Năm 2010, trên dải đất hình chữ S đã diễn ra biết bao sự kiện liên quan đến đời sống chính trị-xã hội. Báo Đà Nẵng bình chọn 10 sự kiện Việt Nam 2010 giới thiệu cùng bạn đọc.
1- Thăng Long-Hà Nội 1.000 năm
Diễu binh nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ảnh: vovnew.vn
|
Phát biểu tại Lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tổ chức trọng thể vào sáng ngày 10-10-2010 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô, của đất nước con Hồng, cháu Lạc. Đó cũng chính là lẽ sống, là đạo đức và phong cách ứng xử của con người Việt Nam. Đó là di sản vô giá của Tổ tiên cùng các thế hệ ông cha ta để lại. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội được tổ chức thành công trên 5 phương diện nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp mang tầm quốc gia và quốc tế. Nhân dịp này, đã có nhiều công trình xây dựng, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… được thực hiện trong cả nước hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; trong đó có 102 công trình được khánh thành, gắn biển và đưa vào sử dụng.
2- Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN-2010
“Hướng tới một Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”. |
Năm 2010, Việt Nam hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN với nhiều thành công tốt đẹp. Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã đề ra và thúc đẩy nhiều sáng kiến phù hợp, tạo sự thống nhất cao và cam kết chung của ASEAN về đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Thông qua hai đợt Hội nghị Cấp cao, các hoạt động của Quốc hội, hơn 10 Hội nghị cấp Bộ trưởng, trên 20 Cuộc họp cấp quan chức liên quan đến cả chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội cũng như hoạt động của các tổ chức quần chúng, Việt Nam đã xử lý khéo léo và tạo được quan điểm chung rộng rãi về nhiều vấn đề phức tạp có liên quan trực tiếp đến ASEAN, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác chính theo khuôn khổ ASEAN+1.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm hết sức mình, phối hợp cùng các thành viên ASEAN khác và các đối tác để đạt được những kết quả quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời góp phần tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
3- Thí điểm chủ trương Đại hội Đảng các cấp bầu trực tiếp Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy
Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp bầu đồng chí Nguyễn Bá Thanh (trái) làm Bí thư Thành ủy với tỷ lệ đạt 99,66%. |
Thực hiện tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị, năm 2010, các tổ chức Đảng trên toàn quốc đã tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định thí điểm chủ trương Đại hội Đảng các cấp bầu trực tiếp Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy nhằm tiếp tục mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu dự Đại hội Đảng bộ các cấp trong việc bầu cử; góp phần đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; mở rộng dân chủ trong bầu cử của Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đảng viên, làm cơ sở cho mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội.
10 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm chủ trương Đại hội bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy gồm: Đà Nẵng, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum, Bến Tre, Sóc Trăng.
4- Quốc hội biểu quyết chưa thông qua thực hiện Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu cho dự án đường sắt cao tốc. (Ảnh: dantri.com.vn) |
Cả 2 phương án: Làm đường sắt cao tốc đúng như phương án Chính phủ trình Quốc hội và tán thành chủ trương xây dựng nhưng thay đổi nội dung, lộ trình… đều không đủ 50% số phiếu khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết về vấn đề này vào ngày 19-6, tại kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa XII. Theo đó, kết quả biểu quyết, chỉ 209 đại biểu (tương đương 42,39%) tán thành, còn 191 đại biểu (38,74%) không tán thành đối với phương án thứ nhất và phương án thứ 2 cũng chỉ nhận được 37,53% (185 đại biểu) tán thành, còn 41,15% đại biểu khác không nhất trí thông qua.
Qua hoạt động này, Quốc hội ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong việc quyết định những vấn đề trọng đại liên quan đến quốc gia và các dự án có giá trị lớn.
5- Việt Nam vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu
Đây là đánh giá của Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010 tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 12-2010. Các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tại hội nghị khẳng định Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011 cũng khẳng định, kinh tế Việt Nam “đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao”. Theo đó, GDP cả năm 2010 dự kiến tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%). Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm.
6- Giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Fields danh giá
Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao Huy chương Fields cho GS. Ngô Bảo Châu. |
Ngày 19-8, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabat (Ấn Độ), Giáo sư Ngô Bảo Châu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Fields-giải thưởng quốc tế danh giá được ví như một giải “Nobel toán học”. Đích thân Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã trao Huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Giải thưởng Fields tổ chức 4 năm một lần và chỉ dành cho các nhà toán học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhưng dưới 40 tuổi, mỗi lần trao cho không quá 4 người. Trong lịch sử 70 năm hình thành giải thưởng này (1936-2006), đã có 48 người nhận giải, trong đó chỉ có 4 người đến từ châu Á, gồm 3 người Nhật Bản và một người Mỹ gốc Trung Quốc. Vì thế, việc Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng này là một kỳ tích, khẳng định Toán học Việt Nam đã có nhân tố đỉnh cao, sánh ngang các cường quốc Toán học quốc tế.
Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa học. Năm 2005, khi mới 33 tuổi, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị Giáo sư trẻ nhất nước.
7- Giá vàng “nhảy múa”
Sự can thiệp của NHNN khi cho nhập khẩu vàng đã làm cho thị trường vàng và USD hạ nhiệt. Ảnh: Getty Image |
38,5 triệu đồng là giá một lượng vàng trong nước vào ngày 9-11-2010, cao nhất trong lịch sử. Tương tự, giá USD trên thị trường tự do tăng lên 21.500 đồng. Ngay sau đó, giá vàng và USD lập tức hạ nhiệt khi Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng, bơm ngoại tệ ra thị trường. Nguyên nhân giá vàng trong nước “nhảy múa” được góp sức bởi đà tăng của giá vàng thế giới, yếu tố tâm lý, và kể cả yếu tố đầu cơ… Thị trường tài chính năm 2010 đầy biến động, kết thúc bằng cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại, mà đỉnh điểm là Techcombank nâng lãi suất huy động VND lên đến 17%/năm, khiến Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó phải “thổi còi”, yêu cầu ngân hàng này hạ lãi suất.
8- Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung
Lũ tràn qua quốc lộ 1A đoạn qua địa phận Quảng Nam trong đợt lũ tháng 11-2010. Ảnh: Đ.N |
Ba đợt lũ lụt lịch sử tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong tháng 9, 10 và 11-2010 đã làm 200 người chết và mất tích, hơn 168 người bị thương, tổng thiệt hại 10.300 tỷ đồng. Thiệt hại chủ yếu xảy ra trong hai đợt mưa lũ ở Bắc Trung Bộ, địa phương có số người chết và mất tích lớn nhất là Quảng Bình (72 người), tiếp đến là Hà Tĩnh (31 người) và Nghệ An (30 người). Hà Tĩnh được xem là địa phương có số thiệt hại lớn nhất với 5.200 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính gây lũ lụt lịch sử ở miền Trung là sự biến đổi khí hậu, mưa lớn kéo dài liên lục. Bên cạnh đó, hàng loạt hồ thủy điện xả lũ đúng vào thời điểm đỉnh lũ được cho là đã góp phần gây nên lũ lớn. “Tôi chưa từng nói không có sự liên quan giữa lũ lụt và thủy điện”, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói như vậy trên diễn đàn Quốc hội ngày 22-11.
9- Mẹ Thứ vĩnh viễn ra đi
Mẹ Nguyễn Thị Thứ |
1 giờ 40 phút ngày 10-12, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 106 tuổi, để lại bao nuối tiếc xót xa không chỉ cho gia đình và hàng ngàn người dân…
Mẹ Thứ sinh năm 1904, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ sinh được 12 người con đều khỏe mạnh, xinh đẹp và từng ước ao sẽ có một đàn cháu để vui vầy lúc tuổi già. Thế nhưng, cả cuộc đời mình Mẹ đã 11 lần tiễn con, cháu ra đi rồi lại khóc thầm lặng lẽ khi các anh không về. Nén đau thương, Mẹ cùng những người con còn lại vẫn âm thầm đào hầm để nuôi giấu cán bộ, du kích… Không chỉ là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc, họa, Mẹ Thứ còn được lấy làm nguyên mẫu để xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đặt tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Lễ tang của Mẹ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tổ chức trang trọng tại tư gia. Hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đến viếng. Mẹ ra đi khi công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lấy hình ảnh Mẹ làm biểu tượng vẫn còn dang dở. Dẫu vậy, hình ảnh Mẹ đã khắc tạc trong lòng biết bao thế hệ những người con đất Việt thì vẫn cứ còn mãi, sáng rỡ, trường tồn trên thế gian này.
10- Thể thao Việt Nam 2010 - Một bước lùi...
Năm 2010 đánh dấu một bước lùi đáng ngại của Thể thao Việt Nam trên đấu trường châu Á.
Tham gia ASIAD Guangzhou 2010 với số lượng thành viên kỷ lục (398 người, trong đó có 267 VĐV), tranh tài 26/42 môn thi đấu và chỉ tiêu giành 4-6 HCV, thế nhưng, đoàn Thể thao Việt Nam chỉ giành vỏn vẹn 1 HCV của Karate-ka Lê Bích Phương (ảnh) cùng 17 HCB, 15 HCĐ. So với thành tích của các kỳ ASIAD trước, rõ ràng đây là một bước lùi của chúng ta nếu nhớ lại, trong lần đầu trở lại với ASIAD Hiroshima 1994 và Bangkok 1998 với 1 HCV rồi tăng lên 4 HCV (Busan 2002) và 3 HCV (Doha 2006).
Cũng trong năm 2010, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã trở thành cựu Vương khi chia tay AFF Suzuki Cup 2010 trong sự thất vọng với lối chơi nhạt nhòa. Đặc biệt, trong 2 trận bán kết trước Malaysia vốn không được đánh giá cao.