.

Tận diệt cây rừng về làm cây cảnh

.
Để chứng tỏ đẳng cấp với mọi người chung quanh, nhiều đại gia đã không ngần ngại bỏ tiền triệu, thậm chí là hàng trăm triệu để săn lùng tìm mua các loại cây cảnh có nguồn gốc từ rừng như lộc vừng, sanh, sưa... về trồng trong sân nhà mình hoặc các hàng quán. Chính điều này đã tiếp tay cho nạn tàn phá các loại cây rừng trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Mô tả ảnh.
Cây lộc vừng trị giá hàng chục triệu đồng được các đại gia mua về trồng trang trí làm đẹp cho quán cà-phê.
Đặt cọc trước, cây gì cũng có!

Trong vai người tìm mua cây cảnh, những ngày qua, chúng tôi tìm về các xã trung du, miền núi ở huyện Hòa Vang. Theo chỉ dẫn của một người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông T., ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) để tìm mua cây lộc vừng. Trong vườn ông T. có 5 cây lộc vừng, mỗi gốc cây có đường kính khoảng 20cm. Theo ông T. giới thiệu, những cây lộc vừng này được ông đào trên núi về trồng trong vườn được mấy tháng nay và đã ra hoa, giá mỗi cây 7 triệu đồng. Hễ có người mua thì ông bán, rồi tiếp tục lên núi tìm đào lộc vừng.

Đến xã Hòa Ninh, chúng tôi tìm gặp ông V., người chuyên đi rừng tìm đào các loại cây cổ thụ về bán cho người ta làm cây cảnh. Sau khi biết chúng tôi có ý định tìm mua một cây lộc vừng và một cây sanh cao khoảng 2m về trồng trong quán, ông V. cho biết, thời gian gần đây, dân chơi cây cảnh thường về đây lùng sục tìm mua các cây lộc vừng có dáng “độc” và kích cỡ tương tự như thế, nên hiện nay rất khó tìm. Nhưng nếu đặt tiền cọc trước, trong vòng nửa tháng, ông sẽ lùng sục trong núi để tìm đào về. “Để chắc ăn, cứ đặt cọc tiền trước, muốn cây loại gì, cao to cỡ nào… thì chỉ cần một thời gian ngắn tôi sẽ tìm được”, ông V. khẳng định chắc nịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ở dọc theo Quốc lộ 14B, tuyến đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan, có nhiều vựa cây cảnh có nguồn gốc từ rừng như: lộc vừng, sanh, cừa… được người ta vô tư bày bán cho khách hàng về làm cảnh. Nhiều cây có đường kính gần bằng vòng tay người lớn, thân cao khoảng chừng 2-3m. Theo các chủ vựa cây cảnh, tùy theo chủng loại, vóc dáng, mỗi cây có giá từ 5-15 triệu đồng…

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nói gì?

Mô tả ảnh.
Một vựa cây cảnh có nguồn gốc từ rừng ở địa bàn huyện Hòa Vang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, mỗi lần phát hiện người dân vận chuyển các loại cây rừng về làm cây cảnh, lực lượng chức năng của UBND xã chặn lại kiểm tra. Nhưng sau khi nghe họ nói, nguồn gốc những cây này mua từ vườn nhà dân, thì lực lượng chức năng “bó tay”, bởi lẽ, cây trồng từ vườn nhà dân thì không thể xử lý được. Vậy trường hợp người dân đào cây trên rừng về nhà trồng, rồi một thời gian sau mang bán thì sao? Về vấn đề này, ông Xem cho rằng, rất khó kiểm tra và xử lý.

Theo ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, để quản lý, ngăn chặn nạn đào, mua bán, vận chuyển cây rừng về làm cây cảnh, vừa qua, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các quận, huyện tổ chức truy quét, kiểm tra xử lý các đối tượng đào, vận chuyển trái phép các loại cây rừng về làm cảnh. Bước đầu, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện xử lý 3 trường hợp vi phạm. “Và để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, trong thời gian đến, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường truy quét, tổ chức chốt chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật”, ông Lương cho biết thêm.

Bài và ảnh: Phương Chi
;
.
.
.
.
.