Thời gian qua, các lực lượng Công an TP. Đà Nẵng đã bắt giữ nhiều vụ cướp giật ĐTDD, dây chuyền vàng... và qua điều tra các đối tượng khai nhận: Mục đích trộm cắp và cướp giật là để lấy tiền chơi game online.
Vụ việc xảy ra gần đây nhất, vào lúc 13 giờ 45 ngày 8-12, tổ tuần tra của Đội chống cướp giật và các tội phạm khác thuộc Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an thành phố (CATP) tuần tra trên tuyến đường Hải Phòng, đã bắt được hai đối tượng Đỗ Văn Chiến và Trần Thanh Minh (trú tổ 39, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cướp giật túi xách của chị Nguyễn Thị Bé (1989, quê Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Hay như Công an quận Sơn Trà vừa làm rõ nhóm tội phạm chuyên trộm cắp xe máy trên địa bàn quận, gồm Lê Văn Thiên, trú tổ 42; Nguyễn Ngọc Xuân, trú tổ 33 phường An Hải Bắc; Dương Quyết Thắng, trú tổ 7 và Huỳnh Tiến, trú tổ 8 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý tài sản của người dân, trong tháng 10 và 11-2010, nhóm đối tượng này đã dùng van phá khóa gây ra 4 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn quận. Sau khi lấy được xe, bọn chúng tổ chức tháo trộm BKS của xe khác gắn vào xe trộm cắp và đem đi tiêu thụ.
Phần lớn các đối tượng này có đặc điểm chung là nghiện “nét” và thích ăn chơi. Số tài sản sau khi tiêu thụ, bọn chúng dùng để ném vào các đêm “dạt nhà” tại các quán Internet.
Tính đến tháng 9-2010, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 898 đại lý Internet. Để quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra. Ngoài việc kiểm tra các đại lý, đoàn đã kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet như: Tập đoàn Viễn thông quân đội - Chi nhánh Đà Nẵng, Công ty TNHH Viễn thông FPT miền Trung - Chi nhánh Đà Nẵng, Trung tâm Viễn thông Điện lực miền Trung, Viễn thông Đà Nẵng - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet nhiều nhất với số lượng 736 đại lý, chiếm 81%.
Đoàn thanh tra đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của cấp trên về “tăng cường quản lý việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet và trò chơi trực tuyến”. Cụ thể là việc cắt đường truyền Internet từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau đến các đại lý Internet công cộng do mình cung cấp; thực hiện vai trò quản lý các đại lý theo quy định tại điều 7 Nghị định 97/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra từ những đại lý Internet công cộng cho thấy, việc ngắt đường truyền Internet sau 23 giờ vẫn chưa triệt để. Một số chủ đại lý như Internet Hoàng Nhi tại số 71 Phạm Như Xương, hay điểm kinh doanh đại lý Internet tại số 117 Phạm Như Xương cho biết: “Khoảng 1 tháng nay, chỉ có một số ngày là bị ngắt, một số ngày khác vẫn dùng được bình thường”. Nguyên nhân của những trường hợp này vẫn chưa được làm rõ, như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ cần chú ý hơn nữa về việc ngưng cung cấp dịch vụ sau 23 giờ. Qua kiểm tra, hầu hết các đại lý đều vi phạm về việc cho khách hàng sử dụng Internet công cộng quá giờ quy định.
Theo ông Nguyễn Hữu Bình - Phó Chánh Thanh tra Sở TT-TT, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thì hiện nay, các đại lý Internet công cộng còn dùng nhiều “chiêu” để tìm cách lách luật. Ví dụ như một đại lý có thể dùng 2 đường truyền của 2 nhà cung cấp dịch vụ, khi bị cắt một đường truyền thì sẽ mở đường truyền khác (nếu có). Một số đại lý khác đối phó bằng cách tắt điện, đóng cửa tiệm bên ngoài, nhưng bên trong vẫn hoạt động...
Không ai có thể phủ nhận tiện ích của Internet mang lại, nhưng thực trạng trẻ em ngồi thâu đêm suốt sáng trong các quán Internet và tình trạng tội phạm phát sinh từ chơi game online là rất đáng báo động. Qua các vụ án đã xảy ra cho thấy, nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quản lý các điểm Internet công cộng hiện nay. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh Internet, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, thậm chí có thể đóng cửa các điểm kinh doanh vi phạm, qua đó, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Bài và ảnh: QUỐC BÌNH