.

Người chăm mai

.

Ngắm vườn mai gần 600 chậu đặt trong trụ sở UBND quận Thanh Khê ai cũng phải ngỡ ngàng, xuýt xoa. Hỏi ra mới biết đó là “vườn” mai của ông Nguyễn Ngọc Hiến (71 tuổi), trú tại tổ 16, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê.Về hưu từ năm 2005, suốt từ đó đến nay ông có điều kiện dành hết thời gian và công sức cho niềm đam mê trồng mai chậu đã đeo đuổi ông gần 40 năm nay.

 

Mô tả ảnh.
Ông Hiến ngày ngày miệt mài chăm mai trong vườn.

Là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Khu 5, thương binh hạng 4/4, sau ngày đất nước thống nhất (1975), ông Hiến phục viên, chuyển về Sở Y tế làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Cũng từ đó, ông bắt đầu trồng mai chậu và “chăm mai cho thiên hạ”. “Trước đây, bố tôi cũng có sở thích trồng, chăm mai chậu, niềm đam mê ấy ngấm vào tôi từ đó. Sau khi đất nước thống nhất, tôi có điều kiện vừa làm việc Nhà nước, vừa theo đuổi niềm đam mê riêng của mình”, ông Hiến tâm sự. Nói về “nghiệp” trồng, chăm mai chậu, ông cho biết: “Người trồng mai cũng như nhiều nghề khác, trước hết phải có niềm đam mê thực sự.

Đối với cây mai, hoa mai là sự kết tinh của vẻ đẹp tinh hoa về tinh thần, tâm hồn của con người theo văn hóa cổ truyền phương Đông. Cho nên người trồng mai cũng phải hiểu, thấm nhuần cái bản sắc văn hóa đó thì mới “tạo dáng” cho cây mai ra hồn, nở sao cho đúng dịp”. Cây mai cũng không giống với các loại sinh vật cảnh khác, nó là một loài có đặc thù riêng, đó là điều tạo ra sự khác biệt, nhưng cũng là cái khó cho người trồng, chăm mai.

Theo ông Hiến, người trồng, chăm mai khó khăn nhất đó là nó hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, lạnh quá thì nở muộn, nóng quá thì nở sớm, chưa kể đến việc phá hoại của các loại sâu bọ, bệnh tật mà chưa hề có một loài thuốc đặc trị. Một khó khăn nữa đó là sự đa dạng của chủng loại mai, “mỗi cây mỗi tính, mỗi tật”. Trong nhiều loài mai phải kể đến như mai Hồng Diệp, Thanh mai, mai Gối, mai Ổi, mai Chè, mai Cúc… sống ở nhiều vùng khác nhau, nên khi về chăm tại một vườn, nếu người trồng, chăm mai không hiểu được đặc điểm riêng của từng loại thì coi như thất bại.

Trong vườn mai gần 600 chậu của ông Hiến, có đến 2/3 số chậu là của “thiên hạ” gửi chăm. Khi được hỏi tiền công, ông Hiến cười: “Đủ loại, có cây chăm 1 trăm ngàn, 2 trăm ngàn, 5 trăm ngàn cũng có. Bình quân mỗi cây chăm trong vòng một năm khoảng 3 trăm ngàn”.

Năm nay người trồng mai mất mùa, phần là vì cây mai không có các loại thuốc đặc trị, nhưng cơ bản năm nay có nhiều đợt rét kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình “thúc” cho mai nở đúng độ. Nhìn vườn mai hàng trăm chậu, chỉ rải rác số ít cây đầy búp, bà Chín, vợ ông Hiến đang hí húi lau thân cho mai than thở: “Gắng sao giữ ẩm cho mai nở đúng dịp giáp Tết, chứ không thì trắng tay”. Ông cho biết thêm, nếu vườn mai trúng mùa thì cũng chỉ được khoảng 70% số mai chăm là đạt được yêu cầu về dáng, về số nụ, nở đúng dịp (từ 25 tháng Chạp Âm lịch cho đến 15 tháng Giêng Âm lịch), còn bình thường chỉ đạt 50% số chậu nở đúng độ, như năm nay thì chỉ còn khoảng 30-40% là may.

Kể về nghề chăm mai của mình, ông Hiến chia sẻ thêm: “Mình làm trước hết vì đam mê, ban đầu do sở thích, chỉ trao đổi với một số bạn chơi mai với nhau. Sau thấy nhu cầu xã hội cần mai cảnh nên mở rộng vườn mai, nhận chăm mai cho người ta để kiếm đồng ra đồng vào, góp phần ổn định cuộc sống. Chăm mai cho người ta cũng có khi vui khi buồn, vui là vì năm nào thời tiết thuận lợi, cây mai nở đều, đẹp, đúng dịp thì tiền công cũng dư giả ăn Tết; buồn là năm nào thời tiến thất thường, cây mai cũng thất thường theo. Người ta không nhận mai thì coi như công chăm cả năm mất trắng, người thương thì cho dăm bảy chục, người không thương thì chẳng cho đồng nào cũng phải chịu”.

Nhớ Cao Bá Quát xưa chỉ biết cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai (nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Ngày nay nhìn nhà nhà ngày Tết đều có chậu mai như một biểu tượng đẹp cho sự thanh tao, khí phách con người mới hiểu hết giá trị tinh thần của nó ăn sâu vào tiềm thức trong văn hóa truyền thống người Việt đến mức nào. Nhưng để có được những chậu mai đẹp, ưng ý, có ai hiểu hết nỗi niềm của người trồng, chăm mai mỗi ngày?

Bài và ảnh: Trọng Huy

;
.
.
.
.
.