Từ ngày thông hầm đường bộ Hải Vân (năm 2005) đến nay, đường đèo Hải Vân thưa thớt hẳn, chỉ có khách du lịch ngao du tham quan. Quán hàng vắng khách, người đi về ít lại, nhưng sống riết trên này quen rồi, cũng chẳng muốn “hạ sơn” nữa”. Đó là tâm sự của cô chủ hàng nước nhỏ bé nằm vắt vẻo lưng chừng đèo Hải Vân trong một lần chúng tôi vượt đèo, ghé lại.
Quán hàng đìu hiu lưng chừng đèo Hải Vân. |
Đi dọc con đường phía Nam đèo Hải Vân từ chân đèo lên đến đỉnh, quan sát kỹ cũng chỉ thấy vài ba cái quán cóc xập xệ bên đường. Hàng quán chẳng có gì ngoài mấy chai nước ngọt, nước suối, dăm bao thuốc lá, vài ba thứ kẹo ngọt. Thế nhưng, đó là tất cả cuộc sống của chủ quán vẫn ngày ngày trông chờ khách qua đường ghé lại mua hàng, uống nước và... trò chuyện. “Ngày trước, dọc con đường này nhộn nhịp và đông vui, bây giờ vắng lắm, chỉ thưa thớt vài vị khách chạy xe máy qua đèo, thi thoảng có dăm ba cái xe tải chạy qua nhưng cũng ít khi dừng lại, nên rất “thèm người”.
Ngày ngày chúng tôi vẫn xuống chợ Nam Ô để mua thực phẩm. Ở trên này thì muốn xuống phố, nhưng cứ xuống chợ một chút thì lại muốn quay lên, cảm giác nếu mình đi lâu quá, lỡ có ai qua đường khát nước hoặc cần một chỗ nghỉ chân thì lại không yên tâm. Một ngày cô chỉ kiếm được vài ba chục ngàn, đủ sống thế thôi, cũng chẳng cần gì nhiều với thân già nơi đèo vắng này. Có đau ốm hay việc gì thì về lại dưới Nam Ô, con cháu ở đó cả. Dù chúng nhiều lần thuyết phục cô về sống, nhưng ở đây tự do, tự tại, không khí trong lành, cuộc sống bình yên chẳng va chạm với ai cả” - bà chủ quán nước bên đường đèo đã qua tuổi 70 tâm sự.
Đứng từ lưng chừng đèo nhìn về phía làng Vân xa vời vợi. Xa hơn dưới kia, thành phố vẫn nhộn nhịp và xô bồ. Khí lạnh và gió ngàn se se làm cho cái vắng vẻ, quạnh hiu quán đèo càng thêm hoang hoải. Trong khoảnh khắc, mỗi người tự theo đuổi những suy nghĩ riêng mình, bà chủ hàng nước bỗng nhắc chúng tôi tranh thủ xuống đèo kẻo quá chiều gió lạnh.
Bỏ lại quán nước bên đường của bà cụ, chúng tôi ghé thăm đỉnh đèo Hải Vân, nơi được gọi là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Trên tận đỉnh đèo, vẫn là gió ngàn và cái se se lạnh của đèo cao, quán vắng, khu “Trung tâm đỉnh đèo” đã từng là nơi buôn bán sầm uất, rầm rộ nhiều năm về trước, nhưng nay cũng thưa dần người qua. Vợ chồng chị Lý, nhà ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, lên đây “lập nghiệp” buôn bán từ năm 1992 kể: “Đã gần 30 năm gắn bó với nơi này, tôi cảm nhận được sự đổi thay dù rất nhỏ ở đây. Khách mua hàng chủ yếu là khách du lịch, họ lên đây để chiêm ngưỡng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và thưởng ngoạn cái không khí se se của gió ngàn và mây núi. Từ việc bán hàng thông dụng cho khách đi đường dừng chân ngày trước, thì nay chuyển sang chủ yếu là hàng lưu niệm và một số đồ uống cho khách du lịch, đi đường vượt đèo bằng xe máy qua về giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế”.
Dọc con đường đi xuống, ghé lại quán cà-phê cóc bên đường, gọi là quán cho sang, chứ chỉ là cái lều có mấy tấm tôn che tạm sơ sài, một cái bàn nhỏ với bốn chiếc ghế nhựa đã bạc màu, hai bên quán có thêm chiếc võng cho khách qua đường mệt dựa lưng. Chị chủ quán ân cần mời khách ly cà-phê chiều: “Cũng chẳng sung sướng gì cho cam khi phải lủi thủi lên chốn hoang vu đèo cao này để kiếm sống, nhưng cuộc sống, số phận nó bắt vậy, mình không theo nổi cái xô bồ, tấp nập của phố thị thì phải “chạy” lên đây thôi”.
Bài và ảnh: MINH SƠN