.

Thiếu nhân viên làm Tết

.
Các điểm dịch vụ như nhà hàng, quán cà-phê, karaoke trên địa bàn thành phố đang lo lắng thiếu nhân viên, trong khi Tết đang đến gần từng ngày. Nhiều nơi đã chấp nhận trả lương cao gấp 4-6 lần để tuyển nhân viên nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng thiếu người làm hiện nay.

Mô tả ảnh.
Dù chấp nhận trả lương cao nhưng hầu hết các điểm dịch vụ vẫn thiếu nhân viên.
 
Từ đầu tháng Chạp, tại khắp các cửa hàng kinh doanh ăn uống, giải khát đều đồng loạt đăng tuyển nhân viên làm thêm ngày Tết, kèm với đó là một mức lương, thưởng cao. Các trang quảng cáo miễn phí như rongbay.com, muaban.net cũng đăng rất nhiều các tin rao vặt như “Cần tuyển gấp nhân viên”, “Cần nhân viên làm Tết lương cao”, “Nhân viên làm Tết lương cao, không yêu cầu ngoại hình”… Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ quán cà-phê khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Hữu Thọ lo lắng: “Có đến 15 trong tổng số 25 nhân viên phục vụ tại quán chị đều đồng loạt xin nghỉ làm ngày Tết. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều cửa hàng dịch vụ khác bởi từ lâu dịp Tết chính là cơ hội kinh doanh rất tốt. Nhiều cửa hàng dù kê bảng thực đơn mới với giá cao hơn từ 50 - 80% so với ngày thường nhưng vẫn luôn nườm nượp khách ra vào”.

Lý giải sự thiếu hụt này, anh Trần Hoàng, chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Tất Thành cho biết, phần lớn các cửa hàng dịch vụ trên địa bàn thành phố đều sử dụng nhân viên làm việc bán thời gian với mức lương từ 700.000 - 1.500.000 đồng/tháng. Đối tượng là học viên, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, nên khi Tết đến thì tất cả đều xin nghỉ để về quê đón Tết cùng gia đình, không màng đến những lời mời gọi về mức lương hấp dẫn hay nguy cơ mất việc khi ra Tết. Chính vì vậy, dù nhiều chủ kinh doanh sẵn sàng trả lương 200 - 300 ngàn đồng/ngày vẫn không thể cân bằng lại được số nhân viên bị thiếu hụt.

Nhận thấy cơ hội, nhiều bạn trẻ đã suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại, đó là tranh thủ dịp Tết để kiếm tiền. Mấy ngày nay, bạn Lê Trung Hiếu, quê ở Nam Định, đang học tại Đại học Duy Tân luôn băn khoăn trước rất nhiều sự lựa chọn công việc: “Đã chấp nhận ăn Tết xa quê để kiếm tiền thì phải tìm một công việc được trả lương và thưởng cao mới làm”. Theo phân tích của Hiếu, được về quê ăn Tết dù vui nhưng rất tốn tiền tàu xe, các khoản chi tiêu trong ngày Tết, trong khi gia đình lại rất eo hẹp về kinh tế. “Số tiền làm được trong chục ngày nghỉ Tết cũng đủ cho em ăn học trong 2 tháng tiếp theo, như vậy sẽ bớt được một khoản lớn cho gia đình”, Hiếu cho biết thêm. Còn bạn Đinh Hoàng Mạnh, quê ở tận Bắc Giang vào Đà Nẵng theo học thì luôn lắc đầu ngán ngẩm khi nghĩ đến quãng đường về quê ăn Tết mỗi năm: “Xe thì luôn chật kín người nhưng giá cao gấp đôi ngày thường, mỗi lần về quê là gia đình phải gửi vào cho cả triệu bạc, rất tốn kém”. Mạnh đang định xin vào phục vụ những ngày Tết tại vũ trường TV Club (quận Hải Châu). Với mức lương 200 ngàn đồng/đêm, cộng thêm tiền “bo” của khách, tiền thưởng, mỗi ngày Mạnh cũng kiếm được 400 - 600 ngàn đồng.

Hiện có rất nhiều bạn trẻ từ những miền quê nghèo đến thành phố Đà Nẵng học tập. Họ chấp nhận một cái Tết xa nhà để kiếm tiền, dù rằng Xuân về với người thân ở quê có phần ngậm ngùi nhưng đổi lại, họ đã trút bớt phần nào những gánh nặng cho gia đình khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. “Em tính làm đến mồng 3 Tết rồi về quê mừng thọ ông lên 70, khi đó tiền xe đi ra Bắc giá rất rẻ, mình lại có được ít tiền mua quà cho ông”, Trương Xuân Hùng, quê ở Nghệ An, tâm sự.

Bài và ảnh: Phan Chung
;
.
.
.
.
.