Cứ vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn rất lớn, đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao cảnh giác với “bà hỏa”.
Những mặt hàng như hương đèn, vàng mã luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ
Cuối năm là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập kết hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Thời điểm này cũng diễn ra nhiều hoạt động như lễ hội, thắp hương, đốt vàng mã thờ cúng, dẫn đến nguy cơ cháy, nổ rất cao. Trong khi đó, ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) của nhân dân cũng như một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và chưa được chú trọng. Cho đến nay, người dân khu vực đường Võ Văn Tần (quận Thanh Khê) vẫn nhớ như in vụ hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở hàng mã lớn nhất thành phố Đà Nẵng ở số 20/1 Võ Văn Tần trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của lực lượng cảnh sát PCCC, vụ hỏa hoạn mới giảm được thiệt hại đáng kể, không có thiệt hại về người.
Hiện nay, mặc dù Tết Nguyên đán còn gần một tháng nữa mới đến, song ở tại hầu hết các chợ, lượng hàng hóa đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp hai. Đặc biệt trong đó, các mặt hàng dễ cháy như áo quần, hương đèn, vàng mã về nhiều chất chồng chồng, lớp lớp. Tại một số cơ sở kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng giăng mắc bừa bãi, ngay sát với hàng dễ cháy; vẫn còn tình trạng nhiều người lén lút thắp hương trong chợ, nhiều trung tâm buôn bán chưa chú trọng công tác PCCC, không có cả lối thoát hiểm khi cần thiết (do bị che chắn)… Tất cả đó là những nguy cơ tiềm ẩn cao về cháy nổ tại thời điểm này. Thiếu tá Nguyễn Thành Nam, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố cho biết: Trong năm 2010, thành phố Đà Nẵng xảy ra 73 vụ cháy lớn, nhỏ gây thiệt hại gần 42 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do bất cẩn trong sử dụng lửa, điện (chiếm trên 80% số vụ cháy). Bên cạnh đó, ý thức phòng, chống cháy nổ của một bộ phận cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân chưa cao; lực lượng chữa cháy tại chỗ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác PCCC tại chỗ.
Chủ động phòng cháy, chữa cháy
Thượng tá Nguyễn Huy Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an thành phố cho biết, thực hiện các kế hoạch chỉ đạo của Bộ Công an và Công an thành phố Đà Nẵng về tăng cường công tác PCCC trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Phòng Cảnh sát PCCC đã xây dựng nhiều kế hoạnh hành động. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền tại các điểm và lưu động đến với nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức công tác PCCC. Đồng thời, tổ chức kiểm tra định kỳ và tổ chức phương án diễn tập PCCC tại các cơ sở dịch vụ, các trung tâm kinh doanh lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ; nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng chữa cháy tại chỗ ở các cơ sở, dịch vụ, các chợ.
Riêng đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, Thượng tá Nguyễn Huy Phong cho biết, luôn bảo đảm về con người và phương tiện hiện có, trong tư thế sẵn sàng, có lệnh là lên đường dập “giặc lửa”. Bên cạnh đó, phòng triển khai lực lượng bố trí tại các địa điểm trung tâm thành phố để cơ động nhanh khi có hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, Thượng tá Phong khuyến cáo, trong dịp Tết các doanh nghiệp nên thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật hệ thống điện tại nơi làm việc và khu sản xuất, để kịp thời phát hiện các sự cố về điện. Ở các chợ, cần bố trí kệ hàng hóa thông thoáng, không lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn… Cần bố trí lực lượng bảo vệ trực, tuần tra, nhất là vào ban đêm, ngày lễ, Tết để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ cháy. Các hộ gia đình khi cúng, thắp hương, đốt vàng mã phải có người trông coi. Mỗi hộ gia đình cần trang bị một bình chữa cháy để dập lửa kịp thời khi phát hiện hỏa hoạn...
Xuân Tân Mão 2011 đang về. Để mọi người dân được hưởng trọn niềm vui trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi người chúng ta hãy nêu cao ý thức cảnh giác với các nguy cơ cháy, nổ, nâng cao ý thức trách nhiệm về PCCC, để có thêm một mùa xuân an lành...
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ