(ĐNĐT) - Làm sao để thế hệ trẻ hôm nay và nhiều thế hệ mai sau luôn ý thức rằng: Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, cha ông ta nhiều đời đã khai phá, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền. Cuộc gặp gỡ hàng năm vào ngày 19-1-2011, các nhân chứng từng sống và công tác tại quần đảo Hoàng Sa luôn trăn trở điều này.
|
Ông Nguyễn Văn Cúc say sưa kể chuyện Hoàng Sa |
Ký ức Hoàng Sa
Đến dự cuộc gặp mặt năm nay, do UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức, có mặt 5 nhân chứng đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng, gồm các ông: Trần Văn Sơn, Võ Như Dân, Phạm Khôi, Nguyễn Văn Cúc, Phạm Sô.
Các ông đều từng nghe câu chuyện của nhau về ký ức Hoàng Sa nhưng không hiểu sao cứ gặp nhau ai cũng hào hứng kể lại và ai cũng chú tâm lắng nghe. Đôi khi, nhắc nhau từng chi tiết nhỏ mà người kia quên mất.
Ông Nguyễn Văn Cúc vẫn còn nhớ như in ngày ông Táo về trời (23 tháng Chạp) năm Kỷ Dậu (1969) ông xuống tàu ra đảo lần thứ 3 và đó cũng là lần cuối cùng. Sau sự kiện quần đảo Hoàng Sa bị đánh chiếm ngày 19-1-1974, ông bị bắt làm tù binh. Sau 3 tháng lưu đày nơi đất khách quê người, ông mới được trao trả tại Hồng Kông.
Nhớ lúc trước canh giữ đảo rất bình yên, ngư dân nhiều nước thường ghé vào xin nước ngọt, những người làm nhiệm vụ bảo vệ đảo rất sẵn lòng. Hơn nữa, đó cũng là dịp để gặp gỡ người, trò chuyện với khách dù chỉ bằng cử chỉ chứ đâu có hiểu tiếng của nhau. “Mình cho nước, họ biếu lại con mực, con cá thấy cũng vui. Lâu lâu gặp vài người cũng đỡ nhớ nhà”, ông Cúc nhớ lại.
Ông Phạm Khôi vẫn nhớ cụm đảo nơi ở chỉ có một đường vào duy nhất bằng ca nô. Xung quanh toàn đá san hô, tàu lớn không thể vào được. Ông cho biết hiện nay ông đang vẽ lại tấm bản đồ về con đường đi vào đảo. Ông Võ Như Dân, vốn là nhân viên khí tượng với 18 lần ra đảo đo gió, đếm mưa thì thuộc đảo như lòng bàn tay. Ở Hoàng Sa một năm có bao nhiêu cơn bão, mưa nhiều nhất tháng nào ông đều rõ cả.
Kiên trì đấu tranh “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”
Trong buổi gặp mặt, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, đã thông báo về những hoạt động nổi bật của UBND huyện đảo Hoàng Sa trong năm qua là hoạt động tham gia cuộc triển lãm “Đà Nẵng – 35 năm xây dựng và trưởng thành”.
|
Ông Đặng Công Ngữ giới thiệu bản thảo "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
Gian trưng bày của huyện được bình chọn là thu hút nhiều người nhất đến tham quan. Hàng nghìn lượt đồng bào trong nước và nhiều người nước ngoài đã đến tham quan phần triển lãm giới thiệu các tư liệu lịch sử, hiện vật liên qua đến quá trình khai thác và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhiều người dân đã ghi vào sổ cảm tưởng về tình cảm thiêng liêng đối với phần lãnh thổ máu thịt này.
Hoàng Sa cũng nhận được sự quan tâm của đồng bào cả nước. Trong đó, đặc biệt là sự kiện cụ bà Phan Thị Phán ở tỉnh Hải Dương đã tự tay may tặng UBND huyện đảo lá cờ rộng 100m². Cũng trong năm qua, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết đặt tên đường Hoàng Sa và đường Trường Sa cho tuyến đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc.
Các nhân chứng đều rất phấn khởi trước những kết quả hoạt động của UBND huyện đảo Hoàng Sa. Hoạt động này đã góp phần quan trọng gây nhận thức sâu rộng trong đồng bào trong và ngoài nước về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng.
Đề xuất với Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, các nhân chứng đề nghị, để thế hệ trẻ nay và nhiều thế hệ mai sau luôn ý thức rằng Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây ,cha ông ta nhiều đời đã khai phá, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục để bất cứ ai là người Việt cũng luôn nhớ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Ông Đặng Công Ngữ đồng tình với đề xuất của các nhân chứng: Cuộc đấu tranh vì chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là phải kiên trì, lâu dài. Hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển đảo cũng phải thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trước mắt, UBND huyện đảo Hoàng Sa tiếp tục hoàn thiện và xuất bản kỷ yếu Hoàng Sa trong năm 2011 và tiếp tục liên lạc với các nhân chứng Hoàng Sa, sưu tầm các tư liệu, hiện vật có liên quan đến Hoàng Sa.
Bài và ảnh: Hoàng Anh