.

Những cua-rơ ngoài 50

.

Dù ở tuổi trên 50, thậm chí 80, họ vẫn là những tay đua bền bỉ thi tài cùng những người thua mình cả vài chục tuổi trong Câu lạc bộ xe đạp thể thao Đà Nẵng (gọi tắt là CLB).

Mô tả ảnh.
Ông Trần Hữu Dũng khoe con xe sườn carbon cao cấp.
Tuổi tám mươi vẫn... tráng kiện!

Người cao tuổi nhất mà vẫn tráng kiện của CLB là ông Nguyễn Văn Xuân. Dù ở tuổi tám mươi, râu tóc đã bạc, ông vẫn có dáng đứng thẳng, vững chắc và đi lại nhanh nhẹn, hoạt bát. Theo lịch trình, 5 giờ sáng hằng ngày, ông từ đường Nguyễn Hoàng đạp xe theo đường biển Nguyễn Tất Thành lên Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) rồi quành ngược về. Hơn mười năm nay, ông bền bỉ với hai chiếc xe: Một dùng để leo núi, vượt dốc; chiếc kia để đạp đường trường, rong ruổi khắp Đà Nẵng, Mỹ Sơn, Hội An, hoặc tham gia nhiều cuộc thi đua xe không chuyên khác được tổ chức tại các tỉnh bạn như An Giang, Nghệ An...

Trong số hơn 100 thành viên của CLB, khoảng 1/3 số người cao tuổi từ 60 trở lên lập thành một nhóm cùng luyện tập, thong thả thì uống cà-phê, tán gẫu. Không “kéo” được tốc độ 40 - 50km/h như tuổi trẻ, các cụ U60 trở lên vẫn kiên trì ở mức 30 - 35km/h. “Đi đâu cũng chậm hơn lớp trẻ chút, nhưng không sao”, cụ Xuân cười hề hề.

Xe đạp đã kéo các cụ lại với nhau, bất chấp những khó khăn, vui buồn trong cuộc đời. Có người như cụ Nguyễn Tạo, 72 tuổi, bị ung thư quai hàm đang chữa xạ trị ở Huế cũng nhớ bạn, hằng tuần đều về nhập nhóm đạp xe. Thậm chí, chiều hôm nay còn thở khò khè và phát sốt vì mệt, sáng hôm sau đã có mặt đúng giờ cùng đoàn đua đi diễu hành quảng bá du lịch và bảo vệ môi trường theo lời mời của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng vào sáng đầu năm 2011.

Mô tả ảnh.
Những cua-rơ trên 50 vẫn vững vàng cùng đoàn đua.  Ảnh: THU HOA

Đâu phải môn chơi “nhà nghèo”

Nếu U60 trở lên tìm tới xe đạp để giãn gân cốt, bớt các bệnh tuổi già như đau lưng, mỏi gối…, thì những người thuộc U50+ (trên 50 tuổi) ngoài mục đích rèn luyện sức khỏe, còn để thể hiện đẳng cấp. Chỉ khi tiếp xúc với họ, người ta mới hiểu: phải “rủng rẻng” tiền mới chơi được xe đạp. Bởi ông Trần Hữu Dũng, Chủ nhiệm CLB nói rằng: “Không có món chơi nào đỏm bằng chơi xe đạp”. Hầu hết có kinh tế và gia cảnh ổn định, họ bỏ ra hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD để “săn” cho được một con xe ưng ý. Vừa mua được chiếc mới, thấy người khác có chiếc “bốc” hơn, thể nào họ cũng ngấm ngầm mơ ước, dành dụm tiền đến khi mua được mới thôi. Có xe ngon lành chưa đã, họ phải thay phụ tùng này kia, đổi màu sắc bánh, vành… cho thiệt “dé”.

Chưa hết, theo ông Đặng Mới, thư ký CLB, người ta phải lùng cho ra những bộ đồ gồm quần, áo, mũ bảo hiểm, tất, găng tay cùng hiệu, cùng màu với xe, do các hãng nổi tiếng sản xuất. Số tiền cho mỗi bộ ít nhất cũng vài triệu. Vì quá mê, có người sở hữu 15 bộ cánh đồng bộ, chưa kể số áo, quần lẻ tẻ khác. Hầu hết xe, phụ tùng, áo quần cao cấp này được các tay đua đặt mua từ nước ngoài qua người quen hoặc qua mạng. Nhiều lúc, sợ vợ cằn nhằn, các tay đua phải báo giá mua đồ thấp bằng nửa, thậm chí bằng 1/5 giá trị thật.

Tuy nhiên, hầu hết các cua-rơ đều cho rằng, đồ cao cấp không chỉ thể hiện đẳng cấp, mà với chất liệu tốt, có thể giúp thấm, thoát mồ hôi nhanh chóng, mát mẻ vào mùa nóng và làm ấm cơ thể vào mùa lạnh. Bởi vậy, dù sức chịu đựng không còn như tuổi trẻ, nhưng vào những ngày đông lạnh buốt, họ vẫn đàng hoàng đạp xe đi khắp nơi chỉ với quần soọc, áo cộc tay.

Với họ, đạp xe cũng là cách ngao du đây đó, tham quan cảnh đẹp không tốn nhiều tiền; thưởng thức được những món ăn ngon, rẻ; đặt vòng quay đầu tiên trên những con đường đang làm. Ông Trần Hữu Dũng ấp ủ: “Ước mong một ngày nào đó, thành phố sẽ dành riêng một tuyến đường chỉ cho người đi bộ và xe đạp vào ngày cuối tuần. Thật thú vị!”.

TRIÊU NHAN-TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.