.

Quận Cẩm Lệ: Chung sức lo cho dân

.

Năm 2010, quận Cẩm Lệ là một trong những địa phương hoàn thành khá tốt nhiệm vụ giảm nghèo. Con số 922 hộ giảm nghèo trong năm 2010 không chỉ nói lên tính hiệu quả của các giải pháp giảm nghèo ở Cẩm Lệ mà điều quan trọng đằng sau con số đó là sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền quận Cẩm Lệ và nỗ lực tự thân của chính người nghèo để từng bước vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Mô tả ảnh.
Chị Lê Thị Hiệp bên chiếc xe đẩy được chính quyền cấp để làm ăn thoát nghèo.

Chị Đặng Thị Hoa, trú tổ 38 phường Hòa Thọ Đông thuộc diện đặc biệt nghèo của phường; bản thân chị bị tâm thần mãn tính, mất sức lao động nên chuyện giảm nghèo rất khó thực hiện. Để giúp đỡ gia đình chị Đặng Thị Hoa, cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể ở phường Hòa Thọ Đông đã chung tay, cùng vận động và tìm các giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ. Chỉ trong năm 2010, UBND phường đã giúp kinh phí để chị mổ bướu, Hội Phụ nữ thì vận động hỗ trợ kinh phí khó khăn đột xuất. Ngoài ra, trong năm, UBND thành phố, Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố và quận cùng các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm đã hỗ trợ tiền, lương thực giúp gia đình chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Đối với những trường hợp còn khả năng lao động, cách hiệu quả nhất mà các địa phương ở Cẩm Lệ thực hiện là trao phương tiện làm ăn đến tận tay người nghèo. Ông Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông khẳng định: “Giảm nghèo hiệu quả nhất là trực tiếp hỗ trợ công cụ và hướng dẫn cách làm ăn, buôn bán cho người dân”. Từ những vật dụng đơn giản như bộ bàn ghế nhựa, chiếc giường ngủ đến những phương tiện mưu sinh như xe bò, xe đẩy, tủ bán kem… đều trao đến tay người nghèo từ việc tìm hiểu kỹ lưỡng nhu cầu của từng hộ.

Chẳng hạn như ở phường Hòa Thọ Tây, chị Lê Thị Hiệp có chồng làm phụ hồ nhưng đau ốm thường xuyên, 3 đứa con nhỏ lại đang tuổi ăn học nên khó khăn chồng chất. Từ khi UBND phường hỗ trợ xe đẩy để làm ăn,  gia đình chị Hiệp đã có thêm nhiều hy vọng mới. Chị Hiệp tâm sự: “Có xe đẩy thì tôi cũng cố làm thêm để trả nợ ngân hàng, bán thêm mấy thứ nữa ngoài bánh mì, chứ bây giờ thu nhập cả hai vợ chồng không đủ sống”.

Trong năm 2010, hầu hết những trường hợp đặc biệt khó khăn, khó có khả năng thoát nghèo trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Chỉ tính riêng ở phường Hòa Thọ Đông, năm 2010, kinh phí hỗ trợ hộ nghèo và đặc biệt nghèo do thành phố cấp ước tính trên 147 triệu đồng (bao gồm cả hiện vật và tiền mặt); nguồn của UBND quận cấp là hơn 66 triệu đồng, nguồn từ Đảng ủy, UBND, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể của phường ước tính hơn 200 triệu đồng. Đến bây giờ, không chỉ Hòa Thọ Đông mà trên toàn quận, chuyện kinh phí và các nguồn vật chất hỗ trợ hộ nghèo và đặc biệt nghèo không thiếu. Ước tính toàn quận Cẩm Lệ, năm 2010, đã hỗ trợ gần 6 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp giảm nghèo. Vấn đề còn lại chính là nhận thức và ý chí tự vươn lên thoát nghèo của những gia đình thuộc diện nghèo và đặc biệt nghèo nói trên.

Tính đến nay, các giải pháp giảm nghèo mà quận Cẩm Lệ đang thực hiện là khá toàn diện. Theo ông Hồ Thanh Chúc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Cẩm Lệ thì: “Năm 2010, quận quyết liệt tập trung cho công tác giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Nếu còn khả năng lao động thì hỗ trợ vật dụng, phương tiện làm ăn, vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề… Trường hợp mất sức lao động thì đưa vào diện trợ cấp thường xuyên”.

Cũng các giải pháp giảm nghèo như những địa phương khác nhưng ở quận Cẩm Lệ, tỷ lệ tái nghèo thấp hơn vì các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn theo sát những hộ nghèo này, động viên, khuyến khích, nhắc nhở để người dân chuyên tâm làm ăn. “Không phải thoát nghèo rồi thì chúng tôi bỏ rơi họ, mà sau đó phải tiếp tục theo sát, giúp đỡ, bảo đảm không tái nghèo, chứ thoát nghèo rồi mà quay lại nghèo nữa thì cũng như nhau, xem như mọi giải pháp đã thực hiện sẽ không hiệu quả. 922 hộ thoát nghèo năm 2010 đều thuộc diện thoát nghèo bền vững và sẽ không tái nghèo”, ông Hồ Thanh Chúc khẳng định.

Trong năm 2011, vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đầu tư mạnh cho nhiệm vụ giảm nghèo, quận Cẩm Lệ quyết tâm mang đến cho người dân một đời sống an vui, hạnh phúc. Mục tiêu lâu dài mà các cấp ủy Đảng, chính quyền quận hướng đến là làm sao nâng cao chất lượng sống về mọi mặt cho người dân. Ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ nhấn mạnh: “Không thể có chính quyền đô thị mà người nghèo chỉ mãi loay hoay chuyện ăn, ở, kiếm tiền. Điều chúng tôi quan tâm là không chỉ giải quyết vấn đề đời sống như nhà ở, phương tiện sinh hoạt mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng sống của người dân, bao gồm cả chất lượng bữa ăn, chất lượng sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần…”. Với quyết tâm này, quận Cẩm Lệ không chỉ phấn đấu là địa phương đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ an dân mà trên hết là tạo sự công bằng và cân bằng trong đời sống xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo và mang đến cho mọi người dân một cuộc sống thật sự no ấm, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Mỹ Hạnh

;
.
.
.
.
.