.
Trợ giúp pháp lý ở cơ sở

Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước

.
Trợ giúp pháp lý ở cơ sở hướng đến đối tượng chính là người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em, người tàn tật, người già… Đó là những đối tượng cần được giúp đỡ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Qua đó đã thể hiện được chính sách nhân đạo, tinh thần tương thân tương ái của Đảng và Nhà nước ta.
 
Nếu không có trợ giúp pháp lý ở cơ sở
 
Mô tả ảnh.
Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động.
“Những người cần được giúp đỡ thì không được giúp, còn chính quyền địa phương thì không dám giải quyết vì bị vướng luật”. Ông Nhữ Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý trực thuộc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho biết. Ông Tiến cũng kể lại những câu chuyện vui khi cán bộ trung tâm về trợ giúp pháp lý ở cơ sở: “Có một anh thanh niên quê ở Nghệ An, không biết vì lý do gì lưu lạc vào sống ở một xã thuộc huyện Hòa Vang lúc mới 8, 9 tuổi.
 
Anh ta đi ở đợ hết nhà này đến nhà khác, kể cả nhà ông Bí thư Đảng ủy. Khi trưởng thành, anh lập gia đình với một thiếu nữ cùng xã. Theo luật thì anh phải ra ngoài Nghệ An để xác nhận là chưa có vợ con để được làm giấy đăng ký kết hôn, nhưng hiện tại anh cũng chẳng nhớ chính xác quê mình ở đâu, lại không có hộ khẩu. Chính quyền địa phương không dám cấp giấy kết hôn vì sợ trái luật. Nhưng khi người của trung tâm về thì mọi chuyện được giải quyết. Anh được cấp giấy đăng ký kết hôn và được nhập khẩu về với nhà vợ”.
Đó chỉ là một trong số hàng trăm sự việc mà trung tâm đã giải quyết trong thời gian qua. Đến với người dân, trợ giúp pháp lý không chỉ hướng đến đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách, mà mở rộng ra các đối tượng khác. “Không giống tuyên truyền nhưng lại mang yếu tố tuyên truyền. Trợ giúp pháp lý chỉ tư vấn luật cho một người, một nhóm người về các lĩnh vực như đất đai, nhà ở, hôn nhân gia đình… Từ đó, họ sẽ về nói lại với những người khác. Hơn nữa, trong  lúc trợ giúp, trợ giúp viên đồng thời sẽ lồng ghép tuyên truyền luật. Do đó, khi bàn đến hiệu quả thì ở đây chỉ bàn đến những kết quả phi vật chất” - ông Tiến tâm sự.
 
Những khó khăn
Ngay từ đầu năm 2010, Trung tâm Trợ giúp pháp lý trực thuộc Sở Tư pháp căn cứ vào kết quả khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân đã xây dựng kế hoạch trợ giúp. Trong vòng một năm, trung tâm đã thực hiện 18 đợt trợ giúp pháp lý lưu động với 480 vụ việc cho 460 đối tượng tại 17/56 xã, phường của 6/8 quận, huyện. Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của trung tâm, bởi theo ông Tiến, Trung tâm Trợ giúp pháp lý là đơn vị sự nghiệp công lập không có thu nhưng kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp ngang bằng với đơn vị sự nghiệp có thu, từ đó đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện tiết kiệm, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
 
Hơn nữa, từ năm 2010, Dự án “Hỗ trợ hệ thống pháp lý ở Việt Nam 2005-2009” tại thành phố Đà Nẵng kết thúc nên đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động trợ giúp pháp lý như đối tượng trợ giúp bị thu hẹp, kinh phí hoạt động không bảo đảm…
Cũng từ những khó khăn về kinh phí nên nhiều người không mặn mà lắm với công việc trợ giúp pháp lý. Hiện Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp chỉ có vỏn vẹn 4 trợ giúp viên, do đó không thể đảm nhận chuyên sâu trên 8 lĩnh vực cần trợ giúp. Vì vậy, mỗi lần về cơ sở, trung tâm còn phải huy động thêm đại diện các cơ quan có liên quan ở các quận, huyện tham gia trợ giúp, trực tiếp tư vấn những vướng mắc của nhân dân.
 
Khó khăn là vậy, nhưng ông Tiến vẫn tin tưởng vào những cố gắng của đội ngũ trợ giúp viên và công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở, bởi đây là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Trợ giúp pháp lý ở cơ sở góp phần tạo điều kiện để người dân tìm hiểu pháp luật, đồng thời giải đáp trực tiếp những vướng mắc và hướng dẫn người dân trình tự thủ tục, cách giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật, từ đó người dân hiểu rõ hơn, tin tưởng và gần gũi hơn với chính quyền. Trợ giúp pháp lý cũng chính là một bộ phận của công tác xóa đói giảm nghèo, bởi chúng ta không chỉ xóa đói giảm nghèo về mặt vật chất mà còn về mặt pháp luật nữa.
 
Bài và ảnh: Loan Phương
;
.
.
.
.
.