Qua 5 năm thực hiện Luật Thanh tra về Thanh tra nhân dân (TTND), hoạt động của các Ban TTND trên địa bàn thành phố đã đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát thực hiện Quy chế dân chủ...
Đa số các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và nhân dân đã nhận thức đúng về vai trò, mục đích, tính chất giám sát của TTND và đã phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, đồng thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do bước đầu mới thực hiện nên hoạt động giám sát của các Ban TTND vẫn còn gặp nhiều lúng túng, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị trí và chức năng theo quy định của pháp luật.
Bà Hà Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng, hiện nay sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ nên hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban TTND vẫn còn hạn chế. Có nơi cấp ủy Đảng chưa hiểu đầy đủ về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Ban TTND, chưa coi trọng công tác giám sát của Ban TTND là nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra của Đảng, vì vậy chưa thực sự quan tâm kiện toàn khâu tổ chức cán bộ đủ mạnh để Ban TTND hoạt động có hiệu quả.
Trong khi đó, UBND các cấp cũng chưa thật sự hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban TTND theo quy định của Luật Thanh tra nên vẫn còn đâu đó xem Ban TTND như là một bộ phận của chính quyền để giám sát nhân dân, chứ không phải để giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở. Do đó, việc phối hợp giữa UBND và Ủy ban Mặt trận các cấp còn thiếu đồng bộ, thiếu quan tâm, nhất là cơ chế phối hợp và bảo đảm kinh phí để Ban TTND hoạt động.
Theo Ban TTND phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ), hiện Ban TTND phường có 11 thành viên được nhân dân bầu lên từ các khu dân cư. Ngoài khoản kinh phí được phân bổ (6 triệu đồng/năm) từ cấp trên, UBND phường phải chi hỗ trợ thêm khoảng từ 1,2 - 2 triệu đồng/năm cho công tác hoạt động TTND. Tuy nhiên, khối lượng công việc mà Ban TTND phải làm là rất lớn như giám sát việc khiếu nại tố cáo tại phường, giám sát việc quản lý và sử dụng đất, việc thực hiện các dự án đầu tư tại phường bằng các nguồn vốn, việc thực hiện chế độ chính sách người có công...
Một khó khăn lớn hiện nay nữa là nhận thức về công tác giám sát của người làm công tác TTND chưa thực sự sâu sắc do năng lực, trình độ và nghiệp vụ còn hạn chế. Nhiều Ban TTND vẫn chưa có chương trình kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý, hằng năm nên nhiều nơi còn gặp lúng túng trong việc triển khai công tác. Ông Trần Kín, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Thuận Tây (Hải Châu) cho biết, các thành viên Ban TTND phường thường xuyên thay đổi, năng lực chuyên môn hạn chế nên việc giám sát của TTND nói chung, đặc biệt lĩnh vực giám sát đầu tư của cộng đồng còn nhiều bất cập. Sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan liên quan còn hạn chế, do đó trong hoạt động còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Ông Đỗ Trọng Bê, Chủ tịch UBND phường An Hải Tây (Sơn Trà) cũng nhận định rằng, thực tế vẫn còn một số cán bộ công chức của phường và bộ phận nhân dân vẫn chưa hiểu hết về vai trò, nhiệm vụ của TTND. Từ đó nhận thức lệch lạc, có lúc xem tổ chức TTND như là công cụ của chính quyền, cụ thể là thường xuyên cử TTND đi điều tra xác minh vụ việc cho UBND. Thậm chí, đôi khi trả lời các kiến nghị của TTND không theo quy định của pháp luật. Do đó, để Ban TTND phát huy hết chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Thanh tra, thành phố cần thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Ban TTND để nâng cao kỹ năng giám sát. Bên cạnh đó, cần có chủ trương bố trí 1 chức danh Trưởng ban TTND là cán bộ không chuyên trách ở cấp phường và không phải kiêm nhiệm nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động của Ban TTND.
Theo Luật Thanh tra quy định mỗi Ban TTND có từ 9-11 thành viên, tuy nhiên trong thực tế có những phường địa bàn rộng, dân đông nên số lượng thành viên trên không đảm bảo sâu sát trong hoạt động giám sát, vì vậy cần cơ cấu lại số lượng thành viên của Ban TTND sao cho phù hợp với từng điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Tâm lý chung hiện nay cho thấy, người làm công tác TTND vẫn còn ngại va chạm với cấp trên, do đó để làm tốt công tác TTND đòi hỏi phải có bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, mạnh dạn đề xuất kiến nghị để nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát, nhằm phát huy tốt hơn vai trò làm chủ của nhân dân.
Bài và ảnh: GIA HUY