.

Một chuyến về nguồn

.

Hội Cựu chiến binh và tuổi trẻ Viễn thông Đà Nẵng vừa có một chuyến đi ngược về quá khứ, tìm đến các địa chỉ đỏ giữa lòng thành phố, đến với những mảnh đất, con người đã góp phần làm nên lịch sử của thành phố Đà Nẵng anh hùng.

 

Mô tả ảnh.
Các cựu chiến binh và tuổi trẻ Viễn thông Đà Nẵng bên một căn hầm bí mật còn lại tại Căn cứ K20.

Hơn 35 năm sau giải phóng là một khoảng thời gian khá dài, đủ để những ký ức về một thời máu lửa dường như lắng lại, lùi sâu vào tâm thức, nhường chỗ cho những lo toan của cuộc sống mưu sinh. Nhưng với những người đã từng trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu, góp phần giải phóng thành phố Đà Nẵng thì quá khứ gian lao mà oanh liệt của ngày hôm qua vẫn không bao giờ phai nhạt. Hăm hở và xúc động ngập tràn, đó là tâm trạng của  hầu hết những thành viên trong đoàn khi tổ chức chuyến đi ngược dòng lịch sử này.

Địa chỉ đỏ đầu tiên mà Đoàn đặt chân đến là Căn cứ lõm K20 ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Mảnh đất này nổi tiếng trong chiến tranh là nơi nuôi giấu, chở che cho hàng trăm cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng đi về hoạt động, lãnh đạo nhân dân và phong trào đấu tranh cách mạng trong suốt những năm kháng chiến, trong đó có các đồng chí như Trần Thận, Hồ Nghinh... Từ năm 1945 đến 1975, người dân Căn cứ K20 đã đào 157 căn hầm, vừa trực tiếp nuôi giấu cán bộ vừa đánh giặc, chiến đấu tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ, ngụy, tề điệp, kiên cường bám giữ không cho kẻ thù cày xới, bảo vệ an toàn căn cứ suốt hàng chục năm trời.

Trong Nhà truyền thống của căn cứ, còn lại nhiều di ảnh những cán bộ, chỉ huy năm xưa như Ba Vân, Bảy Búa, Năm Thông, Lê Độ... đã từng đi về, chiến đấu ở căn cứ lõm này giờ đã đi vào lịch sử. Những người dân đã từng đào hầm nuôi giấu, bảo vệ cán bộ đến cùng như bà Hải, ông Huỳnh Trưng, bà Nhiêu... nhiều người giờ cũng không còn nữa. Nhưng sự hy sinh cao cả và tinh thần dũng cảm, ngoan cường của họ thì vẫn còn mãi trên dấu tích của từng kỷ vật trong Nhà truyền thống. Tìm về lịch sử, những cựu chiến binh và tuổi trẻ Viễn thông Đà Nẵng thêm một lần cảm phục, ngưỡng mộ trước sự hy sinh thật lớn lao, vĩ đại của nhân dân cho sự nghiệp giải phóng đất nước, quê hương.                   

Đặt chân đến nơi đây với những cái tên xóm Nước Mặn, xóm Mồ Côi, tận mắt nhìn thấy những căn hầm bí mặt, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, những con người chất phác, giản dị đã từng tham gia nuôi giấu cán bộ như bà Huỳnh Thị Hữu - vợ ông Huỳnh Trưng, những người đã từng bị địch bắt, tra tấn tù đày như ông Nguyễn Phán - nguyên Bí thư chi bộ, mỗi người trong đoàn mới càng hiểu thêm nguồn cội và sức mạnh làm nên sự tích anh hùng của mảnh đất huyền thoại giữa lòng Đà Nẵng. Những nhân chứng ấy, những căn hầm ấy chính là bài học lịch sử sinh động, thiết thực nhất mà các bạn trẻ Viễn thông Đà Nẵng thu hoạch được trong chuyến đi này. Anh Nguyễn Thành Long- Bí thư Đoàn Viễn thông Đà Nẵng cho biết: “Chuyến đi thực tế này đã giúp chúng tôi cảm nhận lịch sử anh hùng của quê hương, của nhân dân Đà Nẵng bằng những gì chân thực, cụ thể nhất, từ đó góp phần bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sự quyết tâm hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của tuổi trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, đưa đất nước đi lên”.

Không chỉ tìm về địa chỉ đỏ, chuyến đi này còn là dịp để các cựu chiến binh và tuổi trẻ Viễn thông Đà Nẵng thắp hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ của ngành giao bưu tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ.     

Từ chuyến đi này, các cựu chiến binh và đồng nghiệp trẻ tuổi Viễn thông Đà Nẵng lại thêm một lần tự hào về lịch sử, thêm một lần thấy mình còn nặng nợ với quê hương, với những người đã từng sống, chiến đấu và hy sinh cho đất nước. Để nhìn lại mình và cảm nhận phải sống sao cho thật tốt, thật ý nghĩa, để không bao giờ phải hổ thẹn với quá khứ của một quê hương Đà Nẵng anh hùng.

H.H

;
.
.
.
.
.