.

“Con xin gọi chú là cha”...

.

“Con hứa từ nay sẽ tu chí làm ăn, không trộm cắp, quậy phá nữa. Từ giờ con gọi chú là cha chú nhé” - Nguyễn Văn Thành (18 tuổi, ở tổ 32, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) nói với người cựu chiến binh đã giúp đỡ mình.

 

Mô tả ảnh.
Người cựu chiến binh này vẫn bền bỉ với công tác cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên hư.

Hơn 5 năm làm công tác Hội Cựu chiến binh, chưa bao giờ người lính này xúc động đến thế. Nhận giúp đỡ Thành đã hơn một năm nay, ông Trần Công Kinh (ảnh) (57 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Nam - như một người thầy, người cha. Không chỉ nhắc nhở, khuyên răn Thành những điều hay, lẽ phải mà ông còn giúp em khi thì tấm bánh, lúc cái áo và gần đây nhất là chiếc xe đạp trị giá 1,5 triệu đồng để em có phương tiện đi lại.

Cũng chính ông Kinh là người đã lặn lội đi xin cho Thành làm bốc xếp ở chợ Đầu mối. Nhà Thành có hai anh em đều thất học đi trộm cắp vặt. Cha chết trong một lần uống rượu say, mẹ thì suốt ngày rong ruổi ngoài đường mua bán phế liệu, anh em Thành lớn lên như cây rừng, cỏ dại, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Một thời anh em Thành là nỗi lo sợ, dè chừng của bà con xóm giềng. “Từ ngày được Hội Cựu chiến binh thành phố mà chủ yếu là bác Trần Công Kinh theo dõi, giúp đỡ, cháu nó tiến bộ hẳn, lo tu chí làm ăn, không còn theo đám bạn xấu nữa, tôi cũng mừng” - Mẹ Thành bộc bạch.

Thành chỉ là một trong 6 em thiếu niên hư, 4 em sau cai nghiện về cộng đồng được ông Kinh giúp đỡ. Trong năm 2007-2008, ông đã giúp đỡ 4 em tiến bộ, có việc làm. 3 em sau cai nghiện vừa được công nhận hoàn lương, hòa nhập tại cộng đồng, hiện giờ đang mở cửa hàng bán phụ tùng ô-tô, cà-phê giải khát và làm nghề sửa xe. Không chỉ cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên hư, ông Kinh còn tích cực giúp 63 hội viên cựu chiến binh vay 397 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo việc làm cho 45 lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ những đồng vốn ấy.

 

Năm 2001: Ông Trần Công Kinh được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen là hội viên có thành tích trong phong trào phòng chống ma túy
Từ 2005-2010: Được Thành Hội tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội.

Tuy nhiên, cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là một số hội viên mượn thì có mượn nhưng… không muốn trả. Nhưng bấy nhiêu cũng không làm giảm đi quyết tâm của ông Kinh, không làm mất lòng tin của ông đối với con người. Bằng bản lĩnh, sự bền bỉ của người lính, ông lại tiếp tục đi “gõ cửa” từng nhà, thuyết phục, động viên họ. Vậy là trong số 5 hộ không chịu trả, đã có 3 hộ trả được 8,8 triệu đồng. Ông Kinh cũng chính là người đề xuất và tích cực nhất trong hoạt động cắm biển an toàn, văn minh trên 13 tuyến đường trong khu dân cư với tổng chiều dài gần 6 ngàn mét, qua 36 tổ dân phố và đoàn thể bạn. Cứ mỗi sáng chủ nhật, ông lại vận động hội viên dọn vệ sinh đều đặn để giữ cho con đường luôn sạch đẹp.

Tham gia cách mạng năm 19 tuổi, cả cuộc đời ông rong ruổi khắp các chiến trường. Đến khi về hưu, dẫu đôi chân đã mỏi, ông vẫn tích cực tham gia công tác tại địa phương như: Trưởng ban phòng chống tệ nạn xã hội phường Hòa Cường (cũ), trưởng ban bảo vệ dân phố, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường… Vào những dịp như: tuyển quân, giao quân, phòng chống tội phạm…, người ta lại thấy người cựu chiến binh già lặng lẽ đi vận động, họp hành cả ngày lẫn đêm, ngày mưa cũng như nắng. Ông Kinh bật mí: Ông có một “quỹ” riêng từ tiền bồi dưỡng họp hành các cấp chỉ để gọi điện thoại dặn dò, hỏi thăm các cháu thiếu niên hư để theo dõi, giáo dục các em.

Người cựu chiến binh này dường như đã tự bằng lòng với mình khi có một gia đình đầm ấm, 3 con ăn học thành người. “Tôi chỉ mong sao giúp cho được nhiều hội viên thoát nghèo, các em có việc làm, không sa vào hư hỏng” - ông Kinh bộc bạch. Nụ cười mãn nguyện rạng ngời trên khuôn mặt người cựu chiến binh này khiến tôi hiểu rằng: “Hạnh phúc là từ những điều giản dị như thế”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.