừng. Phát huy lợi thế biển trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề để đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của vùng; là một trong ba trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.
2- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị nhanh, đồng bộ, hiện đại: Triển khai và quản lý thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc, môi trường đô thị thành phố đến năm 2020. Tiếp tục mở rộng không gian đô thị về phía Tây, Tây Nam, Nam thành phố; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển không gian đô thị thành phố phù hợp với Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX), có quy mô thích hợp, có phân khu chức năng hợp lý, đặc biệt là các khu trung tâm, các trung tâm chuyên ngành. Chú trọng công tác thiết kế đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên; bảo đảm các tiêu chuẩn đô thị hiện đại về diện tích đất giao thông, đất ở, mật độ cây xanh, đất cho xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục, y tế... Khắc phục nhanh tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Rà soát, bổ sung và thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn thành phố phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt; chú ý đầu tư đẩy mạnh tiến độ các công trình và hệ thống giao thông thiết yếu. Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, quản lý, khai thác các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật và tổ chức dịch vụ vận tải công cộng. Tập trung phát triển kinh tế hàng hải, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển lớn của khu vực và cả nước.
3- Thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư; triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu duy trì vị trí dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại (đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân) và hội nhập kinh tế quốc tế; tận dụng mọi cơ hội để mở rộng hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển kinh tế. Khai thác hiệu quả chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông và Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Nghiên cứu khai thác hợp lý Hành lang kinh tế Đông Tây 2 (EWEC2). Tăng cường hợp tác, phối hợp liên kết phát triển giữa Đà Nẵng với Quảng Nam và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên.
Phát triển đa dạng, đồng bộ các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ và các loại thị trường khác. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện phương án tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp cận các nguồn vốn vay. Khai thác các nguồn tài trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế để tạo nguồn cho Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố với mức kinh phí 1.500 -2.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và xuất khẩu, nuôi dưỡng, phát triển các nguồn thu nhằm tăng tiềm lực, khả năng tài chính của thành phố. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế.
4- Xây dựng và triển khai chương trình thành phố môi trường; quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên: Triển khai thực hiện có kết quả Đề án xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường. Đưa việc bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các chương trình, dự án đầu tư. Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải ở các khu dân cư, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, khu âu thuyền Thọ Quang; trạm xử lý nước thải Phú Lộc, Hòa Cường, bãi rác Khánh Sơn; các Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Hòa Cầm; xử lý cơ bản ô nhiễm tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang và các “điểm nóng” khác về môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường và không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, các dịch vụ vệ sinh, môi trường.
5- Phát triển các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo nền tảng và động lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trở thành trường THPT chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia. Hoàn thành xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch. Xúc tiến thành lập Trường Đại học công lập theo chuẩn quốc tế đi đôi với việc phối hợp, tạo điều kiện xây dựng Đại học Đà Nẵng xứng đáng là Đại học trọng điểm vùng. Phát triển khoa học và công nghệ gắn với định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế tri thức. Phát triển khoa học xã hội và nhân văn, làm tốt việc dự báo và định hướng, giải đáp kịp thời những vấn đề do thực tiễn đổi mới thành phố đặt ra; tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách xây dựng thành phố.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng “Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong các khu dân cư; chú trọng đưa các phong trào này đi vào chiều sâu. Phát triển toàn diện các loại hình văn học - nghệ thuật; phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao; tạo chuyển biến cơ bản về quy mô và chất lượng thể thao quần chúng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình “5 không”, “3 có”; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt các chính sách xã hội; vận động toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với nước; đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo hỗ trợ những người cô đơn, yếu thế, nghèo khó trong xã hội, tạo thuận lợi để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tăng cường các cơ hội và dịch vụ kinh tế cho người khuyết tật. Triển khai xây dựng 10.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp, 20.000 chỗ ở cho công nhân các khu công nghiệp, 10.000 chỗ ở tại các ký túc xá sinh viên. Chú trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2015 có 60 trường/trung tâm dạy nghề có quy mô vừa và lớn, có trường dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma túy; nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng phường, xã lành mạnh, không có tệ nạn xã hội gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục đầu tư phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế quận, huyện, phường, xã đáp ứng yêu cầu dự phòng, kiểm soát dịch bệnh và khám, chữa bệnh của nhân dân. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Ung thư; xây dựng bệnh viện quốc tế với đội ngũ y, bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong 5 năm 2011-2015 |
6- Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực và hiệu lực điều hành, quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và năng lực ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp; từng bước hình thành bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng chính quyền đô thị và xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Tiếp tục thí điểm mô hình không có HĐND quận, huyện, phường, mô hình Bí thư đồng thời là chủ tịch. Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Hình thành đồng bộ chính quyền điện tử, đưa các giao dịch hành chính với tổ chức, công dân và cung cấp thông tin thực hiện qua mạng.
Tạo bước đột phá trong quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ; quan tâm bố trí, tạo môi trường thuận lợi đối với cán bộ, học viên thuộc Đề án 89, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cán bộ thuộc diện thu hút. Mở rộng việc thực hiện chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan Nhà nước. Nghiên cứu thực hiện thí điểm việc xây dựng Quỹ hỗ trợ tiền lương để ổn định đời sống của cán bộ, công chức các cấp. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
7- Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế: Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả chủ trương xây dựng thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân; chủ động ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không để xảy ra “điểm nóng”. Tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ, sở chỉ huy thời chiến. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh toàn dân. Chỉ đạo công tác tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu. Xây dựng lực lượng biên phòng vững mạnh, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh vùng biển; giáo dục, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với huyện đảo Hoàng Sa.
M.H (tổng hợp)